Nhân viên phập phồng án ngân hàng

28/03/2018 - 10:47

PNO - Những vụ án vừa qua cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các nhân viên ngân hàng. Người trong nghề cũng đề cao cảnh giác hơn.Nếu thấy môi trường làm việc không ổn, họ sẽ tự rút lui và đi tìm bến đỗ mới, an toàn hơn.

Tôi có 20 năm làm nhân viên ngân hàng, trong đó có gần chục năm làm lãnh đạo cấp trung. Bạn bè tôi cũng rất nhiều người làm ở các ngân hàng khác. Mới đây, một chị bạn - làm teller cho một ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng cổ phần - khoe mới được khách hàng VIP tặng cho chiếc ví trị giá cả mấy triệu đồng. Còn hôm kia, cả ban của chị được một khách hàng kinh doanh ngành sữa, tặng cho cả mấy thùng sữa “uống để đẹp da”.

Cuối năm vừa rồi, cả hội còn được mời đi dự tất niên ở một nhà hàng sang chảnh ngay trung tâm thành phố. Hay như cô em làm thủ quỹ ở một ngân hàng nọ, vừa mới được chị khách hàng thân thiết tặng chiếc quần… chip dễ thương. Kể ra còn nhiều chuyện vui khi làm nhân viên ngân hàng lắm.

Nhan vien phap phong an ngan hang
 

Thế nhưng, đâu phải tự nhiên mà nhân viên ngân hàng được hưởng lộc từ các vị khách VIP kia. Đổi lại, nhân viên cũng chăm sóc khách VIP “tận răng”, hơn hẳn khách thông thường với các hoạt động gửi hoặc rút tiền tận nhà. Nếu ngân hàng không có chính sách, nhân viên còn phải tự bỏ tiền túi ra tặng quà nhân dịp sinh nhật của khách hàng, của cha mẹ, con cái khách hàng.

Ngoài ra, còn hằng hà dịch vụ cộng thêm: đổi tiền mới, tiền lẻ vào dịp tết; đi nhậu cùng khách hàng để tiếp đối tác; đưa đón con dùm khách hàng... Bởi chỉ cần một vài lần mình từ chối thì coi như mất khách. Trong bối cảnh cạnh tranh, ngân hàng nào chiều khách tốt nhất thì họ chọn thôi. Mà nhân viên nào cũng đang ngán việc áp chỉ tiêu, vừa giữ khách hàng cũ vừa phát triển khách hàng mới theo chỉ tiêu được giao thì mới được hưởng đủ lương.

Do đó, nếu chỉ cần một vài khách hàng VIP bỏ đi thì coi như tháng đó chỉ ăn lương cơ bản, rất khổ. Cũng vì thế mà nhiều lúc, giao dịch viên đành nhắm mắt bỏ qua các quy định của Ngân hàng Nhà nước để chiều lòng khách VIP, chỉ cần khách “alô” là thực hiện ngay các giao dịch, kể cả khi chưa có chữ ký của khách hàng. Sau đó, nhân viên mới đem chứng từ đến tận nhà để xin chữ ký của khách. Lúc này, chính các nhân viên ngân hàng đã ôm rủi ro vào mình. Chỉ cần một ngày đẹp trời, khách hàng bảo rằng, không nhớ đã đưa ra yêu cầu rút tiền nên không ký vào chứng từ thì hậu quả… nhân viên lãnh đủ.

Mới đây, chị N.T.T.H - kiểm soát viên của một ngân hàng có trụ sở tại Q.1, TP.HCM - kể lại, tuần trước có một khách hàng lớn tuổi cầm quyển sổ tiết kiệm mở cách đây 3 năm đến ngân hàng chị yêu cầu tất toán. Kiểm tra trên hệ thống thì mới biết sổ tiết kiệm đó khách hàng đã báo mất cách đây 2 năm, ngân hàng đã cấp lại sổ mới và khách hàng cũng đã tất toán sổ mới rồi, nay lại cầm sổ cũ đến đòi nhận tiền. Báo hại các bạn giao dịch viên phải đi sao lục chứng từ của 2 năm về trước cho khách hàng xem và xác nhận các chữ ký đã ký khi báo mất vào thời điểm đó. Lúc này, khách hàng mới chịu ra về.

Thế mới nói, tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, đâu phải ai cũng nhận thức một cách nghiêm túc, đôi khi vì vị tình, vì sợ phật lòng khách hoặc vì quá tin vào khách hàng VIP, mà các giao dịch viên đã không biết rằng, mình đã vi phạm pháp luật, nếu rủi hậu quả xảy ra thì chính họ là người hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Dạo gần đây,  báo chí liên tục đăng tin toàn án ngân hàng lớn - nhỏ. Điều đó cho thấy, trong môi trường ngân hàng, nếu không thật sự giữ tâm trong sạch, thì chuyện cho tay nhúng chàm rất dễ xảy ra. Điều đáng nói là các vụ án xảy ra đều có cả một ban bệ đồng hành.

Nếu chẳng may gặp phải sếp không tốt, nhân viên ngân hàng lập tức bị cuốn vào vòng xoáy ma lực của đồng tiền. Muốn đứng ngoài vòng xoáy này, đã từng có hàng loạt nhân viên tự tách mình ra khỏi cuộc chơi, chấp nhận nghỉ việc, đi tìm ngân hàng khác để được yên thân. 

 T.T. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI