Người mẹ 8 năm không thấy mặt trời

28/07/2017 - 09:38

PNO - Trong chừng ấy năm, bà Nguyệt không dám đi chợ, có bệnh cũng không dám đến bệnh viện. Cuộc sống tận cùng khổ sở, mà đến khi có lệnh triệu tập của Sở Di dân, bà kiên quyết: “Một là mẹ ở lại đây, hai là mẹ chết!..”.

Tôi đến vỗ nhẹ vai Dĩnh. Giữa phòng ăn rộn ràng tiếng con trẻ của công ty DDK Group (Bình Dương), đôi mắt tĩnh lặng và buồn rười rượi thoáng vui khi nhận ra người quen. Tôi hỏi: “Con ổn không? Mẹ với bà khỏe không con?”. Tia mừng vui chóng vánh chợt tắt, đôi mắt lại buồn rười rượi. Cô bé nói chậm chậm mấy tiếng Việt rời rạc, mà xa xăm: “Dạ con khỏe, mẹ cũng mệt, cái chuyện đó…”.

Nguoi me 8 nam khong thay mat troi
Chị Loan (bìa trái), bà Nguyệt và các cháu trong cuộc trò chuyện

Buổi chiều ảm đạm tôi đã đi qua cùng Dĩnh trong căn nhà lụp xụp bên chân núi ở Đài Đông, Đài Loan ùa về.“Con hạnh phúc!”

Chúng tôi vừa bước vào cổng, chị Trần Thị Phương Loan (SN 1974) đã chạy ra chào bằng cái giọng rặt miền Tây Nam bộ: “Mấy cưng đi mệt hông? Vô nhà uống trà nghen!”. Trong nhà, chị vừa pha trà, vừa rôm rả hỏi chuyện cho đến khi tôi hỏi: “Lâu nay chị có về Việt Nam không?”. Tay chị run run. Ấm trà trên tay lắc mạnh, làm tràn nước ra bàn. Chị bệu bạo: “Tám năm rồi hổng có dìa, nhớ nhà, nhớ quê hương lắm mà vì con, vì hoàn cảnh mà hông dìa được”.

Mang thai Tư Dĩnh năm 1999, chị vừa hòa nhập với cuộc sống hôn nhân khác văn hóa với người chồng mai mối, lại vừa làm quen với sự ghẻ lạnh, hành hạ của nhà chồng. Mang thai được bảy tháng, với nhiệm vụ nấu nướng, dọn dẹp cho gia đình năm người, chị vẫn được tính là lao động chính trên ruộng mãng cầu của nhà chồng.

Ra vườn với hai cái xô to, công việc của chị là hái quả, xách mỗi lượt hai xô đầy mãng cầu vào lượm lặt, trước khi xách tất cả chỗ mãng cầu ấy ra xe chở hàng, theo xe về chỗ thương lái. Một buổi chiều tối, cảm thấy đói lả, chị chưa kịp xin mẹ chồng cho đi bộ về nhà thì đã được bà giao việc… theo xe ra cân mãng cầu với thương lái. Chiếc xe chở hàng dằn xóc, cực nhọc leo qua đường núi.

Đến nơi, vừa bước xuống xe chị đã nôn thốc nôn tháo. Bố mẹ chồng bình thản đứng nói chuyện. Qua cơn xây xẩm, chị lầm lũi vào cân hàng tạ mãng cầu trước khi được bố chồng đưa về nhà trên chiếc xe hàng. Sau hơn nửa năm sống với nhà chồng, chuyện ấy đã thường. Nhưng đêm ấy, chị đau bụng dữ dội. Đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu, không tự đi được nữa; chị sinh Tư Dĩnh khi chỉ mới được hơn bảy tháng thai kỳ.

Nguoi me 8 nam khong thay mat troi
Ông Peters, đại diện của ngành Giáo dục Đài Loan động viên Tư Dĩnh cố gắng học tập trước lúc chia tay

Giai đoạn mang thai Trần Bái Thư, chồng thường xuyên vắng nhà, chị một mình vừa làm tất cả những công việc của một trụ cột gia đình, vừa chăm con nhỏ. Nhiều lúc quá đuối sức trước đống quần áo ngổn ngang giữa mùa đông giá, nhìn hai chiếc máy giặt đã được mẹ chồng… rút điện từ ngày có con dâu; chị chảy nước mắt.

Biết mình không kham nổi, chị gọi về nhà, mời mẹ ruột qua phụ giúp những ngày sinh nở. Bên này, đã neo đơn mấy năm ròng từ ngày đứa con gái duy nhất lấy chồng xứ người, nghe Loan mở lời, bà Trần Thị Nguyệt (SN 1949, là y tá, ngụ Long Xuyên) cuống quít thu xếp. Đó là chuyến đi Đài Loan đầu tiên của người phụ nữ 53 tuổi. Vừa kịp vui mừng vì được thăm nom con gái, bà Nguyệt đã quần quật hòa nhập với cuộc sống cơ cực của con.

Giai đoạn ấy, Tư Dĩnh lại phát bệnh tim, chị Loan sinh Bái Thư trong sự vất vả đến kiệt quệ của mẹ ruột. Bà vừa phải chăm con, vừa lo liệu cho đứa cháu bệnh tật, vừa làm toàn bộ việc nhà dưới sự khinh rẻ  của gia đình sui gia. Được hai tháng thì hết hạn visa. Phải để lại đứa con gái cơ cực giữa gia đình chồng, bà Nguyệt nuốt nước mắt mà quay về Việt Nam với lời tự an ủi: “văn hóa người ta khe khắt quá!”.

Suốt chừng ấy năm trời, chị Loan không hé lời với ai về nỗi khổ của mình, gọi điện về nhà, chị chỉ lướt qua chuyện mình bằng câu nói quen thuộc: “Con cũng cực, nhưng hạnh phúc”. Những lúc quá đau xót nhìn mẹ làm lụng đến kiệt sức, chị chỉ biết an ủi: “Ở đây ai cũng phải vậy”.

Năm 2008, chị mang thai đứa con thứ ba khi kinh tế gia đình ngày một đi xuống. Ba chồng bị tiểu đường, chồng làm ăn thất thường, lại đi biền biệt. Bái Thư phát hiện mắc bệnh viêm thận, cứ dăm ngày lại nhập viện. Lại thêm bố mẹ chồng quen tiêu xài, cứ cách bữa lại đòi con “báo hiếu”. Muôn nỗi vất vả, lo âu. Cái thai được chừng hai tháng, chị Loan phát bệnh trầm cảm. 

Bà Nguyệt lại sang. Công việc lúc này như nhân đôi khi có thêm một đứa trẻ, chị Loan lại bệnh. Tiễn mẹ về được chừng một năm, bệnh chị Loan trở nặng, phải liên tục đi cấp cứu. Hai đứa con lớn cũng vào viện thường xuyên vì căn bệnh mãn tính. Lần ấy, thấy mẹ xách túi bước xuống xe con rể, im lặng đi qua sự lạnh nhạt của ông bà sui mà vào với con cháu; chị Loan bật khóc.

Đêm đó, vâng lời bác sĩ là “phải tâm sự với mọi người để khuây khỏa”, chị kể toàn bộ nỗi ấm ức, đau khổ đời mình với mẹ. Bao nhiêu sự thắc mắc, dằn vặt lâu nay vẫn được lý giải bằng văn hoá cũng vỡ òa trong lòng bà Nguyệt. Bà ôm hai đứa cháu lớn, rấm rứt khóc suốt đêm. Nỗi đau bấy nay cộng với nỗi tủi vì “mẹ con chia đôi, rồi con lấy chồng xa xứ làm chi để bị hờn ghét, đọa đày?”.

Đường cùng

Nhưng, những ngày tháng vẫn được kể lướt qua nãy giờ mới chỉ là mở đầu cho câu chuyện mà chị Loan đang đau đáu. Dừng lại ở cột mốc “mẹ sang khi đứa con út được hơn một tuổi”, giọng chị lạc đi: “Rồi hết hạn visa, mẹ được gia hạn vì có giấy của bác sĩ là chị không đủ sức khỏe để chăm con, gia hạn sáu tháng mà mẹ ở đến… tám năm”. Tôi thoáng nhẩm tính, rồi giật mình, hỏi: “Mẹ chị đang ở đâu?”. Chị bất giác nhìn quanh quất, tất cả mọi người đều đang lắng nghe. Chị thầm thì: “Mẹ ở trong phòng, không dám ra, sợ bị bắt”.

Nguoi me 8 nam khong thay mat troi
Mỗi ngày, bà Nguyệt tất bật với công việc nhà và sau đó vào phòng đóng kín cửa vì sợ bị bắt.

Cả phòng khách như lặng đi. Chị Loan trào nước mắt, sụt sùi: “Mẹ trốn miết trong nhà, làm xong việc nhà là vô phòng đóng cửa lại, không dám nói chuyện với ai vì sợ phát hiện. Vậy mà mới đây, người ta rà soát danh sách xuất nhập cảnh, phát hiện mẹ ở quá hạn nên kêu chị lên trình báo. Chuyến này chắc mẹ bị trục xuất rồi cưng ơi!”.

Ba đứa con chị ngồi im lặng nãy giờ, cũng chảy nước mắt. Tôi nói Tư Dĩnh dắt bà ngoại ra đây chơi, Dĩnh chỉ cụp mắt, cúi đầu. Đến khi ông Peters - đại diện ngành Giáo dục Đài Loan, người đưa chúng tôi đến nhà Tư Dĩnh hôm ấy - trấn an: “Không ai bắt bà đâu, chị cứ mời bà ra gặp mọi người”, ba đứa con của chị Loan mới cởi bỏ được nỗi sợ, vội vàng chạy vào phòng gọi bà ngoại. 

Từ cánh cửa ngay sau lưng tôi, bà Nguyệt bước ra, vẻ mặt điềm tĩnh và minh mẫn hơn nhiều so với hình dung của tôi nãy giờ. Nhưng, vừa ngồi xuống bàn, câu nói đầu tiên của bà đã run lên: “Mấy cô ở Việt Nam qua chơi hen?”. Ba vị khách nghe được tiếng Việt, không ai trả lời. Tôi nghe nghẹn đắng.

Bà quay qua gật đầu chào những vị khách người Đài Loan rồi quay sang chúng tôi, nghẹn ngào phân trần: “Tui hổng biết tiếng Đài”. Chị thông dịch viên lập tức thông dịch từng câu nói của bà cho mọi người. Cũng câu nói ấy, nhưng khi cuộc trò chuyện đã cởi mở hơn, không còn thấy sợ sệt, bà đùa: “Chắc có mình tui ở nước họ tám năm mà không biết tiếng”.

Tám năm trời trôi qua với trăm nghìn câu chuyện, trăm nghìn sự “vỡ lẽ” của mẹ con chị Loan về nỗi khổ của nhau. Trong chừng ấy năm, bà Nguyệt không ra ngoài, không tiếp xúc với hàng xóm, chỉ quẩn quanh ở sau nhà, rồi lặng lẽ về phòng, đóng kín cửa. Bà không dám đi chợ, có bệnh cũng không dám đến bệnh viện.

Lúc chứng kiến con gái bị chồng phản bội, nhìn con oằn mình ôm thanh giường mà khóc, bà nuốt nước mắt giả lơ, không biết chia sẻ với ai. Cuộc sống ở tận cùng khổ sở là vậy, mà đến khi có lệnh triệu tập của Sở Di dân, bà kiên quyết: “Một là mẹ ở lại đây, hai là mẹ chết! Mẹ không chịu nổi mình yên ả ở quê mà nghĩ đến cảnh bây khốn cùng bên này đâu”.

Lúc nhắc lại câu nói ấy, chị Loan bật khóc. Bà Nguyệt kéo tôi ra sau nhà, đứng khóc: “Ở quá hạn đến tám năm, chắc chắn là tui bị trục xuất rồi. Nhưng làm sao để xin visa trở qua, tiền đâu mua vé máy bay, rồi nếu được qua rồi, đến khi hết hạn, thì sao nữa? Chuyện khổ của nhà này không kể hết đâu cô. Nhưng khổ cũng được, tui chỉ muốn ở với con tui. Tui lỡ nói với nó một lần mà giờ không xóa được, nó vì sợ tôi tự tử mà khóc suốt. Nhưng tui tình thiệt, nếu tui phải về, mẹ con bà cháu chia cách, thì thà để tui chết. Nếu vì chết mà phải xa con, thì còn dễ chấp nhận hơn”.

Lúc chia tay, mỗi người chúng tôi mang theo một lời hứa, và để lại một bi kịch chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, bao giờ sẽ kết thúc. Peters hứa sẽ tìm cách hỗ trợ tiền vé máy bay để bà về Việt Nam trước khi tìm được cách sang định cư Đài Loan. Những người cùng quê chúng tôi hứa sẽ tìm hiểu về chính sách cấp visa của đại diện Đài Loan tại Việt Nam. Để đến hôm 19/7, theo đoàn của Bộ Giáo dục Đài Loan về thăm quê ngoại, Tư Dĩnh lại như vừa trả lời tôi rằng, ở bên ấy, nỗi đau vẫn còn… 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI