Minds - một góc nhìn khác

06/07/2018 - 07:56

PNO - Minds - một mạng xã hội sống “lay lắt” trong 7 năm qua - bỗng chốc trở nên “hot” trước những lùm xùm liên quan đến quyền riêng tư của Facebook.

Sự bổ sung nền tảng blockchain cùng tính năng đổi điểm thưởng thành đồng token càng làm cho Minds trở nên “hợp thời” khi người người, nhà nhà đang nói về tiền ảo. 

Minds lại có thể hiển thị số người xem dù họ không like, điều này giúp biết được có bao nhiêu người đọc hoặc quan tâm bài viết, điểm này hay hơn Facebook. Thế nhưng, liệu Minds có đảm bảo tính “phi tập trung” và cả quyền tự do ngôn luận như lời khẳng định của Bill Ottman - nhà sáng lập mạng xã hội mới này.

Tự do ngôn luận đến đâu?

Minds “hấp dẫn” vì đánh giá sức hấp dẫn của thông tin người dùng đăng tải thành điểm thưởng tiền ảo (token). Và người dùng cũng có thể sử dụng token này để tăng view của bài viết, mua quảng cáo hoặc chia sẻ từ tài khoản của người khác. Các hoạt động quảng cáo cũng không cần qua trung gian như nhà quản lý Facebook nữa mà được thực hiện trực tiếp. 

Minds - mot goc nhin khac
 

Nhiều người chuyển qua Minds vì được hứa hẹn về quyền tự do ngôn luận. Đây là sự thật hay chỉ là chiêu “câu khách” của Minds, điều này khoan hãy bàn tới. Điều đáng nói hơn là mức độ nguy hiểm của việc không kiểm duyệt thông tin khi đưa lên internet. 

Facebook sử dụng các thuật toán AI (trí thông minh nhân tạo) để xem lại hình ảnh, thông tin trước khi chúng được đăng hoặc đánh dấu để lưu ý. Sau đó, nhóm kiểm duyệt nội dung khá hùng hậu sẽ xem xét và quyết định xem có cần phải loại bỏ nội dung đó hay không, thậm chí có thể khóa luôn tài khoản nếu cần. Ngoài ra, Facebook cũng khuyến khích người dùng báo cáo về các nội dung không lành mạnh.

Bill Ottman cho rằng, việc kiểm duyệt nội dung như thế sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dùng, nhất là đối với những nhà tư tưởng lớn. Vì vậy, Minds không sử dụng AI để phát hiện nội dung vi phạm các điều khoản.

Trong khi, nếu tính riêng về việc giữ an toàn cho trẻ em, Facebook có thể phải cần nhiều hơn 3.000 người để kiểm soát - theo đề nghị của Hiệp hội Quốc gia về ngăn ngừa xâm hại trẻ em (NSPCC) của Anh - thì Minds chỉ có một nhóm nhỏ nhân viên kiểm duyệt để hạn chế những dấu hiệu tội phạm. Phần lớn nội dung đăng lên Minds là vô hại nhưng chắc chắn sẽ “lọt” cả những bài viết có nội dung thù địch, phân biệt sắc tộc, phản động… vì hoàn toàn không có điều khoản nào của Minds ngăn chặn những nội dung này.  

Các nhà điều hành của Facebook cho biết, chính sách Facebook đã sử dụng để đánh giá nội dung rất phức tạp. Muốn đảm bảo riêng tư cho người dùng, muốn bảo vệ tự do ngôn luận trên internet bằng công nghệ, cần phải có đội ngũ kỹ sư giỏi. Không phải tự dưng mà Facebook thuê hàng trăm chuyên gia an ninh mạng.

Nhóm hoạt động bảo vệ quyền tự do trên lĩnh vực kỹ thuật số ở Anh, Open Rights Group (ORG) nói rằng, quyết định của Facebook về việc đánh giá các nội dung đăng tải không phải hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp, nhưng họ đã rất cố gắng trong quy trình xử lý các nội dung vì lợi ích người dùng. Điều này sẽ không bao giờ có ở Minds. Thật nguy hiểm nếu các nội dung xấu tác động và lôi kéo bạn mỗi ngày. Nguy hiểm hơn, Minds không yêu cầu sử dụng tên thật, nên việc lừa đảo trên mạng xã hội cũng dễ xảy ra hơn.

Tính “phi tập trung” của Minds

Lý tưởng cơ bản mà blockchain theo đuổi là tính phi tập trung, nơi cộng đồng có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần một trung gian (như nhà nước, ngân hàng, các tổ chức hành chính…). Hệ thống blockchain hoạt động biệt lập và mã hóa, không chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ chỉ đạo của một nhóm lợi ích nào nên có thể tạo ra công bằng cho số đông những người nắm giữ token. Công nghệ blockchain giúp tăng tính bảo mật, tốc độ xử lý nhanh hơn, chống lại sự thay đổi dữ liệu.

Dù sử dụng nền tảng blockchain nhưng thật đáng tiếc, Minds không phải là một hệ thống phi tập trung (decentralized). Theo chia sẻ của CEO, chỉ một phần thông tin, bài vở người dùng được lưu trữ bằng công nghệ blockchain, phần còn lại do Minds quản lý. Như vậy, có thể thấy, nền tảng này chưa tiến bộ hơn Facebook là mấy.

Blockchain là một công nghệ đầy hứa hẹn, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế. Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg cuối tháng Năm vừa qua, bà Olga Skorobogatova - Phó thống đốc Ngân hàng Liên bang Nga - nói rằng, công nghệ blockchain thật sự chưa “trưởng thành” và không được sử dụng trên quy mô công nghiệp, ngoại trừ tiền điện tử.

Hầu hết các nhà cung cấp công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán và các sàn giao dịch trên toàn cầu đều nhận thấy sự yếu kém của blockchain ở thời điểm này, nên họ không mấy mặn mà trong việc áp dụng công nghệ này vào nền tảng hoạt động của mình.

Theo The Wall Street Journal, một nghiên cứu của công ty nghiên cứu tài chính và công nghệ Celent cho thấy, chỉ có 5% doanh nghiệp được hỏi đã áp dụng blockchain ở một số dạng, so với 40% đã sử dụng điện toán đám mây, 70% triển khai tự động hóa quy trình robot và 35% cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI).

Mặc dù 70% nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tuyên bố họ đang phát triển các dự án thử nghiệm, 20% người được hỏi cho biết, họ không có kế hoạch để làm việc, 10% người nói rằng, họ thiếu kiến thức chuyên môn về chủ đề này. Chính Ottman đã thừa nhận rằng, công nghệ blockchain chỉ được dùng cho các giao dịch token, không thể hỗ trợ một mạng xã hội hoàn toàn phi tập trung.

Ngừng chạy theo đám đông

“Chúng ta dễ dàng chạy theo đám đông để không bỏ lỡ điều mà mọi người xung quanh đều có” - giáo sư Peter Ayton - Trường đại học London nói.

“Chúng ta đầu tư bitcoin không phải vì giá trị của nó trong tương lai, mà đơn giản là vì mọi người xung quanh đang đầu tư, và chúng ta sợ mình không theo kịp trào lưu. Hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào thị trường crypto hiện nay đều không có nhiều kiến thức về tài chính, thậm chí họ cũng không thực sự tìm hiểu về cryptocurrency hay blockchain, họ chỉ chạy theo những nguồn thông tin trên mạng”. 

Người ta rời bỏ Facebook để di chuyển qua “ngôi nhà” mới là Minds cũng do hiếu kỳ và “hiệu ứng đám đông” là chủ yếu. Minds xuất hiện đúng lúc khi người dùng mất niềm tin vào Facebook, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, một làn sóng facebooker lớn và sẽ tăng thêm trong thời gian tới di tản sang ngôi nhà mới là mạng xã hội Minds đôi khi là “lợi bất cập hại”.

Việc không kiểm duyệt đảm bảo tự do nhất định cho người dùng, nhưng nếu xem đây là một “miền đất hứa” để từ bỏ Facebook thì chưa hẳn, vì mục tiêu cao nhất của Minds cũng không khác gì Facebook, là doanh thu. Chỉ khác là Minds phát hành đồng tiền của riêng họ (token) và kiếm tiền thông qua các vụ huy động vốn từ người dùng (ICO).

Thực tế, dùng Minds hay Facebook hoặc bất kỳ một mạng xã hội nào khác đều là quyền của bạn. Điều quan trọng là bạn cần tỉnh táo trước đám đông, tự nhận thức cách sử dụng mạng xã hội hữu ích cho mình. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI