Luật sư nói gì về bản án sơ thẩm vụ xả súng ở Đắk Nông?

05/01/2018 - 16:35

PNO - Không chấp nhận bản án sơ thẩm, luật sư cho biết các bị cáo sẽ làm đơn kháng cáo và và hi vọng tòa phúc thẩm sắp tới sẽ xem xét vụ án thấu đáo, toàn diện hơn.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ xả súng khiến 16 người thương vong xảy ra tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã khép lại bằng hình phạt cụ thể của các bị cáo. Vẫn biết, các bị cáo phạm tội thì phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật nhưng dư luận không xót xa trước bản án tử hình dành cho Đặng Văn Hiến. Đồng thời, không ít câu hỏi về tính khách quan của bản án cũng được đặt ra.

Là một trong những người theo sát vụ án ngay từ đầu, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, - Hãng luật Giải Phóng có không ít trăn trở liên quan đến vụ án này.

Luat su noi gi ve ban an so tham vu xa sung o Dak Nong?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng hỏi bị cáo Hiến tại phiên tòa.

Theo luật sư Hưng, ngay khi vụ án xảy ra dư luận ai cũng nhìn thấy, nguyên nhân gây ra vụ án này là do quá trình khiếu nại tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và hoàn cảnh xảy ra là do hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn, tự tổ chức lực lượng cưỡng chế phá hủy tài sản của người dân.

Quá trình này âm ỉ từ năm 2008 đến nay có 4 đợt “cưỡng chế” lớn làm mất đi hàng chục hecta rẫy của người dân nơi đây. Trong năm 2016, công ty Long Sơn hai lần tổ chức “cưỡng chế” dẫn đến đỉnh điểm là vụ nổ súng vào tháng 10/2016.

Theo hồ sơ vụ án, vào thời điểm gây án, công ty Long Sơn tổ chức lực lượng khoảng 30 người, trang bị công cụ hỗ trợ như khiên, áo giáp, gậy gộc, gạch đá, xe ủi… Lực lượng này được công ty Long Sơn huấn luyện phương án “cưỡng chế” rất bài bản trước đó 10 ngày.

Theo phương án, lực lượng này chia ra thành nhiều nhóm để “tác chiến”, nhóm thì lái xe ủi san ủi điều trên rẫy của nhà Hiến, nhóm thì vây ráp nhà Hiến, nhóm thì bảo vệ xe ủi… và thực hiện việc “cưỡng chế” vào lúc tờ mờ sáng.

Lúc đó, Đặng Văn Hiến (47 tuổi, tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) và vợ con đang ngủ thì nghe tiếng ồn xe ủi. Hiến ra rẫy để ngăn cản thì bị nhóm Long Sơn chặn lại. Khi Hiến cầm súng và bắn chỉ thiên hai phát thì lực lượng của công ty Long Sơn dùng đá ném vào nhà của bị cáo này.

Trong hoàn cảnh, tính mạng của mình và vợ con bị đe dọa, ngoài rẫy thì đang bị người của công ty Long Sơn san ủi, Hiến đã không còn làm chủ được mình, mất kiểm soát và cảm xúc, cầm súng và bắn vào nhóm người của Long Sơn từ nhiều vị trí.

Luat su noi gi ve ban an so tham vu xa sung o Dak Nong?
Người dân bức xúc, không đồng tình với bản án sở thẩm.

Sự chịu đựng của Hiến và người dân nơi đây đã trải qua một thời gian dài nên khi vụ án xảy ra chẳng khác nào cảnh "tức nước vỡ bờ". Việc phạm tội của Hiến hoàn toàn do bị kích động mạnh bởi hành vi trái pháp luật của nhóm "cưỡng chế".

Hiến bị dồn vào đường cùng không còn sự lựa chọn nào khác, bởi nương rẫy là nguồn sống duy nhất, là chén cơm manh áo của gia đình. Tước nó đi, Hiến phải dành lại như một tất yếu.

Hành vi trái pháp luật của nhóm người công ty Long Sơn đã rõ, tổ chức “cưỡng chế” phá hủy tài sản của người dân. Tòa cũng đã tuyên phạt tù hai người trong công ty này. Cho nên, có đủ căn cứ để xác định Hiến và những người khác phạm tội hoàn toàn ở trong trạng thái bị “kích động”, thậm chí bị “kích động mạnh” hoặc “rất mạnh”.

Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lấy lý do rằng, vì hành vi của Hiến gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có 2 tình tiết tăng nặng nên phải cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi cộng đồng xã hội. Đồng thời, tòa không chấp nhận đề nghị của các luật sư về tình tiết “phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân” là không phù hợp với diễn biến tâm lý phạm tội của bị cáo Hiến.

Mặt khác, việc đánh giá Hiến không “phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân” là một thiếu sót nghiêm trọng của tòa sơ thẩm, làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án, không làm rõ được nguyên nhân, hoàn cảnh, điều kiện và động cơ phạm tội của bị cáo.

Không chỉ vậy, trong quá trình điều tra, truy tố các cơ quan tố tụng đã không xem xét thấu đáo trách nhiệm của chính quyền địa phương, nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương nên đã không đánh giá đúng bản chất của vụ án. Đó cũng là một thiếu sót.

Bản án sơ thẩm đã gieo nỗi bức xúc cho không ít người dân nơi đây. Ngay khi phiên tòa vừa dừng lại, nhiều người đã òa khóc, la hét và cho rằng HĐXX chưa thật sự công tâm. Bởi nguồn cơn của vụ án là việc “cưỡng chế” của công ty Long Sơn có tổ chức và đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm và đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh khốn cùng.

Trong đó, có sự chỉ đạo của Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, nguyên Phó giám đốc công ty Long Sơn). Ấy vậy mà, Sửu chỉ bị tuyên phạt 6 năm tù về tội Hủy hoại tài sản hoặc cố tình làm hư hỏng tài sản.

Từ những phân tích nêu trên, luật sư Hưng cho biết, Hiến và các bị cáo sẽ làm đơn kháng cáo và hi vọng tòa phúc thẩm sắp tới sẽ xem xét thấu đáo, toàn diện và khách quan vụ án để tha tội chết cho Hiến, cũng như truy cứu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI