Khát vọng sống: Bàn tay 3 ngón xinh xinh...

25/03/2017 - 13:18

PNO - “Lúc bác sĩ tháo băng, con hồi hộp lắm. Rồi con không… thấy vui vì tay chỉ có ba ngón thôi. Con tưởng là được năm ngón. Nhưng bác sĩ bảo con “miễn ba ngón mà con viết đẹp, học giỏi thì ai cũng ngưỡng mộ”...

Ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ, chợt thấy khách mở sổ ra ghi chép, đôi mắt cô bé sáng rỡ, giọng thiết tha: “Cho con mượn nha! Con viết cho cô coi. Nay con viết giỏi lắm!”. Tôi đưa sổ cho Minh Anh. Cô bé ngồi bệt xuống, hai tay giữ chặt bút, bặm môi nắn nót: “Hôm nay chủ nhật, nhà con có khách đến chơi”. Con chữ tròn trịa, nét viết gọn gàng, đó là một kỳ tích được thắp lên từ giấc mơ cháy bỏng.

Khat vong song: Ban tay 3 ngon xinh xinh...
 

Con biết đi rồi!

Chăm chú nhìn cô con gái tám tuổi như đang dốc hết sinh lực cặm cụi theo con chữ, chị Phạm Thị Loan rưng rưng: “Mấy ai ngờ cháu có ngày hôm nay. Hồi đó, ai cũng nghĩ cháu sẽ không ở lại lâu với chúng tôi đâu”. Cho đến giờ, người mẹ ấy vẫn chưa quên cái cảm giác hạnh phúc sớm bị thay bằng nỗi hoảng sợ trong khoảnh khắc Minh Anh chào đời. Khi ấy, vị bác sĩ bồng đứa trẻ như nhúm thịt trên tay, nhìn chị ái ngại: “Em bé không được bình thường rồi em à!”.

Chị tối sầm mặt, quay sang con, kịp thét lên tiếng “ôi” rồi nhũn người, ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy chồng đứng tựa tường sụt sùi, chị thều thào, mếu máo: “Mang con lại cho em!”. Mẹ chị lật đật chạy đến, nước mắt lưng tròng: “Con nhớ không? Hai đứa con của anh chị con, một hở hàm ếch, một không có hậu môn, là di chứng da cam. Phận số nghiệt ngã, bắt thêm một đứa cháu của mẹ chịu bao thua thiệt”. Chị ôm mẹ nức nở. Giấu gương mặt đau đớn, chồng chị - anh Bùi Thế Hùng - dịu dàng: “Không sao đâu em, con có thế nào cũng là con 
mình mà”. 

Đứa trẻ co rúm, nhăn nheo hệt một cụ già nằm gọn trong lòng tay mẹ: khuôn mặt méo xệch, đôi mắt lồi to, tứ chi không ngón. Và, con bé… không khóc. Sau 10 tiếng đồng hồ thi nhau làm cho đứa trẻ bật khóc nhưng bất lực, bác sĩ thở dài: “Cháu rất yếu, chắc không thọ được lâu đâu. Mọi người chuẩn bị tinh thần”. Cắn chặt môi, cơn tức thở khi nghĩ đến sự chia lìa khiến chị Loan mạnh dạn đưa tay phát mạnh mông con. Đứa trẻ òa khóc ngon lành.

Đưa con về, ngày tháng mệt nhoài sau đó, vợ chồng chị ví nuôi con như nuôi dưỡng một Sọ Dừa trong truyện cổ tích. Đặt đâu, Minh Anh nằm đó, ít khóc, không cười, hay lên cơn sốt, huyết áp hạ. Chị Loan nghỉ việc, dành hết thời gian lo cho Minh Anh, cuộc mưu sinh đè thêm nỗi nặng nhọc lên đôi vai người chồng. Làm thuê làm mướn, anh đi nhiều hơn, xa hơn để cứ hai tháng lại ôm mấy triệu đồng mang về đưa cho vợ.

Chứng kiến cuộc sống nhọc nhằn của họ, có người ghé thăm, “chỉ điểm” một cô nhi viện, song vợ chồng chị Loan gạt phăng: “Tụi tôi còn đây thì mắc gì để con thành đứa trẻ côi cút”. Nói rồi, cả hai ứa nước mắt, nhìn nhau động viên: “Mình cùng cố gắng, chồng kiếm tiền, vợ nuôi con. Con thiếu may mắn mà nằm một chỗ hoài, mình cũng ráng lo đến suốt đời”.

Tròn tám tháng tuổi, một sáng đi chợ về, chị Loan ngỡ ngàng bắt gặp Minh Anh đang… ngóc đầu nhìn mẹ cùng tiếng cười ré lên thích thú. Chín tháng, biết lật. Mười hai tháng, biết ngồi. Hai tháng sau, Minh Anh bất ngờ vịn tường đứng dậy, lựng khựng ba bước. Bất ngờ trước con, chị Loan vội vã lấy điện thoại gọi chồng, giọng run run, đứt quãng: “Anh, con mình biết đi rồi!”. “Em nói cho anh mừng phải không? Anh biết con ra sao mà, anh không buồn đâu…”. Chị thổn thức ngắt ngang lời chồng: “Em nói thiệt”.

Kết thúc ngày làm việc hôm ấy, anh Hùng lật đật bắt chuyến xe từ Vũng Tàu về Bắc Bình, Bình Thuận. Đến cổng nhà, chưa thấy người mà tiếng anh đã oang oang: “Con gái ba đâu, đi cho ba xem nào”. Thấy Minh Anh vịn tường chập chững, anh nhào đến ôm con, đôi mắt đỏ hoe: “Con ba biết đi rồi, con ba giỏi thiệt, con ba đâu có bệnh tật gì đâu”.

Bốn tuổi, nhờ mẹ đặt chén cơm dưới nền, Minh Anh dùng đôi bàn chân giữ chặt chén cơm làm lực, tiếp tục lấy đôi tay ép chặt chiếc muỗng rồi xúc ăn ngon lành. Năm tuổi, một tối nhìn hai anh học bài, em đòi mẹ đưa cho cuốn vở. Cũng như chén cơm, em dùng hai chân giữ vở, hai tay kẹp cây viết, cứ thế mà nguệch ngoạc.

Quẩn quanh trong nhà ngần ấy năm, đến lúc lên sáu, Minh Anh hỏi mẹ: “Sao con không được đi học như hai anh?”. Chị Loan lặng người. Câu hỏi ấy một lần nữa mang đến niềm hạnh phúc vỡ òa cho bậc sinh thành, song, nỗi lo thầm kín nhất của họ lâu nay cũng đồng thời hiện hữu: đứa trẻ với gương mặt, tứ chi như vậy, làm sao hòa nhập được?

Ước mơ làm cô giáo

Mấy đêm không ngủ, chị Loan quyết định mang trăn trở của mình tìm gặp cô hiệu trưởng trường tiểu học gần nhà. May sao, cô giáo đồng ý nhận Minh Anh vào học, với điều kiện là học sinh… nằm ngoài danh sách. Mua cho con đôi giày che kín đôi bàn chân, ngày đầu đưa con đến lớp, chị Loan nán lại, nép mình sau cánh cửa, ứ nghẹn theo dõi từng diễn biến quanh con. Khác với sự cởi mở chào hỏi của mình, nhân dạng Minh Anh khiến nhiều bạn bỏ chạy, không dám ngồi gần.

Chiều đó, biết rõ câu chuyện nên nghe con tủi thân tâm sự “mấy bạn bảo con là con ma, không chịu chơi với con”, chị Loan nén buồn, động viên: “Vì mình là người mới, mình có bệnh nên mới như vậy. Mai mốt các bạn sẽ quen thôi con à. Con cố gắng học giỏi, sẽ được nhiều bạn thích, theo chơi”. Từ đó, hễ có bạn chọc, Minh Anh lại vui vẻ, hồn nhiên: “Ừ, Minh Anh là con ma nè, do Minh Anh bị bệnh thôi”.

Chịu khó tập viết, chăm chú nghe giảng nên dù tiếp thu chậm, chỉ sau ba tháng, cô học trò nằm ngoài danh sách đã trở thành học sinh chính thức. Niềm vui ấy là động lực giúp Minh Anh nỗ lực mỗi ngày. Cố gắng đuổi kịp các bạn, mỗi trưa, em dành một tiếng đồng hồ ngồi luyện viết.

Không đếm hết bao trang vở nhòe rách bởi mồ hôi tay Minh Anh tứa ra, ướt đẫm theo sự cố gắng ấy. Có lần, viết mãi một chữ “O” không tròn, em tức tối ù chạy vào phòng, nức nở: “Con muốn có đôi tay bình thường. Mẹ lấy búa đập nát tay con ra được không? Dùng dao mổ tay con cho thành năm ngón được không?”.

Có một lần đưa con vào TP.HCM khám bệnh, tìm cách cứu đôi tay để con có thể sinh hoạt bình thường là giấc mơ chưa bao giờ thôi giày vò đôi vợ chồng nghèo ấy. Hoàn cảnh túng quẫn, giấc mơ mãi không thành hiện thực được. Cho đến tháng 4/2016, được một người bà con hỗ trợ vào TP.HCM, họ đưa con gái đến bệnh viện.

Để rồi, khi biết đôi bàn tay bé nhỏ, tật nguyền kia có thể được phẫu thuật, với chi phí khoảng 40 triệu đồng, đôi vợ chồng lặng lẽ trở về. “Khi nào thì con được mổ, có đôi tay bình thường như hai anh?” - câu hỏi của Minh Anh suốt dọc đường và những ngày sau đó như miếng dằm trong tim của người làm cha, làm mẹ. Họ bối rối, ậm ờ trước con: “Chờ thêm các thủ tục nữa mới mổ được con à”.

Như một cơ duyên, trong khi đôi vợ chồng nghèo đang bất lực, tuyệt vọng thì từ trang cá nhân của bác sĩ Nguyễn Xuân Anh (Phòng khám Chấn thương chỉnh hình Mỹ Quốc) phát đi dòng thông tin cần “truy tìm” địa chỉ gia đình họ, cùng lời kêu gọi hỗ trợ, giúp Minh Anh được mổ tay.

Bác sĩ Anh cho biết: “Tôi ám ảnh bởi sự đang vui bỗng chùng lại của họ khi biết tay con sẽ chữa được, nhưng chi phí cao. Nghĩ rằng bệnh nhân có thể vì nghèo mà mất đi cơ hội chữa trị, tôi không đành. May sao sau đó, có một Mạnh Thường Quân xin giấu tên hứa tài trợ toàn bộ chi phí cho ca mổ của Minh Anh. Do bệnh nhân thuận tay trái nên chúng tôi ưu tiên phẫu thuật trước.

Bệnh của Minh Anh là hội chứng Aperts (còn gọi là bệnh xương cứng sớm cục bộ, do đột biến gen rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/85.000 ca), triệu chứng có bàn tay, bàn chân bị dính chặt các ngón lại với nhau. Đây là trường hợp rất hiếm gặp; hình ảnh X-quang cho thấy các xương ngón tay dính chặt rất phức tạp, mạch máu và hệ thần kinh cũng dị dạng; khi tách ngón, khả năng thất bại cao, có thể gây hoại tử ngón. Do đó khi mổ, nếu cảm thấy có đụng chạm ảnh hưởng đến mạch máu nuôi, chúng tôi sẽ phải dừng lại”. 

Nhận được món quà bất ngờ này, vợ chồng chị Loan liền đưa con vào Sài Gòn. Trên chuyến đi nhiều háo hức, Minh Anh hớn hở: “Con sắp có tay rồi, đã quá, con sẽ viết chữ đẹp để sau này còn làm cô giáo”. Ca mổ thành công, bàn tay trái từ một ngón đã trở thành ba ngón.

Nhớ như in cảm giác lần đầu nhìn thấy bàn tay mới của mình, Minh Anh… trầm tư: “Lúc bác sĩ tháo băng, con hồi hộp lắm. Rồi con không… thấy vui vì tay chỉ có ba ngón thôi. Con tưởng là được năm ngón. Nhưng bác sĩ bảo con “miễn ba ngón mà con viết đẹp, học giỏi thì ai cũng ngưỡng mộ” nên con vui lại. Con mong ước sao mai mốt được mổ thêm tay phải, rồi hai chân nữa, vì con muốn làm cô giáo xinh đẹp, không bị học sinh gọi là con ma”.

Mong ước ấy của Minh Anh có lẽ sắp thành hiện thực vì mới đây, thông qua báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Anh nhắn nhủ, ông đã sẵn sàng phẫu thuật tách ngón bàn tay phải miễn phí cho bé.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI