Sẵn sàng cho một cuộc thách đấu nội lực

13/11/2017 - 11:44

PNO - Việc đạt được những thỏa thuận chung, mang tính cốt lõi của CPTPP là một trong những thành công của APEC Đà Nẵng, nhưng để có những thành quả hậu APEC, với Việt Nam, lại là cơ hội đan xen thách thức.

Chiều 11/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã bế mạc, thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. 

Chiều cùng ngày, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khoác lên mình chiếc áo mới - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

San sang cho mot cuoc thach dau noi luc
Cuộc họp Cấp cao lần thứ 8 Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiều 10/11, không có sự xuất hiện của Thủ tướng Canada. Ảnh: AAP

Những phiên họp xuyên đêm, để ít nhất cũng có một kết quả cần và đủ cho rạng sáng hôm sau; những nỗ lực cuối cùng đã mang lại một thỏa thuận kế tiếp mà không bị đứt gãy, dù cái kết bỏ ngỏ “chờ sự gật đầu quay lại của Mỹ” khiến có không ít sự ngậm ngùi… Thành quả CPTPP đạt được về mặt năng lực đàm phán và trong những bước đầu của lộ trình năng lực thực thi - hội nhập đã phản ảnh trung thực sự xung đột của bức tranh thế giới hiện nay.

Kêu gọi và hướng tới liên kết kinh tế toàn cầu, thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương trên tinh thần “free and open Indo - Pacific” (do chính Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra tại APEC 2017 - Ấn - Thái Bình Dương tự do và rộng mở) nhưng thực tế, Mỹ đã dứt khoát nói không với TPP, một hai quay về với chủ nghĩa dân tộc kinh tế (American First); hoặc việc không xuất hiện tại cuộc đàm phán TPP vào phút chót của Canada không hề là cách xử trí “trẻ người non dạ” mà ngược lại, ông Justin Trudeau khẳng định: “Tôi sẽ không vội vàng. Nhiệm vụ của tôi là đàm phán một thỏa thuận có lợi cho Canada và người dân Canada”.

Chủ nghĩa bảo hộ và tinh thần dân tộc thuần túy đang có chiều hướng lên ngôi. Ngay cả sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm kết nối và tập hợp các nền kinh tế Á - Âu thì ai dám quả quyết sẽ tách rời sự dẫn dắt vị thế địa chính trị với vai trò điều phối kinh tế. Rõ ràng, một mặt nhận diện và kêu gọi phải kết nối, liên kết “vun đắp tương lai chung”, mặt khác, con người vẫn quầy quả, tính toán cho một cục diện đơn lẻ, nơi ẩn giấu sức mạnh và những bước đi riêng, nhất là đối với các nước lớn. 

San sang cho mot cuoc thach dau noi luc
Các Bộ trưởng APEC đã đồng ý với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Vì vậy, việc đạt được những thỏa thuận chung, mang tính cốt lõi của CPTPP là một trong những thành công của APEC Đà Nẵng, nhưng để có những thành quả hậu APEC, với Việt Nam, lại là cơ hội đan xen thách thức. Trong 20 điều khoản còn treo lại từ Hiệp định TPP cũ, có 10 điều liên quan đến sở hữu trí tuệ - vốn là nỗi ám ảnh của Mỹ và lo ngại của Canada. Bản thân Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, Toshimitsu Motegi thở phào vào phút chót vẫn nói về cuộc đàm phán đầy kịch tính này rằng: “Cân bằng duy trì chất lượng cao trong khi phải thực tế để các nước thành viên có thể thực hiện được”. 

Thực tế đó - xét riêng đối với Việt Nam - vẫn còn là khoảng cách về mặt bằng trình độ, kỹ năng lao động và khả năng tuân thủ thị trường, thích ứng hội nhập với đa phần quốc gia thành viên CPTPP, trong đó năng lực thực thi về bộ máy quản trị, cơ chế chính sách, hệ thống luật lệ, chất lượng nguồn nhân lực có đủ sức đáp ứng các điều kiện “duy trì chất lượng cao” của khung hiệp định. 

Đó cũng là thực tế của một thị trường cung ứng lao động trình độ thấp, tính tuân thủ kỷ luật không cao, chủ yếu gia công, giá rẻ; liệu trước cơn bão cách mạng công nghiệp 4.0, sức chằng chống để không bị đào thải, lộ trình đào tạo - sử dụng có kịp với quy trình chuyển đổi, sức sáng tạo của “người Việt thông minh” có đi cùng công nghệ tự động hóa bậc cao? Đó là chưa nói đến khả năng tài chính có chi trả nổi cho những cỗ máy robot - điều mà không phải quốc gia nào cũng đủ tiềm lực để tạo nên một cuộc cách mạng. 

San sang cho mot cuoc thach dau noi luc
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 thành công tốt đẹp.

Cần đối diện với tất cả “thực tế” đó để sẵn sàng cho một cuộc chinh phục và thách đấu mới - với chính nội lực của chúng ta. Là TPP hay CPTPP cùng Hiệp định đa phương RCEP (đối tác kinh tế toàn diện đa phương bao gồm 10 thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU… cuối cùng là cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu cải cách kinh tế, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia bằng chính sức mạnh tự lực của một dân tộc tự cường. 

Sẽ không còn là lúc mang theo câu hỏi dằn vặt của Hamlet “tồn tại hay không tồn tại”, thay vào đó là sự xác nhận Descartes - “tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Thách thức từ CPTPP là thước đo của tư duy thể chế, pháp luật, là cơ hội của tồn tại và phát triển kinh tế, tất cả sẽ được hiện thực hóa vì mục tiêu phục vụ con người - điểm nút để đạt tính “toàn diện” và “tiến bộ” của mọi hiệp định. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI