Kết thúc để bắt đầu

22/09/2017 - 09:19

PNO - Một “bản” rất cũ, luôn được soạn sẵn và lặp lại như một con vẹt mỗi khi mắc phải khuyết điểm, vi phạm, đó là đổ hết cho cơ chế, chính sách. Nhưng ai là người soạn và dựng nên chính sách, cơ chế?

Sáng 21/9, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế, trong đó, theo kế hoạch định kỳ, sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện quy định về tự chủ - quản lý tài chính, đầu tư, xây dựng một số bệnh viện trọng yếu… 

Ket thuc de bat dau
Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đơn vị trực thuộc

Tuy các sự việc là khác biệt và mang tính chất định kỳ, nhưng vì nằm trong “dòng thời sự”, công bố hàng loạt vi phạm, khuyết điểm của Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng (chiều 18/9); Ban Bí thư quyết định cách chức tất cả chức vụ Đảng đối với nguyên Bí thư Đảng ủy Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, với nguyên Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (ngày 20/9)… nên quyết định thanh tra Bộ trưởng Bộ Y tế đã tạo nên sức nóng trong dư luận. 

Đó là chưa kể những lùm xùm có vẻ có liên quan đến bà bộ trưởng của “ma trận” VN Pharma, trong khi, Thanh tra Chính phủ cũng đã cho hay, tách hẳn “cành” VN Pharma khỏi “cây” Bộ Y tế, sẽ tiến hành thanh tra độc lập. 

Dồn dập, liên tục các quyết định kỷ luật, công bố thanh tra, điều tra (của Bộ Công an đối với việc mua, bán đất, nhà công sản tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay)… từ các cơ quan ban Đảng, Chính phủ. Nhưng không hề là sự bất thường, nếu không muốn nói đó là điều bình thường - vốn luôn được yêu cầu, đòi hỏi như là trách nhiệm của một tổ chức đối với các hoạt động, thành viên của mình. Càng bình thường khi nó là sự tiếp theo của chuỗi “những việc cần làm ngay” mà tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu, đã quyết tâm vận hành vào cuộc sống. 

Ket thuc de bat dau
Vụ án VN Pharma nhập khẩu thuốc giả điều trị ung thư khiến dư luận cả nước bức xúc

Và hẳn nhiên, khi đã vận hành một cách rốt ráo, quyết liệt, có hiệu quả thật thì cuộc sống sẽ hồi đáp bằng chính niềm tin và thái độ đồng thuận, tích cực của nó với mấy mươi triệu con tim, luôn mong chờ một chính đảng, một bộ máy cầm quyền trong sạch, minh bạch, có năng lực định hướng và lèo lái sự phát triển, có khát vọng và bản lĩnh để vươn cao, tự chủ, độc lập. 

Nhìn lại các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, hẳn sẽ nhận diện công tác cán bộ, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ - con người có vấn đề. Như vụ việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hình ảnh vị lãnh đạo trẻ tuổi ấy, trước - trong và sau khi nhậm chức cho đến thời điểm công bố các vi phạm khuyết điểm, đã cho thấy sự khác biệt quá lớn từ lời nói đến hành vi, từ hy vọng mà mọi người đặt để (thông qua lời nói, một số hoạt động) đến chân tướng sau những công bố vi phạm. Như thể, con người trước khi được bổ nhiệm làm cán bộ và con người sau khi nhậm chức, kinh qua chiếc ghế quyền lực một thời gian là hai chủ thể xa lạ. 

Ở đâu tiêu chí đánh giá, cơ chế giám sát, công cụ kiểm tra - phản biện để từng lộ trình đảm nhận, quá trình thử thách, hoạt động được/bị phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, hạn chế những hệ lụy mà cái ghế quyền lực phát sinh, để lại, lây lan. 

Ket thuc de bat dau
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố nhiều sai phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh

Một “bản” rất cũ, luôn được soạn sẵn và lặp lại như một con vẹt mỗi khi mắc phải khuyết điểm, vi phạm, đó là đổ hết cho cơ chế, chính sách. Nhưng ai là người soạn và dựng nên chính sách, cơ chế? Hoặc giả, cho dù là việc vận dụng chính sách có chệch choạc hay lách cơ chế (do lỗi thời, do những biến chuyển khách quan) đi chăng nữa thì cũng đừng đẩy đến cái ngưỡng lợi dụng nó để tư túi, để chiếm đoạt cho bản thân, để tạo thành nhóm lợi ích. 

Sẽ không là thi thoảng hay đến hẹn lại lên mà là liên tục, thường xuyên, đến cùng để việc kiểm tra, thanh tra, điều tra những người có chức trách cao, quyền lợi lớn mà không đi cùng với bổn phận, trách nhiệm, năng lực và đạo đức công vụ trở thành là một hoạt động nằm ngoài mọi vùng cấm; thực thi sự trung chính mà Đảng đã quyết tâm, nhân dân đang kỳ vọng. 

Những cái tên đã được xướng lên, những chức danh đã được công bố cùng mức độ thi hành kỷ luật Đảng, thực thi theo kỷ cương pháp luật Nhà nước. Đó chưa hẳn là sự kết thúc một sinh mệnh chính trị hay con đường quan lộ của bất cứ ai nếu họ nhận diện, khắc chế cái sai, nỗ lực hướng đến cái đúng. 

Và nó cũng chính là sự mở đầu cho một niềm tin được gieo mầm, rằng đã đặt mình lên ghế chấp chính công sự thì hẳn phải chính diện, công minh mà hành xử; hiểu biết, trách nhiệm mà dấn thân. Sự thật vốn… đơn giản, không màu mè, không khoa ngôn.

Đã làm người, lại là làm… quan, xin hãy ở gần sự thật. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI