Đến con nước còn có quyền

09/04/2018 - 09:09

PNO - Hãy đặt mình trong hoàn cảnh bị cô lập, đối xử ghẻ lạnh của cô giáo, ở cái tuổi 18, để hiểu phần nào sự đơn độc, ức chế khủng khiếp. Cầu mong đừng lặp lại điều này với đứa trẻ nào, sau hiện tượng Phạm Song Toàn.

Người cha: - Ông già tôi hồi đó chỉ cho con cháu theo hai nghề, một là bác sĩ, hai là nhà giáo. Chị em tôi đều là giáo viên, có người làm hiệu trưởng, nhà tôi cũng là hiệu trưởng mầm non. Nên khi con tôi đòi nghỉ học, tôi dứt khoát không cho, gì thì gì cũng phải ráng học. 

Den con nuoc con co quyen
Suốt câu chuyện, Anh Tuấn giữ mãi vẻ đăm chiêu, uất nghẹn, dù sự việc đã xảy ra 18 năm trước... Ảnh: Minh Thanh

Người mẹ: - Cháu chuyển về trường THPT Long Thới chưa bao lâu thì… đổi tánh. Từ một đứa con trai hiếu động, hoạt bát, về tới nhà là cháu lủi ngay vô phòng, không nói chuyện với ai. Tôi gặng hỏi mãi cháu cũng chỉ nói, mẹ cho con ở nhà, con không thể tới lớp được. Lúc ấy tôi cứ nghĩ là khủng hoảng tuổi mới lớn, tôi để nhà tôi nói chuyện với con. 

Con trai: - Người vô hình, suốt cả năm học cuối cấp, tôi vô hình trong mắt cô. Coi như tôi không hiện diện trong giờ toán của cô. Vài ba lần, cô đuổi tôi ra khỏi lớp mà không nói vì lý do gì. Tôi lang thang cho hết hai tiết rồi lại quay vô. Bạn bè cũng chẳng ai dám trò chuyện nhiều với mình vì sợ cô. Thằng bạn tôi, Đ.H.T. cùng chuyển về Long Thới cuối năm lớp 11, chịu không nổi đành xin chuyển lớp. Nó ổn. Nó đậu đại học. 

Mạch chuyện dài cứ bị ngắt quãng. Rơi tõm giữa nền nhà hầm hập nóng và cái ký ức đã lùi xa 18 năm, không ai nghĩ rằng, sẽ có ngày phải khơi lại. Cậu học trò lớp 12 ngày ấy, Nguyễn Lưu Anh Tuấn giờ đã là người đàn ông xấp xỉ tuổi 40, cha của ba đứa con, chủ một công ty gia đình. Tuấn nói ít cũng bởi không có nhiều điều để nói, mà chỉ là nỗi ám ảnh về sự bị bỏ rơi, không ai dòm ngó đến, bị cô lập ngay giữa bạn bè, đám đông. Tuấn ngồi đó, ngược nắng chiều, mắt đổ theo tiếng nói lầm lũi, nói như thể với mình, không quên được đâu chị, nó sẽ theo mình đến hết đời

Mạch chuyện dài cứ bị ngắt quãng. Rơi tõm giữa nền nhà hầm hập nóng và cái ký ức đã lùi xa 18 năm, không ai nghĩ rằng, sẽ có ngày phải khơi lại. Video clip: Hoài An

 

Đôi bàn tay rắn rỏi, cháy nắng cứ bện vào nhau, chà xát cái vết thương học trò trong người đàn ông đã trưởng thành. Tuấn khóc. Ít nhất cũng là một lần được nói ra cái nỗi sợ hãi đáng ghét ấy, được đón nhận trong nỗi chia sẻ, dù phải 18 năm sau. 

Tuấn từ giã mọi người vì chiều nay nhà có đám giỗ. Tiếng xe máy lao ra ngõ, như thể muốn thoát khỏi cái ký ức đơn độc, bị sỉ nhục trong câm lặng mà cả đời không thể gọi tên, không được quyền lên tiếng, không được phép phản kháng.

“Khi cháu về nói, cô giáo không thèm để ý tới con, con hiểu bài hay không cũng mặc, tôi cứ nghĩ là cháu nghịch ngợm khiến cô giận nên không hỏi gì thêm. Mãi đến khi cháu rơi vào trầm cảm, tôi mới hoảng hốt ngồi xuống cạnh con. Cháu nói, con không hiểu vì sao cô coi như con không tồn tại. Mẹ hãy cho con nghỉ học.

Tôi thương con đứt ruột, mình là hiệu trưởng của một trường mầm non, chăm lo cho những đứa trẻ, vậy mà con mình, nó đâu đủ lớn, lại phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, cô lập của chính cô giáo toán kiêm giáo viên chủ nhiệm. Tôi nói với con, con ráng cúi đầu chịu thêm một năm nữa thôi, tự học, không hiểu thì hỏi thêm bạn bè, anh chị bà con để sau này con ngẩng mặt với đời. Con nghe lời tôi, qua được lớp 12 nhưng cháu bị mất căn bản khá nhiều nên xin ba mẹ không thi đại học”. 

Den con nuoc con co quyen
Mẹ của anh Tuấn (áo trắng) kể: "Từ một đứa con trai hiếu động, hoạt bát, về tới nhà là cháu lủi ngay vô phòng, không nói chuyện với ai". Ảnh: Minh Thanh

Giờ thì tôi hiểu vì sao Tuấn cứ nhắc, bạn tôi chuyển lớp, năm sau nó thi đậu đại học. Nhưng, một đại gia đình là nhà giáo, có nhiều người thân đảm nhận vị trí quản lý giáo dục, tại sao không một ai lên tiếng? Cha của Tuấn, một người làm công tác phát thanh của xã Hiệp Phước nói, sợ đụng chạm người trong ngành, sợ làm mếch lòng rồi thằng em nó sau này sẽ khó mà yên ổn học hành. Hôm nghe chuyện của Song Toàn, nhắc lại chuyện thằng anh, thằng em nói ngay, may là con không học với cô Châu chứ không cũng bị như anh Hai. 

“Hồi đó, tôi và nhà tôi đưa cháu về học một khóa bồi dưỡng học sinh giỏi ở quận 3, sau đó cháu học trường THPT Ngô Quyền quận 7. Nhưng vì đường xa quá, từ nhà phải qua hai bến đò, quá nguy hiểm nên tôi đành xin con về trường THPT Long Thới. Thương con, vợ chồng tôi chỉ biết lo cho con ăn học và nằm lòng cái đạo lý thầy trò mà ông nội thường dạy con cháu: “Muốn sang phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Vậy mà chỉ hơn một năm, con rơi vào tình trạng chán nản, buông bỏ, tôi bất lực nhìn con chịu đựng. Khi con nói con không đủ sức thi đại học, thương con không hết làm sao ép nó phải thi. Tôi chấp nhận tạo dựng tương lai cho con bằng cách khác. Giờ cháu đã tự lập và làm chủ cuộc sống của mình cùng vợ và ba con. Nhưng vết thương của một đứa trẻ mới lớn, tôi biết vĩnh viễn không thể lành. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh bị cô lập, bị đối xử ghẻ lạnh của cô giáo, ở cái tuổi 18, để hiểu phần nào sự đơn độc, chán nản, ức chế khủng khiếp. Thương con, xót con và tôi chỉ cầu mong đừng lặp lại điều này với bất cứ đứa trẻ nào, sau hiện tượng Phạm Song Toàn”. 

Den con nuoc con co quyen

Tuấn ngồi đó, ngược nắng chiều, mắt đổ theo tiếng nói lầm lũi, nói như thể với mình, không quên được đâu chị, nó sẽ theo mình đến hết đời. Ảnh: Minh Thanh

Đường từ Hiệp Phước ra Long Thới, giờ đã không còn phải lụy đò. Cầu Hiệp Phước bắc qua con sông Đông Điền, thênh thang, vững chãi. Nhưng chẳng lẽ, vì muốn được “hay chữ” mà buộc “phải yêu lấy thầy”, cho dù thầy có vô cảm, kỳ quặc, độc ác, để 18 năm qua, có một đứa trẻ tuổi mới lớn cứ mang theo vết thương bị bỏ rơi; và có bao nhiêu học trò vô hình trong mắt cô giáo có cái tên đẹp Trần Thị Minh Châu? 

Tôi rời Hiệp Phước vào chiều cuối ngày, có một chút mưa rào nhưng không hề dịu đi cơn bức bối, nó ít nhất đã được mở lời như chuyện của Anh Tuấn, còn của Đ.H.T., cậu mang theo sự kỳ thị ấy để vào đời, qua điện thoại, H.T. hẹn ngày để được một lần giãi bày những khốn khổ vào học kỳ cuối lớp 11, hay của D., đã là mẹ của hai con nhưng không dám hé kể bởi cô lo sợ cho con mình sau này, biết đâu còn những cô giáo Minh Châu khác. 

Nhà Bè nước chảy chia hai… Chao ôi, con nước mà còn có quyền được lựa chọn dòng chảy, sao lại để những đứa con chân chất, hồn hậu Nhà Bè mò mẫm may rủi, thắc thỏm âu lo trong cơ cầu đi tìm con chữ, khao khát được đổi thay?… 

Ái Mỹ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI