Công trình ven sông không thể 'quay lưng' với cộng đồng

15/08/2018 - 06:30

PNO - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đa số các đô thị Việt Nam, có lẽ do thiếu quy hoạch và khó khăn về kinh tế, phần lớn các công trình ven sông có xu hướng “quay lưng” về phía bờ sông.

Trả sông về lại cho... sông

Những tòa cao ốc san sát, dày đặc; những khối bê tông “mỏ hàn” chòi cắt mặt sông mà sự gia cố bờ bên này là khoét đục, xói lở bờ bên kia, nghiễm nhiên, tàn nhẫn tạo ra sự đắp đổi đầy tai hại, nguy cơ, hủy hoại từ môi trường sông nước đến không gian sống. 

Nếu không nhìn thẳng vào hiện trạng sông, bờ sông đã và đang bị xói mòn từng ngày; nếu không lắng nghe và tiếp nhận những “chỉnh trị sông vì sự sống của sông” trên tinh thần khoa học, tôn trọng và gìn giữ giá trị thiên nhiên cho cộng đồng; và nếu cứ say sưa, mải miết xâm thực lòng sông, ký tá phê duyệt hàng loạt dự án đô thị mỹ miều ven sông thì sớm muộn, chính chúng ta sẽ… chìm dưới đáy sông mà trả giá cho những tham vọng, những toan tính, những chiếm đoạt. 

Hãy trả sông về lại cho sông, trước khi quá muộn. 

Sau loạt bài nhằm bảo vệ và gìn giữ sông biển của quốc gia - “mạch máu” để phát triển bền vững - trên số báo ra ngày 13/8, Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục nhận được ý kiến bàn luận, cảnh báo từ các chuyên gia và nhà khoa học đau đáu về vấn đề hệ trọng này.

Cong trinh ven song khong the 'quay lung' voi cong dong
“Hãy trả lại cho các dòng sông không gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên chúng”

Ngày 14/8, đánh giá về tình trạng các công trình, dự án ven sông, lấn sông tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng:

Trong một thời gian dài, kể từ năm 1975 cho đến gần đây, đa số các đô thị Việt Nam, có lẽ do thiếu quy hoạch và khó khăn về kinh tế, phần lớn các công trình ven sông có xu hướng “quay lưng” về phía bờ sông. Có nghĩa là không gian ven sông chủ yếu phục vụ nhu cầu cá nhân, trong khi đó không gian công cộng ven sông không được quy hoạch phát triển phục vụ người dân.

Khoảng năm năm trở lại đây, tình hình có vẻ chuyển biến hơn. Nhiều dự án phát triển ven sông, việc quy hoạch không gian công cộng và giao thông khu vực ven sông, kết nối với mạng lưới giao thông đô thị, đang được chính quyền địa phương quan tâm và bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc hơn. Tuy nhiên…

Phóng viên: Tuy nhiên, có phải vẫn còn đó những quần thể dự án cao ốc chung cư, biệt thự… đang bị dư luận quan ngại về tình trạng lấn ra lòng sông, đơn cử như khúc sông Sài Gòn đoạn chảy qua trung tâm TP.HCM. Vậy theo ông, việc lấn sông như thế có mang lại “lợi ích” nào không?

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Việc lấn sông trước hết đem lại nguồn lợi đáng kể cho nhà đầu tư, nhưng như các chuyên gia thủy lợi đã nói, nó lại có thể gây tác động không tốt đến môi trường các khu vực gần đó. Ví dụ, những khu đất ven sông lân cận có thể bị xói lở do thay đổi dòng chảy nếu không có bờ kè kiên cố.

Cong trinh ven song khong the 'quay lung' voi cong dong
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Nếu trừ ra phần không gian xanh cho công trình công cộng trên phần đất lấn chiếm mặt nước, thì thực tế mật độ xây dựng khu vực bờ sông hiện đang quá cao, tác động lớn đến môi trường vùng lân cận, gây ngập lụt, nguy cơ kẹt xe... cao hơn.

* Vậy các dự án ven sông đã và đang tiếp tục hình thành ở các đô thị phải được quản lý như thế nào để cân bằng sự phát triển chung, thưa ông?

- Theo tôi, dù việc lấn chiếm này có thể được cho phép đi nữa, thì các nhà quản lý cũng cần thương lượng để nhà đầu tư chia sớt một phần lợi nhuận cộng thêm, nhằm trả lại phần nào cho cộng đồng. Đó có thể là thông qua việc đóng góp xây dựng các dự án công cộng cho khu vực, như các kênh, suối nhỏ nội bộ giúp khu vực thoát nước nhanh, chống ngập, trạm xử lý nước thải giúp giảm ô nhiễm, hệ thống đường đi bộ và xe đạp ven sông và cầu nối trên cao an toàn cho người đi bộ…

* Xin ông cho biết kinh nghiệm phát triển đô thị liên quan đến vấn đề trên ở các quốc gia khác như thế nào?

- Ở các nước phát triển, việc lấn chiếm sông, rạch hoàn toàn không được phép. Mọi dự án nhạy cảm đều phải thông qua đánh giá tác động môi trường của một đơn vị độc lập, không phải do chủ đầu tư thuê mướn như ở Việt Nam ta. Trong đó, bao gồm tất cả việc xác định các tác động có thể làm tăng nguy cơ kẹt xe, ô nhiễm, ngập lụt, ảnh hưởng đời sống cộng đồng… để làm cơ sở cho việc xem xét có cấp phép cho dự án hay không. Và nếu có, thì nhà đầu tư sẽ phải đóng góp cụ thể như thế nào, để giúp địa phương xử lý các hệ lụy từ tác động môi trường đó.

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI