Có một phong cách Sài Gòn

18/02/2018 - 09:15

PNO - Câu trả lời là không đã được chứng minh trong chiều dài lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Đã dung nạp được là hóa giải những khác biệt và tiếp thu cái mới, đó là sức mạnh của phong cách Sài Gòn qua biết bao thử thách.

Bước vào tuổi nghỉ hưu, trước khi quyết định lần đầu tiên về thăm quê nhà nhân dịp tết, anh kỹ sư L.V.Đ. - với biệt danh Vĩnh Điếc thời đi học - đã không khỏi băn khoăn qua những dòng thư gửi về bạn bè rằng Sài Gòn lúc này có gì lạ không? 

Câu hỏi thật vô tình với một nơi mà thời trai trẻ anh có quá nhiều kỷ niệm. Nhưng tôi hiểu được khi anh viết: “... nghe nói phố xá thì lung tung, ra đường phải xem trước ngó sau, ăn uống thì phải cảnh giác an toàn vệ sinh lẫn giá cả, dân tình thì vô cảm...”. Dưới mắt anh, Sài Gòn - nơi anh xa cách từ 40 năm nay - sao vẫn như bức tranh nhiều màu loang lổ. 

Co mot phong cach Sai Gon
Múa lân sư rồng tết nguyên tiêu. Ảnh: Diệp Bảo Tân

Tôi nói với anh trăm nghe không bằng một thấy, cứ về đi để sống trong không gian của một Sài Gòn chen chúc hơn 10 triệu dân với tất cả cái được và chưa được, như trong cuộc sống có đầy đủ thiện ác đan chen, như trong mỗi con người có cả hai mặt đối lập khổ đau lẫn hạnh phúc. Nói chung là không ai có được nhiều thứ cùng lúc. 

Cái thực thể Sài Gòn cũng vậy thôi, làm sao có thể bằng lòng với tất cả những gì đã và đang diễn ra, nhất là với một người như anh, khi ra đi trong lòng vẫn còn nhiều nỗi niềm u uẩn. Thế mà anh về đây không chỉ một mình, còn cả người vợ chắp nối còn khá trẻ, thuê một căn hộ sang trọng xa trung tâm thành phố sống mấy tháng mà như cách nói đùa cợt pha chút bóng bẩy vốn có của anh là “để có thời gian suy ngẫm chuyện đời”. 

Mấy ngày lang thang trên các đường phố quen tên, anh không tìm thấy những nơi chốn cũ. Khu Eden với những La Pagode, Givral, Queen Bee... một thời giới trẻ lui tới, cũng như vườn hoa Chi Lăng mà mỗi sáng chủ nhật anh thường đến nghe hòa nhạc ngoài trời, nay đã phải nhường chỗ cho hai trung tâm thương mại thuộc loại sang trọng.

Thương xá Tax có bề dày lịch sử 140 năm, với cửa hàng kem Pôle Nord, nơi những cặp tình nhân dừng chân mỗi khi bát phố cũng không còn. Sài Gòn hôm nay những con đường đổi tên, những góc phố thay hình đổi dạng quá nhiều đếm không hết. Anh nghĩ tại sao người ta không biết giữ gìn những công trình ghi dấu ấn lịch sử, phải chăng sức mạnh vạn năng của đồng tiền hay tư duy thực dụng đã thổi bay những giá trị ấy? Trách cứ của anh chỉ đúng một phần, bởi như thứ triết lý cùn tôi đã nói với anh “rằng chúng ta không thể có nhiều thứ cùng một lúc”.

Co mot phong cach Sai Gon
 

Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh vẫn là một thành phố trẻ đang muốn chứng tỏ sức bật của mình bằng những khu đô thị hiện đại, những khu vui chơi giải trí hấp dẫn, hàng loạt cao ốc năm bảy chục tầng mọc lên mà người ta đang lo ngại sẽ có lúc tỷ lệ nghịch với mặt bằng văn hóa của xã hội.

Nhưng tất cả những gì thuộc về bên ngoài ấy, lâu nay được ca tụng là nét văn minh đô thị vẫn chưa phải là phần hồn của một Sài Gòn trong sâu thẳm. Phần hồn đó chính là con người tứ xứ chọn nơi này làm quê hương mà qua biết bao cuộc bể dâu, thiên ma bách chiết, cọ xát trong đời sống hằng ngày đã hình thành một phong cách Sài Gòn.

 *

Suốt chiều dài lịch sử hơn ba trăm năm, Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng đã chứng kiến nhiều đợt đi dân và mỗi lần như thế mang lại những dấu ấn văn hóa phủ lên vùng đất lành chim đậu.

Từ giữa thế kỷ XVII, lưu dân từ dải đất miền Trung nghèo khó và cả những binh lính lẫn tù nhân đã được các đời chúa Nguyễn đưa vào đây khẩn hoang lập nghiệp. Vùng đất sôi động này còn dung nạp thêm một cộng đồng thương nhân người Hoa giàu kinh nghiệm buôn bán làm ăn, rồi có cả một số người Khmer tha phương cầu thực chịu nhiều thua thiệt vì không được siêng năng như người bản xứ. 

Tất cả hội tụ về đây là những con người mang tính khí của kẻ phiêu lưu, cư xử với nhau như những anh hùng hảo hán. Dòng máu lưu dân tạo nên cá tính liều lĩnh, không câu nệ nghi thức, không soi mói người khác, nghĩ sao nói vậy, dễ chấp nhận cái mới và rất quảng giao nhưng cũng không ngại phản ứng với những điều sai trái.

Từ ngày người Pháp đặt gót giày đô hộ lên nước ta ngót một trăm năm, vùng đất này còn là nơi tiếp cận sớm nhất văn minh phương Tây, với tinh thần duy lý, sáng tạo và năng động. Sự pha trộn ấy đã để lại những dấu ấn đậm nét, làm giàu thêm phong cách sống của cộng đồng dân cư mà sau này người Sài Gòn kế thừa gần như đầy đủ.

Co mot phong cach Sai Gon
 

Năm 1954, đất nước chia đôi, hơn tám trăm ngàn người chen chân vào Nam trên những chiếc tàu há mồm và máy bay quân sự tạo nên dòng di dân thứ hai trong đó Sài Gòn là bến đỗ chính. Thành phố mà nếp sống người dân còn đậm nét văn hóa thời thuộc địa tiếp nhận thêm một giá trị nhân văn khác - đáng kể là từ lớp trung lưu và giới trí thức miền Bắc - đã làm nên một sức sống mới trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật và cả văn hóa ẩm thực, góp thêm vào là sự lịch lãm trong phong cách sống của người Sài Gòn.

Lại thêm tính hiếu kỳ. Vào thập niên 60, miền Nam thường xuyên có những cuộc chính biến, vậy mà mỗi lần như thế người Sài Gòn thản nhiên ra đường xem các phe phái bắn nhau như xem một cuộc tập trận. Rõ ràng, đất Sài Gòn cho thấy khả năng dung nạp, hóa giải những xung khắc về nhận thức và ứng xử trong đời thường giữa từng cộng đồng là cao hơn bất cứ đâu.

Và kỳ diệu thay, ai đó chỉ cần gắn bó với tình người ấm áp nơi đây chừng năm bảy năm là đã thấm được cái chất Sài Gòn hào phóng trong lối sống, năng động trong làm ăn, đi xa không nhớ nhà cao phố rộng mà chỉ nhớ con người. Đó là lúc mình trở thành người Sài Gòn mà không hay.

Đất nước thống nhất, lại thêm một đợt di dân mới từ miền Bắc, những  năm đầu còn lặng lẽ nhưng càng về sau - nhất là vào thời nền kinh tế được cởi trói - càng rộn ràng như những đợt sóng dâng trào vỗ vào bờ bến lạ. Người nghèo thì vào tìm việc. Cũng đúng thôi, vì đất Sài Gòn nổi tiếng dễ kiếm tiền cho những ai chịu khó.

Lớp tư sản nổi lên từ các cơn sốt đất đai thì quyết chí vào Nam tìm cơ hội làm ăn, phần lớn thừa hưởng sự năng động của Sài Gòn mà trở nên giàu có, rồi an cư lập nghiệp. Rải rác đâu đó một chút tự ti, một chút hãnh tiến khiến không ít người băn khoăn liệu có làm biến dạng phong cách Sài Gòn sẵn có xưa nay?

Câu trả lời là không đã được chứng minh trong chiều dài lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Đã dung nạp được là hóa giải được những khác biệt và tiếp thu cái mới, đó là sức mạnh của phong cách Sài Gòn đã qua biết bao thử thách.

   *

Ngồi bên trong nhà hàng cà phê Fresco trên đường Lê Lợi vào một buổi chiều Chủ nhật, hai chúng tôi kết thúc cuộc nhàn đàm về phong cách Sài Gòn. “Vĩnh điếc” nghe được tiếng thì thầm của đôi tình nhân trẻ có lẽ là sinh viên rủ nhau vào khu thương mại Takashimaya sang trọng bên cạnh mua sắm một món quà sinh nhật gì đó. Anh cười: chẳng khác gì mình thuở xưa, nghèo mà vẫn ngon lành, người Sài Gòn lúc nào 
cũng vậy. 

Trần Trọng Thức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI