Cấp tập đối phó với cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua, đồng loạt cấm biển miền Trung

14/09/2017 - 11:01

PNO - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, cơn bão số 10 Doksuri là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây, do vậy không được phép chủ quan trong việc phòng, chống bão.

Bão giật cận cấp độ thảm họa!

Sáng 14/9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 10. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 10 với tên gọi quốc tế là Doksuri đang hướng thẳng vào nước ta, hoàn lưu bão rộng tới trên 500km2. Đến chiều 13-9, cấp độ rủi ro thiên tai của cơn bão này đã lên đến cấp 4 trong số 5 cấp độ, chỉ sau cấp thảm hoạ.

Cap tap doi pho voi con bao manh nhat trong 10 nam qua, dong loat cam bien mien Trung
Bão số 10 tiến thẳng vào Việt Nam với cấp độ rủi ro cận mức thảm họa

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn thông tin, đến 7h ngày 14/9, tâm bão cách điểm gần nhất đất liền nước ta là Đà Nẵng khoảng 500km, cách Hà Tĩnh 700km, bão cấp 11, giật cấp 14.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, vị trí tâm bão đã nằm trên vùng biển Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Dự báo đến 7h ngày 15/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

Tới trưa, chiều ngày 15/9, bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 19h ngày 15/09, vị trí tâm bão ở trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 15. Đặc biệt, tại vùng biển từ Thanh Hóa tới Quảng Bình, có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Đồng loạt cấm biển

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai,  hiện các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ đã triển khai các biện pháp ứng phó với bão, lũ. Trong đó các tỉnh Thái Bình và Nghệ An đã thực hiện cấm biển từ sáng ngày 14/9.

Cap tap doi pho voi con bao manh nhat trong 10 nam qua, dong loat cam bien mien Trung
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến

Tại cuộc họp trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Đường, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện Nghệ An còn hơn 1.000 tàu thuyền hoạt động ven biển và ngoài tỉnh. Toàn bộ đều đã nhận được thông tin về vị trí của bão, đang trên đường vào bờ. Tại địa phương này có 1 tàu cá đâm vào đá ngầm tuy nhiên đã được các thuyền viên đưa vào bờ an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều tàu cứu hộ cứu nạn có công suất lớn vào cảng Cửa Lò để sẵn sàng cứu hộ khi cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cũng cho biết đang kêu gọi toàn bộ hơn 8.500 tàu thuyền đánh cá vào bờ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là những tàu có công suất trên 300CV chưa có chỗ neo đậu.

Trong khi đó, tại Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã quyết định cho học sinh tất cả các trường nghỉ học từ chiều 14/9. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết đã thông báo hoãn tất cả các cuộc họp để dồn lực vào công tác phòng chống bão, lũ. Địa phương này ra lệnh cấm biển từ chiều 13/9.

Không được phép chủ quan!

Để đối phó với "siêu bão" đang tiến về Việt Nam,  Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Lệnh cấm biển với các tàu vận tải và du lịch phải xong trước 7h ngày 15/9.

Cap tap doi pho voi con bao manh nhat trong 10 nam qua, dong loat cam bien mien Trung
Người dân chằng chống mái nhà trước giờ bão đổ bộ

Bên cạnh đó, phải sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất... trước 9h ngày 15/9.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu công tác dự báo tiếp tục bám sát hơn, đưa ra các cảnh báo sát với thực tiễn để tổ chức ứng phó hiệu quả với cơn bão lớn này.

"Hiện việc quan trọng nhất là an toàn trên biển. Đến giờ đã kêu gọi được 70.000 phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng vẫn còn 3 phương tiện chưa nhận được thông tin, cần tìm mọi cách liên lạc với 3 phương tiện này. Cố gắng cao nhất để không xảy ra thiệt hại về người và tài sản".

Về giao thông, tuyến đường 1 nằm ở “yết hầu” của cơn bão nên nếu để xảy ra ách tắc sẽ vô cùng nguy hiểm. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu phải có phương án xử lý để đảm bảo thông tuyến cả ở đường sắt và đường bộ.

Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định bão số 10 dự báo là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua. Phó thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn các hoạt động trên biển và ngay trong ngày 14/9 phải thực hiện đồng loạt cấm biển.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, việc đối phó với cơn bão này "không được phép chủ quan". Cần thực hiện sát sao công tác di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, chằng chống nhà cửa, bảo đảm cung cấp điện và sẵn sàng phương án khắc phục sự cố mất điện trong thời gian ngắn nhất.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI