Bánh tét Việt Nam ở đất Lào, hơn 50 năm vẫn đậm vị quê nhà

20/05/2018 - 11:26

PNO - ‘Bánh tét Việt đấy, vị Quảng Bình quê tôi chính hiệu, tôi bán để người Việt Nam ở đây ăn đỡ nhớ quê, chứ người Lào họ không thích ăn, bánh của Lào phải thêm dừa, nhưng như vậy thì mất vị quê tôi’, bà Mót cười hiền.

Người Việt Nam ở Lào không hiếm, ở chợ Đào Hương (thành phố Pakse, tỉnh Champasak) thì càng phổ biến hơn, cứ khoảng năm gian hàng của người Lào, có một gian hàng người Việt đến đây mua bán.

Banh tet Viet Nam o dat Lao, hon 50 nam van dam vi que nha
  Chợ Đào Hương ở Pakse, tỉnh Champasak

Đa phần, người Việt Nam bán trái cây, giày dép, hay những món ăn quê nhà như phở, hủ tíu, cơm tấm,… Đặc biệt, những ngày này, nếu ghé gian hàng của bà Đặng Thị Mót (52 tuổi, quê Quảng Bình), ai cũng sẽ phải bị cuốn hút bởi những đòn bánh tét đậm chất quê nhà.

Tuy được sinh ra và lớn lên ở Lào, bà Mót vẫn kịp “học nghề” gói bánh tét từ ba mẹ của mình. Bánh tét ở gian hàng của bà Mót khá nổi tiếng bởi loại nếp dẻo, thơm từ Quảng Bình, bởi màu xanh lá chuối quen thuộc, vị bùi bùi của đậu xanh, béo của thịt.

Bánh tét còn hấp dẫn bởi khi nhớ quê, bà con tại đây thường ghé vào, vừa nghe chất giọng đặc sệt miền Trung của bà Mót, vừa ăn những khoanh bánh tét dậy mùi lúa mới. Nỗi nhớ quê cũng theo đó, dậy sóng trong lòng. Họ tạm gác nỗi nhọc nhằn mưu sinh, cùng kể lại những câu chuyện trong những chuyến hồi hương – đồng lúa, đàn trâu, sáo diều,… Việt Nam lại trở về.

Banh tet Viet Nam o dat Lao, hon 50 nam van dam vi que nha
Bánh tét ngon không chỉ bởi làm theo truyền thống Việt Nam, mà còn ở nụ cười hào sảng của bà Mót.

Có lẽ vì thế, mỗi ngày chỉ bán được 30 đòn bánh tét, bà Mót vẫn kỳ công nấu nếp, lau từng chiếc lá chuối, thổi lửa canh bánh mỗi đêm. Với mỗi chiếc bánh tét giá 10.000 Kit Lào (khoảng 27.000 đồng) bà Mót chỉ lời được vài Kit Lào nhưng vẫn miệt mài nấu bánh.

“Bánh tét Việt đấy, vị Quảng Bình quê tôi chính hiệu, tôi bán để người Việt Nam ở đây ăn đỡ nhớ quê, chứ người Lào họ không thích ăn, bánh của Lào phải thêm dừa. Nếu thêm dừa và mấy vị khác thì người Lào mua nhiều lắm, cũng được giá hơn, nhưng như vậy thì mất vị quê tôi. Thôi, vừa bán vừa ăn, không sao, bán thêm phở nữa thì đủ sống rồi”, bà Mót cười.

Banh tet Viet Nam o dat Lao, hon 50 nam van dam vi que nha
Bà Mót lo lắng năm nay chắc không thể dẫn con về quê, vì chi phí hiện tại khá cao.

Gặp được đồng hương, bà Mót như được về đến quê nhà, bà kể ba mẹ của bà đến Lào sinh sống từ bé, quen và cưới nhau cũng tại đây. Chính bởi yêu quê, ba mẹ bà Mót luôn bán những món ăn Việt Nam trong cộng đồng người Việt. Giờ đây, bà Mót cũng giữ bếp lửa quê qua các món ăn được ba mẹ truyền lại. Thế nên, hơn 50 năm nay, bếp nhà bà Mót vẫn vẹn nguyên mùi vị quê nhà.

Hiện bà Mót có bốn người con, nhưng chỉ hai người con đầu được đi học, hai đứa con sau phải phụ mẹ nấu ăn, chạy chợ vì đến nay, người con út đã hơn 13 tuổi vẫn chưa có giấy tờ lận lưng.

Bà Mót đăm chiêu: “Khó lắm, muốn đi học nữa thì phải có tên Lào, hai đứa lớn nhờ cả vào bạn tôi đó, nhờ nó cho nhập giấy chung, làm con nuôi. Hai đứa sau không được nữa, nên chỉ nhờ cô giáo Việt dạy chữ cho, chứ không đi học được đâu, nó phụ bán với tôi hoài cũng tội nghiệp, nhưng mà không biết làm sao, “mua” tên nhiều tiền lắm. Mọi năm tôi hay cho mấy đứa nhỏ về Việt Nam chơi để biết mồ mả ông bà, năm nay chắc không đi, hết tiền rồi”.

Banh tet Viet Nam o dat Lao, hon 50 nam van dam vi que nha
Vợ con đã về Việt Nam, ông Lợi mong rằng một ngày nào đó, ông cũng được sum vầy cùng gia đình.

Cách gian hàng bà Mót không xa, ông Trịnh Đình Lợi (50 tuổi, quê Đà Nẵng) lặng lẽ xếp lại những đôi dép nhựa để bày hàng. Ông Lợi và vợ qua Lào mưu sinh đã gần 20 năm. Hằng ngày, ông lái xe thuê, còn vợ thì bán giày dép. 

Thấy làm ăn được, ông và vợ hướng dẫn chị em qua mưu sinh. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, công việc không thuận lợi, người thân của ông hồi hương gần hết. Tết vừa rồi, vợ ông Lợi cũng xin được việc làm, bà ở luôn tại Việt Nam để các con được ăn học, ông Lợi quay lại Lào, trầy trật kiếm sống và gửi về quê.

“Tôi muốn về Việt Nam hơn, vợ con về hết rồi, ở đây một mình buồn lắm, nhưng về quê không kiếm được việc làm, tạm thời sáng tôi lái xe, trưa về trông tiệm dép này, ai ở chợ kêu gì thì làm thêm. Cuộc sống khó khăn, ai có điều kiện cũng về quê cả. Ngoài 4 tháng về một lần, tôi ráng tiết kiệm để về Việt Nam ở hẳn, ở đây thuê nhà, làm mướn cực mấy cũng không sao, nhưng nhớ nhà, nhớ con lắm, phải về thôi!”, ông Lợi nói.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI