Người chuyển giới được thay đổi hộ tịch

25/11/2015 - 08:20

PNO - Trong phiên làm việc ngày 24/11 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.

Nguoi chuyen gioi duoc thay doi ho tich
Thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính - Ảnh: VOV

Một nội dung được dư luận chú ý trong phiên làm việc của Quốc hội ngày 24/11 là Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi, thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.

Ngay sau khi nghe thông tin nói trên, điện thoại của Hà Duy Linh (Phú Thọ) “nóng ran” vì nhận được hàng trăm tin nhắn chia sẻ, chúc mừng của người thân, bạn bè.

“Nếu năm 2013, chuyển giới không bị cấm nhưng cũng không được thừa nhận thì quyết định của các đại biểu Quốc hội sáng nay đã thực sự trở thành một bước tiến vô cùng quan trọng đối với cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới), đặc biệt là người chuyển giới. Chúng tôi như được đặt tên thêm một lần nữa”, Linh không giấu niềm vui qua từng nét mặt, lời nói.

“Không chỉ là liều thuốc tinh thần, người chuyển giới sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Khi chúng tôi đi xin việc, không ít nhà tuyển dụng tỏ vẻ băn khoăn khi “giấy tờ một đường, ngoại hình một nẻo”. Chúng tôi mất thời gian và không phải luôn luôn thuận lợi, dễ dàng để giải thích cho họ hiểu được hoàn cảnh của mình. Khi được xác định lại giới tính trong các giấy tờ có liên quan, chúng tôi không cần thiết phải công khai quá khứ của mình đối với nhà tuyển dụng để có một công việc phù hợp”, Hà Duy Linh chia sẻ.

Bà N.T.M.C. (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) bật khóc: không biết luật sẽ tháo gỡ chuyện con của bà ra sao. Cách đây tám năm, lúc mới 16 tuổi, con gái bà C. nằng nặc đòi làm con trai. Vợ chồng bà C. đưa con đi khám, xét nghiệm, kể cả trong nhiễm sắc thể lẫn các bộ phận khác, bác sĩ xác định 100% là con gái.

Mới đây, khi người con đi khám để chuẩn bị giải phẫu cho cháu, các bác sĩ ở Hàn Quốc cũng khẳng định như vậy. “Trường hợp con gái tôi có được “xé rào” hay không?” - bà C. lo lắng.

Ca sĩ Hương Giang Idol xúc động: “Tôi đã từng phải đau đớn, từng phải đấu tranh rất nhiều mới có thể được là chính mình; nhưng không có nghĩa khi chuyển đổi giới tính rồi thì cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc. Suốt những năm tháng qua, tôi được làm những việc mình yêu thích, nhận được nhiều chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ của mọi người, không có bất kỳ sự kỳ thị hay gây tổn thương nào từ cộng đồng. Nhưng xét về mặt luật pháp thì tôi vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Giấy tờ tùy thân ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người chuyển đổi giới tính trong việc làm ăn, học hành, đi nước ngoài, quyền được kết hôn… Việc Quốc hội thừa nhận quyền và bảo vệ hợp pháp của người chuyển đổi giới tính khiến những người như chúng tôi cảm thấy mình được sống trọn vẹn. Quốc hội đã đưa ra một quyết định cực kỳ nhân văn”.

Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Dự án VietPride (sự kiện thường niên từ năm 2012 dành cho cộng đồng LGBT) vẫn còn nhiều băn khoăn: “Khi luật pháp được thực thi, luật đi vào cuộc sống, có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề”.

Bởi theo Thanh Tâm, trong BLDS vừa được thông qua quy định: “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”, nhưng không phải người “lạc giới” nào cũng có nguyện vọng phẫu thuật.

“Có nhiều lý do để không làm phẫu thuật chuyển giới như tốn kém, đau đớn và không lường trước được những hệ lụy sức khỏe… Vậy với những trường hợp này, nếu không làm phẫu thuật thì luật pháp có thừa nhận họ?”, Tâm đặt câu hỏi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI