'Siết' doanh nghiệp đòi nợ thuê

12/07/2018 - 07:00

PNO - Dự thảo nghị định mới sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ (DVĐN) do Bộ Tài chính soạn thảo mới đây, đã vấp phải những ý kiến trái chiều.

Những đề xuất của Bộ Tài chính trong bản dự thảo nói trên gồm: (1) Sửa đổi điều kiện về vốn, yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 2 tỷ đồng khi đăng ký hoạt động kinh doanh DVĐN.

(2) Người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh DVĐN phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên và chưa từng bị kết án.

(3) Người lao động trong hoạt động DVĐN được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên, có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh, chưa từng bị khởi tố hình sự, chưa bị kết án, hoặc không thuộc trường hợp “đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay nặng lãi, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản”…

'Siet' doanh nghiep doi no thue
Dự thảo nghị định mới sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những đề xuất trên của Bộ Tài chính là không cần thiết vì mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ về bản chất được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư; những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ. 

Vì vậy, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh DVĐN là chưa hợp lý. VCCI cũng đề nghị bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh DVĐN vì “không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác”.

Tuy nhiên, luật sư Lê Văn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng, trong thời gian qua, hành lang pháp lý đối với hoạt động kinh doanh đòi nợ còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho một số công ty có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh. Mặt khác, không ít đối tượng núp bóng doanh nghiệp hợp pháp để biến tướng thành các kiểu đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen”. 

Trong một hội thảo tổ chức cuối năm ngoái, đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP.Cần Thơ - cho biết, Công an TP.Cần Thơ từng triệt phá một vụ đòi nợ thuê nhưng lại mang theo 28 khẩu súng tự chế.

Có doanh nghiệp thiếu nợ 5,7 tỷ đồng, bên đòi nợ thuê là nhóm ở TP.HCM yêu cầu được hưởng 1 tỷ đồng nếu đòi nợ thành công. Do lợi nhuận thu được quá lớn nên các đối tượng đòi nợ thuê không chừa thủ đoạn nào. Nếu không quản lý nghiêm, DVĐN rất dễ biến tướng, gây mất an ninh, trật tự.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu thực tế: nhiều tổ chức kinh doanh DVĐN đánh đập con nợ, đe dọa tính mạng con nợ, cưỡng đoạt tài sản con nợ.

Có những công ty thu hồi nợ ăn chia lợi nhuận cả hai bên, gây bức xúc cho cả chủ nợ và con nợ. Do vậy, cần có quy định về nhân sự, biện pháp thu nợ và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Lãnh đạo, nhân viên của công ty thu hồi nợ phải là những người có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật cũng như được đào tạo bài bản về các kỹ năng thu hồi nợ chứ không phải dùng các chiêu trò khủng bố tinh thần con nợ.

Đồng thời, cần có chế tài xử phạt hành chính cũng như tước giấy phép hành nghề trong thời gian nhất định đối với hành vi thu hồi nợ theo kiểu côn đồ và nếu có dấu hiệu hình sự thì cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Theo luật sư Hùng, cần quy định, các doanh nghiệp kinh doanh DVĐN phải báo với chính quyền địa phương khi đến thu hồi nợ các cá nhân, tổ chức. Việc quy định ký hợp đồng lao động dài hạn đối với nhân viên thu hồi nợ là cần thiết, tránh tình trạng nhân viên làm ẩu, thu được tiền thì bỏ việc... 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI