Sâm quý từ sách Đỏ Việt Nam ra đổ đống vỉa hè

10/05/2018 - 06:56

PNO - Thời gian gần đây, dọc các cung đường trên địa bàn TP.HCM xuất hiện một số người treo bảng rao bán “thảo dược 100% Tây Bắc”, trong đó có nhiều loại sâm quý nằm trong sách Đỏ Việt Nam.

Hiện nay, tâm lý người dân rất thích mua các loại thảo dược tại vùng núi Tây Bắc vì cho rằng thảo dược tự nhiên, quý hiếm. Do đó, khi thấy vỉa hè bày bán các loại thảo dược tại vùng núi này, người dân có tâm lý mua mà không mảy may nghi ngờ. Đã có trường hợp vì quá tin mà mua nhầm thảo dược “dỏm”.

Sâm quý hiếm giá rẻ bất ngờ

Tại góc đường Tây Thạnh và CN1 (khu công nghiệp Tân Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM), một người đàn ông đến bày bán đủ loại thảo dược độc, lạ được cho từ núi rừng Tây Bắc như: ba kích tím (190.000đ/ký), củ đinh lăng (180.000đ/ký), sâm cau còn gọi là tiên mao (giá 150.000đ/ký) sâm quy (150.000đ/ký), hà thủ ô đỏ (giá 180.000đ/ký)…

Sam quy tu sach Do Viet Nam ra do dong via he
Hàng loạt thảo dược quý hiếm được đổ đống, bày bán lề đường.

Sâm cau là loại thảo dược rất quý và hiếm, không hề được phổ biến và đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là thảo dược cần được bảo tồn, phát triển.

Tuy nhiên, không hiểu người đàn ông này lấy hàng từ đâu mà sâm được đổ đống trên vỉa hè và khẳng định: nếu muốn mua nhiều hơn, chỉ cần đặt hàng trước, vài ngày sau sẽ có.

Theo quảng cáo, sâm cau này được một số người dân tộc thiểu số trồng tại vùng núi Tây Bắc, nhờ mối quen chuyển xuống TP.HCM.

“Sâm cau được ví như “Viagra” tự nhiên vì có tính sinh dục mạnh nhất, cao gấp 1,5 lần so với các loại dược liệu tương tự” - sau lời quảng cáo của người bán, nhiều người đang đứng xem liền bỏ tiền mua về ngâm rượu uống thử.

Theo quan sát, củ sâm thuôn dài khoảng hai gang tay, không hề có rễ nhỏ li ti trên thân, dù khẳng định là sâm cau hồng nhưng người mua không thể phân biệt được màu vì củ sâm đã được phơi khô, thoạt nhìn y như rễ cây bình thường.

Sam quy tu sach Do Viet Nam ra do dong via he
Sâm cau hồng (phía dưới) do khô nên khó phân biệt bên ngoài có màu gì, thoạt nhìn y như cây bồng bồng.

Ngoài sâm cau, ba kích tím cũng là loại thảo dược khá thu hút người mua. Trước đây thị trường “náo loạn” vì sự xuất hiện của sâm ba kích trắng, nhiều ông ùn ùn kéo nhau mua về ngâm rượu, sắc nước uống vì muốn “ông uống bà khen”.

Sau một thời gian, cơn sốt này hạ xuống thì nay lại đến sâm ba kích tím xuất hiện làm nhiều khách tò mò, háo hức. Anh Nguyền (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, lúc trước chỉ thấy ba kích trắng, giờ thấy ba kích tím, anh lập tức mua 2 ký về ngâm rượu. Theo anh, ba kích tím tốt gấp nhiều lần ba kích trắng, lại rất hiếm, không dễ gì mua được.

Sam quy tu sach Do Viet Nam ra do dong via he
Một loại sâm cau hồng tươi được bày bán nhưng theo các chuyên gia đây là cây bồng bồng.

Ngoài ra, tại đây còn có một loại sâm rất lạ tên sâm đá cũng được nhiều người mua về ngâm rượu, mỗi củ thường to mập bằng hai ngón tay. Lý do củ sâm to được người bán giải thích là do trồng tại vùng núi Vị Xuyên, Hà Giang nên có củ to. Còn nếu trồng tại các vùng khác thì sẽ có củ nhỏ hơn.

Coi chừng mua nhầm sâm giả

BS CKII Huỳnh Tấn Vũ – đơn vị điều trị ban ngày, cơ sở 3 - Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, những tháng gần đây, trên đường đi làm, ông bắt gặp nhiều nơi treo bán rao bán đủ loại sâm cau, sâm đá, nhiều loại thảo dược quý khác.

Cũng gặp nhiều bệnh nhân đem các củ sâm đã mua ngoài đường đến nhờ ông xem thử có phải sâm thật không và phát hiện đó là một loại củ nào đó chứ không phải sâm.

Sam quy tu sach Do Viet Nam ra do dong via he
Sâm cau ngoài củ sâm chính thường có rễ nhỏ, thành từng chùm chứ không thể có rễ to như các loại sâm bán ngoài đường.

Sâm cau mọc nhiều ở các tỉnh miền núi từ Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước những năm 1980, người dân khai thác quá mức, sau này cộng thêm các thương lái Trung Quốc tìm mua nên loại sâm này hiếm lại càng hiếm.

Sam quy tu sach Do Viet Nam ra do dong via he
Sâm cau có lá y như lá cau, khi phơi khô chỉ còn khoảng 1 ngón tay.

Hiện sâm cau có ba loại: đỏ, trắng và đen. Chúng có hình dáng tương tự với một loại thảo dược khác mang tên bồng bồng, có tên khoa học Dracaena angustifolia, là cây nhỏ, cao 1 – 2m. Rễ củ phân nhánh nhiều, màu hồng. Rễ bồng bồng theo các sách y học giúp nhuận tràng, lợi tiểu, chữa lỵ, bạch đới chứ hoàn toàn không có tác dụng sinh lý.

Từ cây bồng bồng màu hồng này, người bán giả làm sâm cau đỏ hoặc cạo lớp vỏ hồng bên ngoài đi để giả làm sâm cau trắng. “Chỉ có sâm cau đen mới không làm giả được vì lớp vỏ ngoài màu nâu đen đặc trưng. Chính vì vậy mà thị trường không hề xuất hiện loại sâm cau đen này” – BS Huỳnh Tấn Vũ nói.

Riêng với sâm đá, đây cũng là loại thảo dược quý hiếm nhất nhì, vì công dụng chỉ thua sâm Ngọc Linh một chút nên không có chuyện được bán nhiều ngoài vỉa hè với giá rẻ.

Sam quy tu sach Do Viet Nam ra do dong via he
Cây sâm đá con mà người dân Hà Giang cung cấp có lá và thân hình khác hẳn các loại sâm bán trên thị trường.

Có một số nơi rao bán sâm núi đá - sâm này khác với sâm đá. Sâm núi đá là một loại sâm nào đó mọc trên vùng núi đá. Không ít nơi rao bán sâm núi đá rồi lập lờ đó là sâm đá để đánh lừa người tiêu dùng.

Sam quy tu sach Do Viet Nam ra do dong via he
Đây là một loại sâm núi đá, không phải sâm đá quý hiếm.

Cũng theo BS Huỳnh Tấn Vũ, ba kích tím tốt hơn ba kích trắng, hà thủ ô đỏ tốt hơn hà thủ ô trắng. Nhưng các điểm bán thảo dược này thường bán loại khô hoặc đã héo, do đó rất khó phân biệt màu sắc hoặc mua đúng loại nếu không có kinh nghiệm.

Tốt nhất người dân nên tìm mua thảo dược tại các địa chỉ uy tín để tránh tiền mất, tật mang.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI