Quanh chuyện 'báo giá' của thủ môn Bùi Tiến Dũng: FLC Thanh Hóa chưa thể kiện khi chưa chứng minh được thiệt hại

02/02/2018 - 09:17

PNO - Trước những lùm xùm liên quan đến việc hình ảnh thủ môn Bùi Tiến Dũng được một đơn vị đứng ra khai thác, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã trao đổi cùng báo Phụ Nữ TP.HCM về quyền lợi, trách nhiệm của các bên.

Phóng viên: Việc một công ty truyền thông tung ra bảng báo giá khai thác hình ảnh thủ môn Bùi Tiến Dũng và phía CLB LFC Thanh Hóa – đơn vị chủ quản cầu thủ này ngay sau đó cho biết sẽ kiện công ty truyền thông vi phạm hợp đồng giữa FLC Thanh Hóa và Bùi Tiến Dũng hiện đang gây chú ý dư luận. Ý kiến luật sư về vấn đề này?

Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Ngày nay mỗi người đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Bởi theo qui định của pháp luật thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý (Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015).

Do đó việc sử dụng hình ảnh của cá nhân vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đối với cầu thủ đã giao kết hợp đồng với đội bóng nếu có điều khoản thỏa thuận giao toàn quyền cho đội bóng quản lý hình ảnh cầu thủ thì đơn vị hoặc cá nhân khác sử dụng hình ảnh cầu thủ mà không có sự đồng ý của đội bóng là xâm hại đến quyền lợi của đội bóng hoặc đơn vị chủ quản của đội bóng.  

Quanh chuyen 'bao gia' cua thu mon Bui Tien Dung: FLC Thanh Hoa chua the kien khi chua chung minh duoc thiet hai
Thủ môn Bùi Tiến Dũng và bảng báo báo giá khai thác hình ảnh cầu thủ này xuất hiện trên mạng xã hội hôm 1/2/2018 khiến dư luận "dậy sóng".

* Những điều luật liên quan đến hình ảnh cầu thủ còn khá mới mẻ tại Việt Nam, trong khi ở nước ngoài rất được coi trọng và cũng là phần đàm phán lâu nhất. Hiện luật pháp Việt Nam có những quy định nào liên quan đến vấn đề này nếu xung đột pháp lý xảy ra?

- Tất cả là phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cầu thủ và đội bóng được qui định tại các hợp đồng giao kết quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên dựa trên Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật thương mại... và các luật khác.

Một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp luôn có một ê kíp tư vấn pháp lý chuyên lo đảm bảo quyền lợi tốt nhất của đội bóng đúng pháp luật.

Do đó cầu thủ cũng nên có người đại diện am hiểu về pháp luật, truyền thông, nắm bắt được quyền lợi hợp pháp tốt nhất cho cầu thủ khi đàm phán ký kết hợp đồng đá bóng với đội bóng hoặc đơn vị chủ quản của đội bóng.

* Trước vụ việc này, phía công ty truyền thông cho biết họ không phải là đại diện truyền thông của cầu thủ Bùi Tiến Dũng mà chỉ là đơn vị tư vấn thương hiệu dựa trên sự tự nguyện của hai bên (công ty truyền thông và cá nhân Bùi Tiến Dũng); vì thế FLC Thanh Hóa nếu kiện cũng không kiện được. Điều này có đúng không, thưa ông?

- Nếu cầu thủ đã có ký kết giao đội bóng được quản lý về hình ảnh thì cầu thủ cũng không mất đi quyền riêng tư khi cá nhân cầu thủ cần sự tư vấn về hình ảnh của mình. Đơn vị tư vấn về thương hiệu và cầu thủ có quyền trao đổi bàn bạc nhưng không được gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đội bóng.

Ví dụ như cầu thủ hợp đồng với đội bóng 3 năm thì trong 3 năm đó mọi hình ảnh cầu thủ do đội bóng quản lý, mọi sự kiện có sử sụng hình ảnh của cầu thủ có hay không có thù lao do đội bóng quyết định nhưng cầu thủ vẫn có quyền nhờ đơn vị tư vấn thương hiệu về hình ảnh để biết mình đang có giá trị bao nhiêu để làm nền tảng cho những giao kết khác ngoài hợp đồng với đội bóng hoặc thỏa thuận hợp đồng mới khi hợp đồng cũ hết hạn...

Theo quan điểm của tôi thì đội bóng chưa thể kiện cầu thủ hoặc đơn vị tư vấn thương hiệu khi đội bóng chưa chứng minh được thiệt hại.

* Như vậy, xin luật sư cho biết, trong trường hợp nào FLC Thanh Hóa thắng/thua kiện?

- Thắng hoặc thua kiện còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Chứng cứ, nhân chứng, có hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả có thiệt hại vật chất hoặc tinh thần... Đội bóng có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng đội bóng phải có nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp (Điều 4, 5, 6 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

* Hiện chúng tôi được biết CLB FLC Thanh Hóa đã rút lại đơn kiện sau khi nhận được lời xin lỗi từ phía thủ môn Bùi Tiến Dũng. Thêm đó, phía FLC Thanh Hóa cũng đã trưng ra điều khoản trong hợp đồng, quy định rằng “Cầu thủ không có quyền nhận bất kỳ hợp đồng quảng cáo cá nhân nào mà không có sự đồng ý bằng văn bản của CLB”. Như vậy phía đội bóng là không sai nhưng những trường hợp như vụ việc của Bùi Tiến Dũng không thể nói là sẽ không lặp lại. Theo ông, với những sự việc tương tự như thế này, nếu đem ra tòa thì những như cầu thủ Bùi Tiến Dũng hay công ty truyền thông kia có bị xử phạt khi mọi việc chỉ mới bắt đầu từ bảng báo giá?

- Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Do đó căn cứ vào nội dung khởi kiện của đội bóng như thế nào thì Tòa sẽ xét xử chấp nhận hoặc bác yêu cầu khởi kiện. Các bên phải chấp hành theo quyết định của bản án đã tuyên. Cầu thủ và công ty truyền thông có bị xử phạt hay không do Tòa án quyết định.

Có một trường hợp khác, là chuyện cầu thủ Hồng Duy (cũng là tuyển thủ U23 Việt Nam) sử dụng hình ảnh chính mình phục vụ cho công việc bán mỹ phẩm online cá nhân thì có vi phạm hợp đồng quản lý hình ảnh nếu CLB Hoàng Anh Gia Lai khẳng định việc khai thác và sử dụng hình ảnh cầu thủ đều do CLB này quản lý?

- Như đã nói ở trên, tất cả là phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cầu thủ và đội bóng được qui định tại các hợp đồng giao kết quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên, trong đó có việc sử dụng hình ảnh của cầu thủ trong các điều kiện, hoàn cảnh như thế nào phải có sự đồng ý của đội bóng.

Nếu cầu thủ sử dụng hình ảnh của mình mà không liên quan đến đội bóng, ngoài phạm vi điều chỉnh của hợp đồng, chỉ sử dụng tư cách cá nhân mà không nhân danh cầu thủ đội bóng và không gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đội bóng thì cá nhân đó vẫn có quyền theo qui định của pháp luật.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI