‘Nội chiến’ Grab, Uber

16/01/2018 - 00:00

PNO - Cuộc “đại chiến” chúng ta thường được nghe đến lâu nay là giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Tuy nhiên, khi cuộc chiến ấy còn chưa có kết cục, thì làn sóng âm ỉ trong lòng Uber, Grab đang bắt đầu được đẩy lên thành “nội...

Hết xe ôm bãi công, đến ôtô phản đối…

Có vẻ như Grab Việt Nam đang rơi vào một đợt bỉ cực. Ngày 10/1, hàng trăm tài xế GrabBike tại TP.HCM tụ tập bãi công phản đối việc công ty này tăng mức thu của đối tác từ 20% lên 23,6% với lí do là thu hộ các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho nhà nước.

Trên thực tế, giải thích này của Grab Việt Nam là không hề sai. Thẳng thắn mà nói, Grab Việt Nam không chỉ phải “thu hộ”, mà thậm chí bị các cơ quan quản lí ép thu giúp. Là bởi, nếu cơ quan thuế phải đi lần tìm mấy chục ngàn tài xế GrabBike để đánh thuế, e rất khó khả thi thu đủ cho được.

‘Noi chien’ Grab, Uber
Hàng trăm tài xế Uber đã tụ tập trước văn phòng Uber tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Nhưng khi Grab bị tài xế phản đối, sau ba ngày, đã âm thầm dừng thu với lí do để làm việc lại với cơ quan thuế. Bước nhượng bộ này không phải là không có tính toán. Theo một số người quan sát, nếu không phải “thu hộ”, Grab càng nhẹ việc, không gây mất lòng tài xế, và cơ quan thuế cũng không có lí do để ép nữa vì rõ ràng đã bị tài xế phản đối gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Nhưng điều Grab Việt Nam không lường được chính là, sự nhượng bộ này sẽ kéo dây chuyền đến những vấn đề khác, mà điển hình là vụ việc sáng ngày 15/1 hàng trăm tài xế GrabCar đã tụ tập trước văn phòng Grab Việt Nam tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) phản đối mức chiết khấu hiện nay và yêu cầu giảm mức chiết khấu xuống 15%.

Một vài tài xế cho biết, trước tháng 10/2017, Grab tăng mức chiết khấu lên 23,6% đối với đối tác cũ, còn sau tháng 10/2017 tăng lên 28,3%. Con số này, nếu là sự thực, thì quả là một gánh quá nặng đối với tài xế GrabCar.

Không chỉ tài xế GrabCar, mà cùng ngày 15/1 dường như có hẹn trước vậy, tài xế Uber cũng tập trung đến văn phòng Uber tại quận Ba Đình (Hà Nội) yêu cầu đàm phán lại mức chiết khấu “trên trời” của hãng này. Mức chiết khấu cơ bản của Uber ôtô lâu nay là 25%, nếu cộng thêm khoản thuế “thu hộ” thì tài xế phải gánh mức đóng cũng gần đến 30%.

“Cái sảy nảy cái ung”

Grab Việt Nam đang rơi vào tình thế “cái sảy nảy cái ung”, tính kĩ quá lại gây ra hệ lụy cho chính mình. Trong trường hợp, họ vẫn giữ mức “thu hộ” thuế cho nhà nước, tài xế GrabBike phản đối nhưng sau đó nhận thấy việc thu là không sai, có thể sẽ dần nguôi ngoai bởi đối tượng bị thu thêm 3,6% chỉ áp dụng đối với tài xế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Và trên hết, việc đóng thuế thu nhập là theo luật, bắt buộc.

‘Noi chien’ Grab, Uber
Grab Việt Nam cho biết sẽ có cuộc đối thoại với đối tác vào ngày 18/1 tới.

Tuy nhiên sự tính toán nhượng bộ tưởng giúp “nhẹ gánh, nhẹ thân” của Grab bây giờ đang tạo ra hiệu ứng domino lan sang các tài xế GrabCar và cả tài xế Uber. Và mức yêu cầu đàm phán lại chiết khấu giờ không chỉ đòi trở về 20% mà giảm xuống 15%.

Cuộc “nội chiến” trong lòng Uber và Grab giữa các doanh nghiệp này với đối tác đã được châm ngòi và do đó cũng có lí do để bùng lên. Về ghi nhận, ứng xử của Grab trước các động thái của tài xế khác với Uber. Trong khi Uber đóng cửa không tiếp, mãi sau đó mới mời một số tài xế vào trao đổi; nhưng phía Grab, thường có thái độ cầu thị và xử lí tích cực hơn. Trong trường hợp sáng ngày 15/1, Grab cho biết sẽ có cuộc đối thoại với đối tác vào ngày 18/1 tới.

Vâng, “đừng nghĩ Grab, Uber là thiên đường… kiếm tiền!”. Mà bây giờ thì càng không khi làn sóng phản đối, bãi công đang ngày càng dày hơn, đông đảo tài xế hơn tham gia và yêu sách cũng mạnh mẽ hơn. Chẳng những không phải là thiên đường, mà không ít người đã vỡ mộng.

Thụy Du 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI