Ngân hàng ngoại đổ bộ, thêm nhiều thuận lợi cho khách hàng

24/03/2018 - 11:00

PNO - Hai năm trở lại đây, hàng loạt ngân hàng, dịch vụ tài chính từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… liên tục “đổ bộ” vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, điều này chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn về vốn và công nghệ cũng như các dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, đồng thời cũng thúc đẩy người tiêu dùng tiếp cận với dịch vụ, công nghệ hiện đại.

Đa dạng lĩnh vực đầu tư

Đầu tháng 3/2018, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Tập đoàn tài chính Hana của nước này đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam qua việc trở thành cổ đông của Ngân hàng (NH) thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - một trong bốn ngân hàng lớn nhất Việt Nam. 

Trước đó, cuối năm 2017, đại diện NH Shinhan (100% vốn Hàn Quốc) chính thức tiếp nhận từ Ngân hàng ANZ Việt Nam toàn bộ khối kinh doanh ngân hàng bán lẻ. Tập đoàn Lotte (có trụ sở tại Nhật Bản và Hàn Quốc) thông qua Lotte Card đã mua lại toàn bộ Công ty tài chính TechcomFinance từ tay Techcombank. 

Và mới đây, vào đầu năm 2018, Tập đoàn Shinhan tiếp tục gây xôn xao thị trường tài chính khi thông qua Shinhan Card đã mua đứt Công ty tài chính tiêu dùng Prudential Finance (PVFC). 

Ngan hang ngoai do bo, them nhieu thuan loi cho khach hang
Khi các ngân hàng ngoại vào Việt Nam, người dân sẽ được thụ hưởng những công nghệ hiện đại như công nghệ chống tấn công, công nghệ phát hiện giao dịch gian lận…

Vào cuối năm 2017, hàng loạt vụ thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa các NH Việt Nam với NH ngoại đã được ký kết. Chẳng hạn, Ngân hàng Daegu Bank (Hàn Quốc) hợp tác với Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) bắt tay với Tập đoàn tài chính Nonghyup (Hàn Quốc)…

Những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết gần đây đang giúp nguồn vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) tăng trưởng tích cực, nhất là ở lĩnh vực NH. Các NH ngoại vào thị trường Việt Nam thông qua nhiều hình thức: góp vốn cổ phần, hợp tác toàn diện, mua lại các công ty tài chính hoặc các mảng kinh doanh…

Theo thống kê của của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), số lượng chi nhánh của NH ngoại những năm qua tăng từ 31 điểm giao dịch lên 50 điểm trong 10 năm (2006-2016), chưa tính 50 văn phòng đại diện và các NH liên doanh. Các NH ngoại ngày càng tăng trưởng tín dụng cho vay thay vì chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và các loại phí như trước.

Ngân hàng Việt Nam và người tiêu dùng được lợi gì?

Sự “đổ bộ” này đang đem đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng; dịch vụ cho vay tiêu dùng cũng mạnh mẽ hơn. Theo quy định hiện hành, đối với một món vay, khách hàng không thể vay quá 15% vốn chủ sở hữu của NH đó. Hiện nay, khi các NH ngoại đổ bộ thì đa phần đều có lượng vốn “khủng”, đồng nghĩa người tiêu dùng được vay nhiều hơn, quy mô tín dụng sẽ tăng lên. 

Mặc dù NH nước ngoài đổ bộ dồn dập nhưng mạng lưới các NH ngoại hiện còn quá ít.

Nguyên nhân là do các NH ngoại còn khá dè dặt với rủi ro trong hệ thống NH Việt Nam (dính nhiều nợ xấu, khó khăn trong thu hồi nợ, vi phạm hợp đồng tín dụng của các doanh nghiệp) và khả năng gửi tiền, vay vốn của người dân còn hạn chế. 

Ngoài ra, nhờ nguồn vốn mạnh, các NH ngoại cũng đầu tư mới các công nghệ hiện đại, tạo sự an toàn, hạn chế rủi ro cho khách hàng.

Chẳng hạn, sau khi mua lại khối bán lẻ của ANZ Việt Nam, NH Shinhan ứng dụng ngay dịch vụ nhận diện bằng vân tay và mống mắt khi dùng Mobile Banking trên điện thoại Samsung thay vì nhận diện bằng tên đăng nhập và mật khẩu theo cách thông thường. Đây là công nghệ tiên tiến khiến nhiều đối tượng khách hàng cũng háo hức muốn thử. 

Một số NH ngoại cũng chú trọng mở rộng phân khúc bán lẻ, cụ thể là mảng kinh doanh thẻ - loại dịch vụ được cho là đang thu hút khách hàng nhất hiện nay. Đơn cử như NH Shinhan chỉ tiếp nhận mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam khoảng 5 tháng gần đây nhưng đã vươn lên đứng hàng thứ năm về kinh doanh thẻ tại Việt Nam và có tham vọng vươn lên vị trí thứ ba trong ba năm tới. Sự phát triển kinh doanh thẻ được nhận định sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn. 

Việt Nam đang trên đà hội nhập với thế giới, các NH ngoại đón đầu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi trong các giao dịch ngoại tệ.

Chẳng hạn, NH Woori liên kết với các NH Việt Nam để cung cấp dịch vụ chuyển và nhận tiền từ Hàn Quốc về  Việt Nam với mức phí rất rẻ; HSBC miễn hoàn toàn phí chuyển tiền ra nước ngoài. HSBC còn có hàng loạt các dịch vụ như thanh toán quốc tế, cấp tín dụng, tài trợ thương mại, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời còn có dịch vụ phái sinh ngoại tệ (giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo), giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể giảm thiểu chi phí vay vốn ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - để NH hoạt động hiệu quả, Chính phủ cần phải thông tin minh bạch hơn, đặc biệt là thông tin về hệ thống NH. 

Mặc dù NH nước ngoài đổ bộ dồn dập nhưng mạng lưới các NH ngoại hiện còn quá ít. Nguyên nhân là do các NH ngoại còn khá dè dặt với rủi ro trong hệ thống NH Việt Nam (dính nhiều nợ xấu, khó khăn trong thu hồi nợ, vi phạm hợp đồng tín dụng của các doanh nghiệp) và khả năng gửi tiền, vay vốn của người dân còn hạn chế. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - để NH hoạt động hiệu quả, Chính phủ cần phải thông tin minh bạch hơn, đặc biệt là thông tin về hệ thống NH. “Các nhà đầu tư ngoại còn gặp nhiều khó khăn khi tìm thông tin kinh doanh, thanh khoản của các NH Việt Nam.

Để ngày càng có nhiều NH ngoại vào thị trường Việt Nam, thiết nghĩ, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng ở Việt Nam cần được mở rộng đến 49% thay vì 20 và 30% như hiện giờ” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI