Ngân hàng đang khiến người dân sợ dùng thẻ

13/07/2018 - 08:18

PNO - Các chuyên gia cho rằng, các NH lớn đang thu phí theo kiểu “tận thu”, không thật sự chia sẻ với người sử dụng dịch vụ.

Hiện nay vẫn có nhiều ngân hàng (NH) đang miễn phí rút tiền ATM nội mạng như Techcombank, VPBank, TPBank… mặc dù lợi nhuận và quy mô hoạt động nhỏ.

Trong khi đó, các NH lớn như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV… có tốc độ tăng trưởng tốt, lượng phát hành thẻ khổng lồ - có thể bù đắp qua chi phí lỗ từ mảng ATM (nếu có) thì thời gian qua liên tục tăng phí. 

Phí chồng phí

Khách hàng đang sử dụng thẻ đều cho rằng các NH tận thu, phí chồng phí vì mỗi thẻ ATM sử dụng, khách phải chịu hàng chục loại phí.

Theo quy định, thẻ ATM có 6 loại phí cơ bản (phí phát hành thẻ, thường niên, rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin tài khoản, in sao kê). Người dùng thường phải chịu 2 loại cố định (phí thường niên và phí phát hành), các phí còn lại khi sử dụng mới trả.

Ngan hang dang khien nguoi dan so dung the
Việc tăng phí dịch vụ để bù chi phí chỉ là... biện minh.

Tuy nhiên, thực tế mỗi thẻ ATM hiện nay đang gánh hàng chục loại phí. Chẳng hạn, sử dụng thẻ của Agribank khách phải chịu khoảng 25 loại phí giao dịch, tùy theo giao dịch trong hay ngoài hệ thống ngân hàng, BIDV thu khoảng 20 loại phí trên thẻ tín dụng quốc tế và 16 loại phí trên thẻ ghi nợ quốc tế, Techcombank thu khoảng 13 loại phí, Vietcombank cũng gần 20 loại phí…

Nhẩm tính, khi sử dụng một thẻ ATM khách hàng hiện đang tốn rất nhiều tiền. Chẳng hạn, khi dùng một thẻ Vietcombank có các loại phí như sau: phí phát hành thẻ là 50.000đ/thẻ, phí dịch vụ phát hành nhanh 50.000đ/thẻ, phí phát hành lại thẻ 50.000đ, phí cấp lại pin 10.000đ, phí chuyển tiền liên ngân hàng qua thẻ từ 7.700 – 11.000đ, rút tiền mặt trong hệ thống 1.100đ/giao dịch, chuyển khoản trong hệ thống 3.300đ/giao dịch, rút tiền mặt ngoài hệ thống 3.300đ/giao dịch, vấn tin tài khoản 550đ/giao dịch, in sao kê/in chứng từ vấn tin tài khoản 550đ/giao dịch, chuyển khoản ngoài hệ thống 3.300đ/giao dịch, phí đòi bồi hoàn 50.000đ/giao dịch; phí cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch tại Vietcombank 10.000đ/hóa đơn và giá 50.000đ/hóa đơn nếu khác ngân hàng, phí duy trì dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn 10.000đ/tháng…

Vị chi, để có thẻ ATM và sử dụng một số giao dịch kể trên khách phải tốn khoảng 310.000đ.

Thu để bù đắp chi phí chỉ là… biện minh

Lý do tăng phí dịch vụ liên tục được các NH đưa ra là để bù đắp chi phí đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ…

Phó giám đốc một NH thương mại cổ phần cho rằng, các loại phí hiện nay hoàn toàn phù hợp với quy định theo thông lệ quốc tế. Tại nước ngoài, đa số người dân dùng thẻ để chi tiêu nên khách không mất phí.

Cách đây vài ngày, bốn ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đồng loạt thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng, áp dụng từ 15/7.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng tạm dừng thực hiện.

Ngày 12/7, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có văn bản đề nghị bốn ngân hàng trên cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc đồng loạt tăng phí rút tiền qua ATM, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Còn tại Việt Nam, khách dùng thẻ ATM chỉ để rút tiền nên NH phải tăng phí để đảm bảo cung ứng lượng tiền mặt cho ATM. Một giao dịch khiến NH mất đi từ 7.000 – 10.000 đồng, trong khi các NH chỉ thu phí rút tiền từ 1.000 – 2.000đ cho giao dịch nội mạng và từ 3.000 – 4.000đ cho giao dịch ngoại mạng, chỉ bằng 1/3 mức trần quy định tại thông tư 35 của NH Nhà nước về phí dịch vụ thẻ nội địa.

Trong khi đó, TS Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia cao cấp ngân hàng lại cho rằng việc NH thu phí bù đắp thu chi chỉ là… biện minh. 

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng 132 triệu thẻ. Chỉ với mức phí quản lý tài khoản từ 2.000 – 5.000đ/tài khoản/khách hàng, hệ thống ngân hàng đã thu về 264 – 660 tỷ đồng, một khoản tiền không nhỏ; chưa kể NH còn có khoản tiền khách duy trì trong thẻ ATM để chi tiêu trong hàng tháng

Ngoài ra, mức phí về thẻ tín dung cũng đem lại cho NH nguồn thu không nhỏ. Ví dụ một triệu khách sử dụng thẻ tín dụng với mức phí trung bình 500.000đ/người, thì mỗi năm NH sẽ thu về khoảng 500 tỷ đồng, đó là chưa kể những khoản phí thu được do khách sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền. Vậy tại sao NH không dùng những phí này bù đắp những phí hao hụt?

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020. Việc tăng phí rút tiền ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thói quen thanh toán không dùng tiền mặt mà nhà nước đã nổ lực xây dựng suốt thời gian qua.

Chính các NH đang khiến người dân... sợ dùng thẻ, hay đúng hơn là các ngân đang đi ngược lại chủ trương của Chính Phủ.

“Các năm về trước, giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa đã tăng lên đáng kể, từ 0,7% lên gần 3%. Người dân đang đẩy mạnh thói quen không dùng tiền mặt khi thanh toán thì đáng lẽ các NH phải điều chỉnh giảm phí mới đúng” – TS Doãn Hữu Tuệ nói.

ThS Nguyễn Thị Hoà – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, mức độ tiếp cận dịch vụ quẹt thẻ của người dân nói chung (dựa trên tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng) vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt và thói quen này rất khó bỏ. Nhiều người còn lo ngại không thuận tiện, mất an toàn thông tin. Ngoài ra, việc không hiểu rõ về các tiện ích của dịch vụ, mạng lưới đặt máy thanh toán của các NH không đồng đều… cũng là yếu tố khiến người dân ngại quẹt thẻ.

Theo TS Doãn Hữu Tuệ, phí dịch vụ bắt buộc NH phải thu nhưng vấn đề đặt ra là thu bao nhiêu và thu như thế nào. NH cứ nói rằng phải thu phí để bù đắp chi phí tại mỗi trụ ATM, không lẽ đầu tư bao nhiêu tiền thì bắt khách phải chịu hết bao nhiêu phí?!

Nếu có thu thì phải nên thông báo chi tiết cụ thể trên website về tình trạng thu, chi, bù đắp. Việc giấu nhẹm không thông báo với khách các khoản phí là điều cấm kỵ ở các nước phát triển vì nó liên quan đến sự công khai, minh bạch và quyền lợi của khách hàng.

Theo khảo sát của PV, phần lớn các máy quẹt thẻ chủ yếu tập trung tại các khu trung tâm TP.HCM, siêu thị. Chẳng hạn, ngay thị trấn H.Hóc Môn, chỉ có các siêu thị có lượng khách đông như Co.opmart, Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, KFC mới có máy quẹt thẻ, còn hàng loạt cửa hàng thời trang, ăn uống hầu như không có.

Không chỉ vùng ngoại ô, ngay cả khu vực trung tâm như tại Q.3, TP.HCM số lượng cửa hàng có máy quẹt thẻ chưa nhiều.

Ví dụ, cửa hàng Hoa Quả Tươi (góc Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) thu hút không ít khách hàng cao cấp, khách nước ngoài tìm mua trái cây nhưng chủ cửa hàng vẫn ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt.

Từ đó cho thấy, thay vì tận thu phí, các NH có thể triển khai những tiện ích về dịch vụ thẻ, tăng cường công nghệ bảo mật an toàn để khuyến khích người dân không dùng tiền mặt.

LS Bùi Minh Nghĩa – Phó giám đốc công ty Luật TNHH Đại Luật Hằng Sinh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết thêm, trong các hợp đồng khách hàng ký khi mở thẻ, các NH đều có quy định: Khi thay đổi phí sẽ thông báo bằng văn bản, thông báo trên trang web. Nếu khách hàng không phản hồi thì có nghĩa đồng ý, còn không đồng ý thì khóa thẻ, chuyển ngân hàng.

Nhưng thực tế, có mấy khách hàng đọc được quy định này bởi đa số khách chỉ ký theo hướng dẫn của nhân viên mà không có nhiều thời gian đọc. Chính vì lẽ đó, giống như khách hàng đang bị “gài” và NH không hề minh bạch thông tin trước khi khách hàng mở thẻ.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI