Mua thuốc diệt chuột cực độc dễ như mua rau

22/06/2018 - 07:41

PNO - Mùa mưa là mùa chuột xuất hiện nhiều. Hiện tại, dọc các tuyến đường ở TP.HCM, xuất hiện nhiều xe đẩy bán thuốc diệt chuột với lời rao hấp dẫn như 'mở nắp ra là chuột đi hết', 'diệt chuột thần tốc', 'chuột chết siêu tốc'.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại thuốc diệt chuột này có thành phần rất độc, một số loại nằm trong danh mục sản phẩm hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng vẫn bày bán tràn lan. 

Mạnh ai nấy bán chất cực độc

Phần lớn thuốc diệt chuột (TDC) trên thị trường hiện nay là sản phẩm “2 không”: không thương hiệu, không rõ công ty sản xuất. Trên một đoạn đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) chỉ dài khoảng 100m, có đến hàng chục điểm bán TDC được quảng cáo nhập khẩu từ Đức, Nhật, Cuba, có giá từ 35.000-100.000 đồng/sản phẩm nhưng không có nhãn phụ, thông tin về sản phẩm. 

Gần đây, các điểm bán này treo bảng rao một loại TDC mới, “mở nắp ra là chuột đi hết”, giá 10.000 đồng/lọ. Đó là những hũ nhựa màu trắng khoảng 100ml, bên trong là dung dịch màu vàng, được người bán giới thiệu là tinh dầu mỡ trăn. Còn nếu muốn “mở nắp ra là chuột chết” thì cho thêm một loại bột màu trắng, cũng đựng trong bao ni-lông không nhãn mác. 

Mua thuoc diet chuot cuc doc de nhu mua rau
Nhiều cửa hàng còn bán cả thuốc diệt chuột dạng nước đã bị cấm sử dụng từ hơn 20 năm trước.

Theo quảng cáo, tinh dầu mỡ trăn có công dụng đuổi chuột nhưng rất an toàn với người, có thể bôi lên da, ngửi. Riêng loại bột màu trắng chứa loại hương có khả năng làm chuột say, ngất; nếu ngửi nhiều, có thể bị ngộ độc. 

Khi được hỏi bột này có thành phần gì, người bán hoàn toàn không biết, chỉ biết bột được nhập từ Trung Quốc. Họ cũng không rõ mỡ trăn được lấy từ đâu, tại sao lại rẻ như cho, trong khi tinh dầu mỡ trăn trên thị trường hiện có giá 150.000-400.000 đồng/100ml.

Không chỉ các điểm bán rong, các cửa hàng và chợ cũng đang bán TDC “2 không”, trong đó có những hoạt chất nằm trong danh mục sản phẩm hạn chế sử dụng tại Việt Nam.

Tại cửa hàng hóa chất diệt côn trùng Á Đông (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10), hàng trăm gói TDC được chất đầy hai bên kệ nhưng 2/3 trong số đó đều không có nhãn mác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, TDC này được chủ cửa hàng tự san chiết, đóng thành từng gói nhỏ để bán cho khách.

Thông tin trên sản phẩm chỉ là tờ giấy tự in với các dòng chữ: “Thuốc diệt chuột thần tốc. Rất độc, bảo quản xa trẻ em. Thành phần: zinc phosphide 30%, chất phụ gia 70%”, hoàn toàn không có thông tin của nhà sản xuất.

Theo tìm hiểu, zinc phosphide là hoạt chất cực độc thuộc nhóm 1 và chưa có thuốc giải độc, sản phẩm nào chứa hoạt chất này đều nằm trong danh mục sản phẩm hạn chế sử dụng tại Việt Nam.

Hiện trên thị trường, có hai thương hiệu TDC nằm trong danh mục sản phẩm hạn chế sử dụng do có chứa hoạt chất zinc phosphide 20%. Trong khi đó, sản phẩm TDC không nhãn mác mà cửa hàng Á Đông đang bán, hoạt chất zinc phosphide lên đến 30%. 

Đặc biệt, cửa hàng Á Đông còn bán TDC đã bị cấm từ 20 năm trước. Đó là TDC dạng nước có các màu trắng, đỏ hoặc hồng, không hề có nhãn mác, giá 25.000 đồng/ống. Không riêng gì cửa hàng Á Đông, tại các cửa hàng bán TDC khác, rất dễ mua được loại TDC đã bị cấm này.  

Mặc dù đã có quy định về điều kiện buôn bán nhưng hiện TDC đang “mạnh ai nấy bán”. Nghị định số 91/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: tổ chức, cá nhân kinh doanh chế phẩm diệt côn trùng như nhang, bình xịt, bả diệt… phải có nơi bày bán chế phẩm, phải tách biệt với các loại thực phẩm, có trang thiết bị sơ cấp cứu. 

Ít kiểm tra vì chưa nghe phản ánh!

Hằng năm, số ca bị ngộc độc hoặc tử vong do ăn nhầm TDC vẫn diễn ra. Nhưng TDC lại được bán dễ dàng, công khai. Ông Dương Đức Trọng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP.HCM - cho biết, TDC là sản phẩm nằm trong nhóm thuốc bảo vệ thực vật, thuộc sự quản lý của chi cục bảo vệ thực vật.

Các kiểm nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM từ các mẫu chế phẩm diệt côn trùng của Trung Quốc cho thấy, các hoạt chất trong các chế phẩm này đều tồn lưu trong môi trường, gây nhiễm độc đường hô hấp, có thể gây ung thư nếu tiếp xúc nhiều lần. 

Ở những gia đình có trẻ em, nếu sử dụng các chế phẩm này, dù ít, cũng có thể khiến trẻ em bị ngộ độc do hít phải.

Ngoài ra, chi cục quản lý thị trường và các đội quản lý thị trường quận, huyện cũng đều có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra mặt hàng này. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP.HCM vẫn kiểm tra định kỳ các cửa hàng, đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật nói chung nhưng do đơn vị thiếu lực lượng nên chỉ phân bổ tại trạm bảo vệ thực vật thuộc các quận, huyện ngoại thành.

Điều này đồng nghĩa với việc thả nổi các cửa hàng trong khu vực nội thành. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận, TDC là mặt hàng ít được kiểm tra, do chưa nghe ai phản ánh hoặc có đơn tố cáo về mặt hàng này. 

Cơ quan nào kiểm tra, xử lý người bán rong TDC? Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM lắc đầu: “Nghị định 39 của Chính phủ quy định, người bán hàng rong không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, nên không thể xác định được hành vi vi phạm theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh. Còn theo Quyết định số 46 của UBND TP.HCM có quy định “người bán hàng rong không được kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả”, nhưng lại không quy định cụ thể việc xử phạt”.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, trung bình mỗi năm, bệnh viện cấp cứu khoảng 3-4 ca trẻ bị ngộ độc TDC, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Cách đây 1 năm, một bé gái 3 tuổi đã chết tức tưởi do ăn nhầm TDC. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI