Một lời cảnh báo cho bán hàng trên mạng

14/12/2017 - 00:05

PNO - Vụ việc một người bán mỹ phẩm trên Facebook vừa bị cơ quan thuế ở TP.HCM truy thu 9,1 tỷ đồng quả là một lời cảnh báo cho những người lâu nay bán hàng trên mạng: mạng xã hội không còn là "thiên đường thuế" (tax haven).

Vụ việc một người bán mỹ phẩm trên Facebook vừa bị cơ quan thuế ở TP.HCM truy thu 9,1 tỷ đồng quả là một lời cảnh báo cho những người lâu nay bán hàng trên mạng: mạng xã hội không còn là "thiên đường thuế" (tax haven).

Cách làm của người phụ nữ kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook này (ở đây xin tạm gọi là bà T.) có lẽ có nhiều điểm chung với không ít người lâu nay đang bán hàng, làm dịch vụ trên các mạng truyền thông xã hội. Có khác chăng là bà T. nằm trong số nhỏ những người kinh doanh quy mô lớn và bài bản.

Theo Cục Thuế TP.HCM, bà T. trước đây có lập một doanh nghiệp tại Q.10 nhưng nay đã ngưng hoạt động. Sau đó, bà lập một hộ kinh doanh cá thể tại Q. Phú Nhuận, và mọi nguồn thu từ kinh doanh được chuyển vào tài khoản cá nhân của bà.

Do làm ăn có bài bản, hoạt động kinh doanh trên mạng của bà T. phát triển như diều gặp gió. Bà đã lập hẳn một thương hiệu mỹ phẩm riêng và điều hành nó, bên cạnh bán hàng trực tiếp, còn bỏ mối cho hàng trăm đại lý trong và ngoài nước, tất cả đều trên mạng Internet.

Mot loi canh bao cho ban hang tren mang
Mạng xã hội không còn là "thiên đường thuế".

Quy mô làm ăn của bà T. thuộc loại "khủng". Tài khoản cá nhân của bà trên Facebook có hơn 56.000 người theo dõi; mỗi video bà live stream tư vấn cách chăm sóc da, sử dụng sản phẩm có 20.000-30.000 lượt xem.

Doanh thu khi mới kinh doanh vào năm 2013 chỉ có 120 triệu đồng, đã tăng lên 95 tỷ đồng vào năm 2015 và tới năm 2016 đạt mức khủng là 344 tỷ đồng. Tất nhiên, bà T. kê khai với ngành thuế những con số rất thấp.

Qua làm việc với ngân hàng, thanh tra thuế ghi nhận tổng số tiền được các đại lý chuyển vào tài khoản của bà T. chênh lệch với mức bà tự kê khai lên tới hơn 400 tỷ đồng.

Theo Bộ Luật hình sự có hiệu lực năm 2016, hành vi trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Nếu trốn thuế với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Rõ ràng là hành vi trốn thuế của bà T. là rất nghiêm trọng. Nhưng xét thấy sau khi bị phát hiện, bà T. đã tự nguyện khắc phục nộp ngay tiền vào kho bạc nhà nước và thật ra cũng muốn răn đe là chính ở thời gian đầu nên cơ quan thuế đã quyết định chuyển từ tội trốn thuế sang hành vi khai sai thuế, truy thu người kinh doanh qua mạng này tổng cộng 9,1 tỷ đồng (bao gồm các khoản truy thu thuế, phạt hành vi khai sai và tính tiền nộp chậm).

Điều đáng chú ý là bà T. không phải là vụ truy thu thuế kinh doanh qua mạng đầu tiên ở TP.HCM.

Không phải chỉ ở Việt Nam, việc thu thuế hoạt động kinh doanh trên Internet vẫn là một vấn nạn của nhiều nước trên thế giới.

Ngành thuế ở Việt Nam còn gặp khó khăn hơn bội lần do hình thức giao dịch, thanh toán phổ biến vẫn là bằng tiền mặt và các luật định về thuế vừa còn bất cập, vừa không được thực thi nghiêm minh. 

Cục Thuế TP.HCM cho biết đã truy thu 2 doanh nghiệp có doanh thu bán hàng qua mạng với tổng số tiền truy thu là 8,7 tỷ đồng (gồm 7,5 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng VAT và 1,2 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp). Một vụ kinh doanh mỹ phẩm trên mạng khác tại Q.9 cũng bị cơ quan thuế truy thu và phạt 1,7 tỷ đồng.

Từ giữa năm 2017, ngành thuế đã rốt ráo hơn trong việc thu thuế những người kinh doanh qua mạng xã hội. Cục Thuế TP.HCM cho biết từ tháng 6/2017 tới nay, qua theo dõi trên Facebook, họ đã gửi giấy mời cho 13.767 trường hợp có kinh doanh trên mạng xã hội này lên làm việc.

Tuy nhiên, tỷ lệ người chịu làm việc với ngành thuế vẫn còn thấp. Cho tới nay Cục Thuế TP.HCM chỉ lập được biên bản xác định số liệu với 3.776 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Thật ra, không phải chỉ ở Việt Nam, việc thu thuế hoạt động kinh doanh trên Internet vẫn là một vấn nạn của nhiều nước trên thế giới. Ngành thuế ở Việt Nam còn gặp khó khăn hơn bội lần do hình thức giao dịch, thanh toán phổ biến vẫn là bằng tiền mặt và các luật định về thuế vừa còn bất cập, vừa không được thực thi nghiêm minh.

Ngay như trong trường hợp bà T. nói trên, bà này chỉ bị cơ quan thuế “sờ gáy” sau khi có đơn tố cáo – mà có lẽ do cạnh tranh hay ghen ăn tức ở.

Chẳng hạn ở Mỹ, người ta chủ yếu giao dịch, thanh toán qua ngân hàng và các tội danh về thuế được xếp vào nhóm tội nặng nhất. Việc khai man và trốn thuế vẫn có, nhưng ở mức độ ít hơn vì cơ quan chức năng dễ quản lý hơn và người nộp thuế sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những mức án cực nặng.

Đó là lý do mà bây giờ, chương trình quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt càng phải được tăng tốc triển khai càng nhanh càng tốt. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2006 (Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006) và năm 2016 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016).

Song song đó là hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể quản lý tốt hơn nữa các loại hình kinh doanh mới phát sinh. Nhưng có được hành lang pháp lý tốt vẫn vô dụng nếu như không thực thi pháp luật nghiêm minh.

Phàm thì ở bất cứ nước nào, vào bất cứ thời đại nào, về nguyên tắc, hễ ai có kinh doanh thì người đó phải có nghĩa vụ đóng thuế theo luật định. Đó là lẽ công bằng và sự sòng phẳng đối với chính quyền và cả xã hội. Bất luận thế nào, Facebook nói riêng và mạng Internet nói chung vẫn phải được coi là phương tiện và loại hình kinh doanh.

Nhưng đồng thời, nhà nước cũng phải có các chính sách thu thuế kinh doanh trên Internet một cách hợp tình, hợp lý, phù hợp với đặc thù của mạng không gian ảo. Sẽ lợi bất cập hại nếu như vì sợ thất thu thuế mà có chính sách thu thuế theo kiểu tận thu.

Phàm thì ở bất cứ nước nào, vào bất cứ thời đại nào, về nguyên tắc, hễ ai có kinh doanh thì người đó phải có nghĩa vụ đóng thuế theo luật định.

Đó là lẽ công bằng và sự sòng phẳng đối với chính quyền và cả xã hội. Bất luận thế nào, Facebook nói riêng và mạng Internet nói chung vẫn phải được coi là phương tiện và loại hình kinh doanh.

Thực tế là trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội, có rất nhiều người bán hàng theo dạng chia sẻ mỗi khi dư dùng hay có hàng dùng rồi, giống như những người bán hàng rong hay bán hàng ở chợ trời. Cơ quan thuế chắc chắn có đủ các biện pháp nghiệp vụ và nhân sự để rà soát và phân biệt những người hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp để xử lý.

Trong kinh doanh truyền thống tiền thật hàng thật, xưa nay người ta cũng còn có muôn vàn bùa phép để trốn thuế hay tránh thuế. Huống chi là kinh doanh trên không gian ảo thì còn "vi diệu" bội lần. Trong nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên Internet, ngành thuế sẽ mãi mãi như chơi trò cút bắt mèo đuổi chuột nếu như không có được một giải pháp toàn diện và một môi trường thích hợp.

Và điều nguy hiểm cho tất cả và lâu dài nếu như do sự bất lực của mình mà cơ quan chức năng cố chấp để dồn người ta tới mức phải dùng những chiêu trò vi phạm pháp luật không đáng có.

Từ trường hợp kinh doanh mỹ phẩm quy mô lớn vừa bị cơ quan Thuế TP.HCM truy thu tới 9,1 tỷ đồng, chúng ta có thể nhắc nhau rằng:

Thứ nhất, mạng xã hội thật sự không phải là đất để người kinh doanh có thể trốn thuế một cách an toàn. Facebook cũng chẳng bao che cho hành vi trốn thuế đâu. Khoản C của Điều 11 trong Thỏa thuận Bán hàng thương mại (Commerce Product Merchant Agreement) của Facebook được cập nhật tháng 4/2017 có quy định rõ: Người bán hàng là người duy nhất phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các loại thuế, phí, chi phí bổ sung cho việc bán hàng trên Facebook.

Thứ hai, nếu cơ quan thuế thật sự muốn thu thuế cho ngân sách quốc gia, họ vẫn có thể nắm được tóc của những doanh nhân Internet, trước hết là với những con "cá mập". Nào có cần chi phải dùng tới lưới rùng mắt nhỏ càn quét hết các bầy cá con tội nghiệp trong cuộc mưu sinh.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI