Khi vải thiều Việt Nam cạnh tranh trên đất Thái

21/06/2018 - 17:29

PNO - Một công ty trong ngày 20/6 đã xuất đi Thái 200 tấn vải thiều. Con số này rất lớn so với lượng vải thiều xuất sang các nước khác, bên cạnh lượng vải kỷ lục xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bởi theo Sở Công Thương Bắc Giang thì năm nay tỉnh này mới xuất qua Úc với sản lượng 35 tấn, châu Âu đạt 1,1 tấn, sang Nhật Bản 1,5 tấn. Và một container xuất khẩu vải thiều bằng đường hàng không sang Mỹ với số lượng 1,1 tấn.

Nhưng quan trọng hơn chính là việc công ty này đưa được hàng sang Thái, một trong những quốc gia có tiếng về trái cây ngon, nhiều và rẻ ở Đông Nam Á. Hiện nay Thái Lan đang nhập vải, thanh long của Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp, hàng năm Việt Nam xuất chừng 9-10 ngàn tấn thanh long sang Thái.

Khi vai thieu Viet Nam canh tranh tren dat Thai
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ có 200 tấn vải thiều được một doanh nghiệp thu mua và chở bằng máy bay xuất bán sang Thái Lan.

Tuy nhiên, lượng hàng hóa này thực chất vẫn còn ở mức khiêm tốn, nhất là so với lượng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, mà cũng có phần tạm nhập và tái xuất qua Trung Quốc.

Vào thời điểm hết 8 tháng đầu năm trước, Việt Nam đã từng bỏ ra 18.000 tỷ đồng để nhập trái cây Thái Lan. Đó là thời điểm mà người Thái đã đạt kỷ lục xuất trái cây vào Việt Nam. Cứ cho là theo Bộ Nông nghiệp, 90% số trái cây này tạm nhập và tái xuất qua Trung Quốc thì người Việt Nam cũng đã bỏ ra 1.800 tỷ đồng để mua trái cây Thái về sử dụng chỉ trong vòng 8 tháng.

Nghĩa là, để có được cán cân thương mại cân bằng với người Thái, chỉ trong lĩnh vực trái cây, người Việt còn phải nỗ lực rất nhiều. Mà điều đầu tiên cần đi trước là tiếp thị. Nhiều năm trước, trái cây Thái Lan là một thương hiệu đã xuất hiện và lập tức được ưa chuộng ở Việt Nam, từ trái sầu riêng, trái bòn bon, trái xoài, măng cụt cho tới trái khế…

Những người bán rất hào hứng giới thiệu “Đây là hàng Thái” cho người Việt Nam. Trong khi dân Việt Nam cũng hào hứng không kém mua và dùng trái cây Thái. Và vì tâm lý chuộng trái cây Thái này, có nhiều người bán dùng mánh bán trái cây Việt Nam cũng nói là trái cây Thái. Mặc dù đó chỉ là loại trái cây giống Thái trồng ở Việt Nam mà thôi.

Khi vai thieu Viet Nam canh tranh tren dat Thai
Việc tiếp thị cho trái cây Việt Nam thì là một nhiệm vụ hàng đầu cần được đẩy mạnh. 

Người Thái đã chớp cơ hội, khi nhiều giống trái cây Việt Nam chất lượng còn chưa cao, đã gây dựng một cách tự nhiên cho thương hiệu trái cây của họ. Coi như "bất chiến tự nhiên thành". Tất nhiên thành quả này cũng là do Thái rất chịu đầu tư vào giống cây ăn trái và phát triển nông nghiệp từ thập niên 60 trở lại đây. 

Và Chính phủ của họ đã chi hàng tỷ bạt mỗi năm để đầu tư cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống. Ngoài ra, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, họ đã có một chiến lược bài bản cho nông nghiệp với những chính sách hấp dẫn. Đó là giảm 50% thuế nhập khẩu cho máy móc, vật tư nông nghiệp, đồng bộ mối quan hệ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân trồng trái cây.

Trong khi đó, trái cây Thái hiện có giá không cao. Một số loại trái như xoài, chuối khá rẻ khi bán ở Việt Nam. Họ cũng có thể cung cấp một số loại trái quanh năm, ví dụ như xoài xanh. Khác với xoài theo mùa của Việt Nam, xoài Thái khi nào cũng có. Vì vậy khi hết mùa xoài chính vụ, xoài Thái có ưu thế.

Ưu thế về giá của trái cây Thái ngày càng nâng cao khi từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu trái cây Thái Lan vào Việt Nam bằng 0%.

Bởi vậy nên sứ mệnh của 200 tấn vải sang Thái trong ngày 20/6, hay những tấn trái cây Việt Nam khác xâm nhập thị trường Thái ngày càng nặng nề hơn. Mà áp lực không dừng lại ở những công ty xuất hàng qua Thái, mà cả một hệ thống đằng sau nó.

Ở khâu hậu cần, nông dân cần tích cực đầu tư vào các loại trái cây ngon, mới và lạ, có chất lượng đáng để dân Thái mua. Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam cần được đầu tư nhiều hơn để sáng tạo các loại giống mới, cũng như giúp nông dân về công nghệ bảo quản trước và sau khu hoạch, chế biến trái cây.

Bên cạnh đó, việc tiếp thị cho trái cây Việt Nam là một nhiệm vụ hàng đầu cần được đẩy mạnh. Mà đứng đằng sau tất cả các hoạt động này cần vai trò điều phối và hỗ trợ của Nhà nước.

Nghĩa là để đấu với một đối thủ mạnh, với một thị trường mà người mua sành sỏi như Thái không hề dễ dàng, cũng không thể là chuyện ngày một ngày hai. Và cũng không thể chỉ trông mong vào việc một vài doanh nghiệp tự vận động.

Muốn thắng được trên đấu trường khu vực, ngay cả ở một quốc gia láng giềng như Thái, không còn cách nào khác cần phải làm ăn bài bản và quy củ. Nếu không, bài toán của nông dân Việt Nam mãi vẫn chỉ là bán quanh quẩn trong nước và bán cho thị trường Trung Quốc là chính.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của vải thiều. Tính đến ngày 19/6, đã có 36.500 tấn vải bán vào thị trường này, doanh thu ước đạt 64,1 triệu USD.

Hiện tại, có khoảng 1.650 thương nhân tập trung mua vải thiều, chủ yếu thu mua trên địa bàn của huyện Lục Ngạn, trong đó khoảng trên 150 thương nhân Trung Quốc và khoảng trên 1.000 người Việt Nam.

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI