Khi tem hợp quy có cũng như không

14/05/2018 - 06:40

PNO - Theo thông tư của Bộ KH&CN, các sản phẩm đồ chơi trẻ em, thiết bị điện và điện tử, mũ bảo hiểm, khăn giấy, hàng may mặc khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy và dán tem có dấu hợp quy (CR).

Theo thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, các sản phẩm đồ chơi trẻ em, thiết bị điện và điện tử, mũ bảo hiểm, khăn giấy, hàng may mặc… khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (hợp quy) và dán tem có dấu hợp quy (CR). 

Thực tế, khi ra thị trường, các sản phẩm trên không dán tem CR, hoặc dán tem tự in, tem photocopy, tem không có thông tin về số chứng nhận và việc in tem CR cũng rất bát nháo. 

1001 kiểu tem CR

Tại TP.HCM, nhiều nơi bày bán đồ chơi, đồ điện tử, khăn giấy nhưng không hề có tem CR. Ghé 5 cửa hàng đồ chơi bao quanh chợ Bình Tây (Q.6), chúng tôi nhận thấy, 90% sản phẩm được bày bán tại đây không có tem CR. 

Tại cửa hàng đồ chơi trẻ em Đ., chủ cửa hàng nói thẳng, có tem CR hay không cũng giống nhau. “Thỉnh thoảng, có doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đưa chúng tôi tập tem nhưng chúng tôi không có thời giờ để dán” - chủ cửa hàng này nói.

Khi tem hop quy co cung nhu khong
 

Nhiều sản phẩm điện tử bán tại siêu thị cũng không có tem CR. Tại siêu thị Big C Pandora Trường Chinh (Q.Tân Bình), chúng tôi thấy nồi hâm Homepro DDG-30 (cả sản phẩm và hộp đựng) do Công ty TNHH Thiết bị gia dụng Đông Nam Á nhập khẩu và Công ty TNHH quốc tế Vinh Phát phân phối không dán tem CR. 

Tương tự, một số sản phẩm khác như nồi lẩu điện Comet CM7736 của Công ty cổ phần Phân phối Gia Huy, nồi lẩu điện MC - GBB100 của Công ty cổ phần Goldsun Việt Nam nhập khẩu, nồi lẩu điện Bigsun BM-130 của Công ty cổ phần Big Sun Việt Nam lắp ráp… cũng không có tem CR. 

Nhiều doanh nghiệp sử dụng dấu hợp quy CR in trực tiếp trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ sản phẩm. Các nhãn phụ này do được in hoặc photocopy ra nhiều bản nên dấu CR bị mờ, nhiều mẫu không có số giấy chứng nhận. Dấu CR không có số giấy chứng nhận cho thấy, sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy.

Tại siêu thị Vinmart (đường Ba Tháng Hai, Q.10), cả gian hàng đồ chơi của hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, chỉ có vài doanh nghiệp in dấu CR đúng quy định, còn lại đều sai.

Cụ thể, trên các sản phẩm đồ chơi búp bê Nga, bộ đồ chơi nhà bếp mi-ni KW24068, đồ chơi máy may MX0086928, đồ chơi máy may MX của Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Đào Gia nhập khẩu; các loại đồ chơi ô tô HD-040C, 855-20, BS310-2 và đồ chơi xếp hình của Công ty TNHH Thương mại và phát triển Phương Đông; đồ chơi ô tô của Công ty cổ phần Thương mại S.U.N.L.I.; bộ đồ chơi bé tắm CQS602-1 của Công ty TNHH Thương mại Lê Trí nhập khẩu; đồ chơi thần hoạt hình lốc xoáy, hộp bột nặn của Công ty cổ phần Việt Tinh Anh nhập khẩu và phân phối… dấu CR được in sơ sài trên nhãn phụ, không hề có số giấy chứng nhận.

Còn trên các loại thú bông Oggy Buddies, thú bông Little Fish do Công ty TNHH Toàn Cầu VinGT nhập khẩu, dấu CR trên nhãn phụ không thể hiện rõ đơn vị chứng nhận hợp quy, không có dãy số sê-ri chứng nhận. 

Tràn lan tem CR giả

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nhựa Chí Thành cho biết, hiện trên thị trường xuất hiện giấy chứng nhận chất lượng mũ bảo hiểm hợp quy gian lận.

Theo quy chuẩn kỹ thuật, mỗi sản phẩm mũ bảo hiểm phải có giấy chứng nhận hợp quy và sản phẩm được thể hiện rõ ràng trên giấy, nhưng có doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy một kiểu mũ, liền lấy chứng nhận này dùng luôn cho nhiều kiểu sản phẩm khác.

Cách gian lận là photocopy hàng loạt giấy này ra, che phần hình ảnh kiểu mũ, gửi đại trà cho các đại lý bán nón để mập mờ về chất lượng cho nhiều kiểu mũ. Một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đồ chơi, đồ điện gia dụng cũng đang làm theo cách này.

Tùy từng sản phẩm và quy chuẩn kỹ thuật mà có các kiểu tem hợp quy khác nhau. Tuy nhiên, hiện các cơ sở in lại không đòi hỏi các giấy chứng nhận này, chỉ cần chụp hình mẫu tem cần in là được.

Tại Công ty TNHH in ấn Thiên Bảo (Q.Tân Bình), nhân viên cho biết, nếu có giấy chứng nhận thì mẫu tem in ra sẽ đầy đủ thông tin, còn nếu không có chứng nhận thì làm theo mẫu sẵn có tại công ty.

Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp không có giấy chứng nhận nhưng vẫn đặt in tem theo mẫu hoặc có doanh nghiệp lấy cắp mẫu tem từ một sản phẩm khác cùng loại trên thị trường để in cho sản phẩm của mình. 

Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM, việc dán tem tự in lên sản phẩm (không phải sản phẩm thuộc lô hàng được chứng nhận) được xem là tem giả. Chi cục đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hồ sơ chứng nhận hợp quy và hồ sơ công bố hợp quy.

Đối với các trường hợp này, chi cục đã chuyển hồ sơ, đề nghị Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ xử lý vi phạm hành chính.

Ông Nguyễn Văn Bách - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết, ngay từ khi có quy định đầu tiên về tem hợp quy CR, chi cục đã ra quân kiểm tra, phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo được dán tem chứng nhận hợp quy.

Có cửa hàng bày bán toàn sản phẩm có tem hợp quy CR nhưng chủ cửa hàng lại không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Cũng có cửa hàng xin được chứng nhận hợp quy cho bốn mẫu sản phẩm, nhưng lại bày bán hàng ngàn mẫu, chủ yếu từ Trung Quốc và tất cả đều có tem CR. Nghĩa là, sản phẩm có tem CR chưa chắc đạt chất lượng.

Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận, khi nhìn vào tem, rất khó biết được tem CR đó đúng hay sai quy định, bởi mỗi sản phẩm có quy chuẩn riêng và mẫu tem hợp quy khác nhau. Chỉ có thể biết sản phẩm đó được cấp giấy chứng nhận hay chưa thông qua mã số trên con tem.

Chính việc dán tem CR quá dễ dãi khiến việc quản lý trở nên khó khăn, rối rắm, tạo ra sự nhập nhằng giữa sản phẩm nhập lậu, chưa được kiểm định chất lượng với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI