Gọi xe lâu đến, Vato có vội?

06/04/2018 - 13:02

PNO - Vato - một ứng dụng với thông tin nhận được vốn đầu tư 100 triệu USD của Phương Trang đã được nhiều tài xế, khách hàng trải nghiệm những ngày qua. Tuy nhiên, không ít người than phiền vì ứng dụng này còn nhiều vấn đề.

Uber chính thức ngừng hoạt động tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh phần mềm đặt xe tận dụng; trong số đó phải nhắc đến là Go-Jek của Indonesia, hay Vato của Việt Nam.

Giới tài xế Uber hiện nay một số chọn về với Grab, số còn lại quyết định không "đầu quân" cho hãng này mà chọn phương án bán xe, bỏ nghề hoặc về với ứng dụng mới Vato.

Tuy nhiên, điều đáng nói là thông tin ứng dụng Vato dự kiến ra mắt vào tháng 5/2018, nhưng tận dụng thời điểm Uber rút khỏi Việt Nam đã quyết định nhận rót vốn sớm hơn dự định và cho khách bắt đầu trải nghiệm tại các thành phố lớn.

Goi xe lau den, Vato co voi?
 
Goi xe lau den, Vato co voi?
Khách hàng than phiền vì chờ lâu nhưng không có xe đón.

Chia sẻ về lần đầu trải nghiệm ứng dụng Vato, một khách hàng có tên V. (quận 3, TP.HCM) cho hay, do biết thông tin ứng dụng đặt xe Vato hứa hẹn cạnh tranh về giá, dịch vụ với Grab nên quyết định dùng thử.

V. chia sẻ, trong sáng ngày 5/4 khi tải ứng dụng Vato điều đầu tiên cảm nhận ứng dụng rất dễ sử dụng, như Grab và Uber trước đây, về giao diện rất "thuần Việt". Tuy nhiên, khi khi đặt xe để trải nghiệm Vato car từ Bitexco của quận 1 về quận Phú Nhuận thì chờ mãi xe không bắt. Sau khoảng 30 phút chờ để trải nghiệm nhưng không thấy tài xế đón, V. quyết định chia tay Vato.

Một khách hàng khác có tên Tâm Nguyễn chia sẻ, xe hiển thị dày đặc xung quanh điểm đón, nhưng chờ 20 phút vẫn không thấy tài xế nhận cuốc.

Goi xe lau den, Vato co voi?
Khách hàng phàn nàn về việc phải tăng thêm tiền để có tài xế đón của Vato.

Trong khi đó, chị Kim Ngân chia sẻ, chị đặt xe từ Vinhome (Bình Thạnh) đến Pearl Plaza (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) với giá là 30.000 đồng, nhưng chờ mãi không có tài xế đón. Sau đó chị nhận thông báo của app này cho biết do là giờ cao điểm buộc khách hàng thay đổi giá tiền để có... cơ hội tiếp cận được với nhiều tài xế hơn.

Chị chọn tăng giá tiền lên 60.000 đồng thì có xe nhận liền. Theo chị Kim Ngân, app của Vato có phần tăng giá tiền cho chuyến đi, thay vì số tiền ban đầu mà khách hàng này đặt mà không được tài xế đón, khi tăng giá thì ngay lập tức có tài xế nhận chuyến. 

“Tôi nghĩ đây là một hạn chế của ứng dụng, khi cố tình "làm giá" với khách hàng. Một hạn chế lớn của Vato nữa là chưa có phần xếp hạng cho tài xế nên không phản hồi được”, một khách hàng bình luận.

Chia sẻ về lần đầu trải nghiệm, một khách hàng tên Thảo cho biết chị dùng tới ứng dụng Vato trong tình huống bất đắc dĩ. Chị kể, ngày Vato đi vào hoạt động (3/4) thì server Grab sập cả tối. Sau khi tải app Vato về và tạo tài khoản trong 1 phút 30 giây thì chị nhận ra giao diện quen thuộc như của Uber.

“Điểm ưu việt của app này là được quyền gõ tay số tiền vô (nhưng buộc phải lớn hơn con số app tự tính ban đầu) để nâng giá, tăng khả năng bắt được xe. Mình nghĩ cũng ưu việt vì thay vì tự cài đặt giá high demand (giá cước tăng cao do nhu cầu sử dụng tăng cao - PV) thì mình quyết định trả thêm 10.000 - 20.000 đồng cũng có lợi hơn”, chị Thảo bày tỏ.

Đoạn đường đặt xe đi từ Nguyễn Huệ (quận 1) về nhà ở quận 7 (khoảng 5km), chị Thảo đặt Uber thì ra giá tiền 119.000 đồng do vào giờ cao điểm, nhưng sang Vato, cũng đoạn đường này thì giá là 60.000 đồng, được khuyến mãi nên còn 30.000 đồng.

“Theo tôi, ứng dụng đáp ứng được nhu cầu cơ bản của khách hàng, chạy cũng mượt, tạm thời thấy hài lòng nhưng vẫn cần nâng cấp thêm. Dù sao thì có thêm Vato cũng là một điều tốt, chứ thời buổi này mà dịch vụ độc quyền thì khổ cho người dùng thôi”, chị Thảo chia sẻ.

Vato mới đầu phát triển với tên là FaceCar, sau đó đổi tên thành VIVU và mới gần đây nhất ứng dụng này tiếp tục đổi tên sang là Vato (Vận tải thông suốt).

Đây là ứng dụng gọi xe trên nền tảng điện thoại di động nhằm kết nối giữa khách hàng có nhu cầu di chuyển đến các tài xế có xe từ đó giúp giải quyết vấn đề đi lại và kiếm tiền của khách hàng và tài xế.

Ứng dụng tương tự như các dịch vụ xe ôm đang có trên thị trường Việt Nam như: Grab, Uber, MBike… Ứng dụng hiện đang cung cấp các dịch vụ khác nhu như: Vato Car, Vato Bike, Vato Taxi tại các thành phố như : Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Vũng Tàu…

Ngày 1/4/2018, thông tin từ đại diện VIVU cho biết, Công ty Phương Trang (FUTA) đầu tư 100 triệu USD vào công ty này và đổi tên thành Vato. Theo ông Nguyễn Trí Dũng - CEO Phương Trang cho biết, doanh nghiệp này không cạnh tranh trực tiếp với Grab, cũng không bỏ một lúc 100 triệu USD đầu tư, mà chia thành từng giai đoạn.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI