Đừng nghĩ Grab, Uber là thiên đường… kiếm tiền!

12/01/2018 - 00:00

PNO - Sự kiện tài xế GrabBike bãi công tại TP.HCM ngày 10/1 không còn là việc mới mẻ hay xa lạ. Ai bị thu thêm tiền (mà theo cách nói của nhóm tài xế GrabBike là tăng mức chiết khấu từ phía Grab) mà lại không bức xúc?

Mức thu thêm, là 4,5% tính trên 80% thu nhập của tài xế (tương đương 3,6% trên tổng doanh thu tài xế mang về). Ngoài ra, các khoản phí hỗ trợ cho tài xế nhờ có thành tích về số chuyến cũng bị khấu trừ 1%, còn các khoản hỗ trợ không mang tính chất doanh thu dành cho tài xế bị khấu trừ 10%.

Những khoản thu trên, được Grab Việt Nam cho biết là thu hộ nhà nước thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Sau đó, Grab sẽ phải nộp lại cho Cục Thuế chứ không có ỉm đi được. Điều này thì đã rõ. Ba năm trở lại đây, cơ quan thuế luôn yêu cầu Grab và Uber phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Riêng trường hợp Uber, chậm trễ nộp còn bị phạt cả chục tỉ đồng, cuối cùng đã phải khởi kiện ra tòa.

Dung nghi Grab, Uber la thien duong… kiem tien!
 

Về nguyên tắc, thuế thu nhập cá nhân phải thực hiện thu trên/đối với mỗi cá nhân. Song ở Việt Nam, hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân được thực hiện thông qua các tổ chức, doanh nghiệp, nơi người lao động đang làm việc hoặc có phát sinh thu nhập sẽ bị khấu trừ thuế trên số tiền thu nhập trong khung phải đóng thuế, hoặc tạm thu.

Đối với trường hợp Grab và Uber tại Việt Nam, cơ quan thuế đã “nhờ” hai doanh nghiệp này “thu hộ” thuế thu nhập cá nhân của các tài xế (mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên). Hay nói chính xác hơn, Grab và Uber bị cơ quan thuế ép phải thu giúp vì nếu tự cơ quan thuế "lần mò" ra từng tài xế GrabBike để thu sẽ rất khó khả thi.

Nhân việc bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/1/2018, giới tài xế GrabBike mới “kêu than” về tình trạng thu nhập ngày càng giảm vì Grab ngày càng tuyển thêm nhiều tài xế tham gia, rồi mức thưởng giờ cao điểm không còn, rồi quần áo phải bỏ tiền mua, phải trả phí ứng dụng 20.000 đồng…

Uber và Grab là những dịch vụ mới có lợi thế cạnh tranh vượt trội về công nghệ, giá cả…

Nhưng rồi cũng sẽ có những cái mới khác ra đời và cạnh tranh lại, rồi bản thân các công ty taxi cũng cho ra đời dịch vụ tương tự để cạnh tranh và kiếm thị phần, “chiếc bánh” càng bị chia sẻ nhiều hơn.

Đó chính là thương trường. Khi Uber và Grab mới vào, chưa ai biết, còn yếu thế, cần tài xế nhiều hơn là tài xế cần họ, và người tiêu dùng cũng chưa quen dùng… thì họ phải vỗ về, chăm sóc, đưa ra nhiều ưu đãi đối với tài xế.

Còn bây giờ, thương hiệu đã mạnh, người dùng đã nhiều và tín nhiệm, và cũng là lúc Uber, Grab tính dần việc thu hồi những gì đã đầu tư, thì họ tiết giảm các chi phí, khoản hỗ trợ, ưu đãi cũng là chuyện thường tình trên thương trường.

“Không mợ thì chợ vẫn đông”, cuộc chơi bây giờ là vậy. Khổ cho không ít người đầu tư cả tỉ đồng mua xe ôtô để chạy Grab, Uber nhưng giờ thu nhập không được như tính toán và các khoản hỗ trợ, ưu đãi từ Grab và Uber cũng đã giảm hoặc bị cắt, trong khi phí chiết khấu lại tăng, thành ra mang nợ và chưa biết bao giờ thu hồi được vốn.

Đã có không ít người, gia đình đầu tư vốn tậu xe để chạy Grab, Uber vì cho rằng thu nhập khá, dễ ăn. Đúng là như vậy nếu là từ hai, ba năm trở về trước. Còn hai năm trở lại đây, tình hình đã khác. Grab và Uber không còn là thiên đường để đầu tư xe cộ chạy hoặc cho thuê chạy chở khách kiếm tiền nữa rồi. Người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, cung dần vượt cầu, thì tình hình ra vậy là khó tránh.

Uber và Grab là những dịch vụ mới có lợi thế cạnh tranh vượt trội về công nghệ, giá cả… Nhưng rồi cũng sẽ có những cái mới khác ra đời và cạnh tranh lại, rồi bản thân các công ty taxi cũng cho ra đời dịch vụ tương tự để cạnh tranh và kiếm thị phần, “chiếc bánh” càng bị chia sẻ nhiều hơn.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI