Cuộc dấn thân vào ngành game

19/02/2018 - 10:21

PNO - “Mặc kệ nó, làm tới đi” - câu nói của nhà lãnh đạo tài ba Richard Branson cứ đeo đuổi tôi mãi.

Tôi bắt đầu chuyến đi của mình, mà tôi gọi là “cuộc dấn thân vào câu chuyện ngành game”. Tôi đã đi qua các toa tàu và khám phá công việc của những con người trên đó. Họ làm gì và làm sao họ biến những ý tưởng của mình để tạo ra những sản phẩm game cho người chơi trên thế giới?

Sau khi chào hỏi người lái tàu, tôi dừng lại ở toa thứ nhất, nơi các ý tưởng bắt đầu. Đây là thế giới của những người thiết kế. Tôi ghé đến anh trưởng toa Nguyễn Thiện Khiêm và hỏi các bạn ở đây đến từ đâu? Anh có chút nhíu mày và bảo tôi rằng, thiết kế game là một ngành rất mới mẻ ở trong nước, không có một trường đại học hay cao đẳng nào đào tạo về lĩnh vực này. Nhưng vị trí này đóng vai trò cốt lõi trong phát triển game. 

Người thiết kế là người thổi hồn vào các sản phẩm game, tạo ra cấu trúc game và những màn chơi khác nhau, làm nên cách chơi và tương tác khác biệt giữa game này và game khác... khiến cho người chơi bị cuốn vào thế giới game và giữ được sự hứng thú dài lâu. 

Cuoc dan than vao nganh game
 

Ai có thể trở thành người thiết kế game? Tôi buột miệng. Mắt anh sáng lên và dường như điều đó đã chạm tới tâm khảm của anh. Anh bảo bất kỳ ai cũng có thể trở thành người thiết kế game nếu họ có đam mê và giữ được ngọn lửa đó trong mình.

Tuy nhiên, để trở thành một người thiết kế giỏi thì hoàn toàn không đơn giản. Làm sao đưa ra những ý tưởng về cốt truyện, cấu trúc, thể lệ game, nhân vật, những vật thể, giao diện với người chơi? Làm sao không rơi vào lối mòn về ý tưởng? Nó đòi hỏi người thiết kế phải có nền tảng kiến thức rộng về các game trên thị trường kết hợp với khả năng đánh giá, phân tích tâm lý người dùng, có hiểu biết về kinh doanh, cũng như các kỹ thuật liên quan đến mỹ thuật và lập trình…

Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng game của người chơi. Ý tưởng “mới” có thể là ý tưởng hoàn toàn chưa có trước đây, nhưng điều này là rất khó khi có hàng ngàn game ra lò mỗi ngày trên khắp thế giới, và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Mới” ở đây cũng có thể là sự làm mới, làm khác những cái hiện hữu trong các game đã phát hành.  

Anh ngó qua những người đồng hành và nói thêm: “Từ một ý tưởng game đến một sản phẩm thực tế là cả một con đường dài, đòi hỏi người thiết kế phải có tầm nhìn tốt cũng như phải có sự hợp tác từ những bộ phận khác”.

Cuoc dan than vao nganh game

Họ phải làm việc với các họa sĩ, lập trình viên để đưa ra các nguyên bản (prototype)… Từ các nguyên bản, họ phải cho chạy thử nghiệm, hiệu chỉnh để phát triển thành phiên bản hoàn chỉnh trước khi phát hành. Giao tiếp, khả năng thuyết trình và lập kế hoạch cũng là yếu tố không thể thiếu của người thiết kế.

Có nhiều ý tưởng khi nghĩ ra nó nghe thật lạ, thật thú vị nhưng khi phân tích trong nhóm thì lại nhìn thấy nó không khả thi và phù hợp. Dường như, mỗi người thiết kế đều đã từng trải qua kinh nghiệm này nhưng nó là động lực buộc họ phải nghĩ xa hơn, rộng hơn và cả thực tế hơn dựa trên những phân tích về số liệu thực sự.

Nghe câu chuyện của Khiêm làm tôi không tránh khỏi tò mò. Làm sao kết nối với các toa tàu khác nhau để hiện thực hóa ý tưởng thiết kế? Suy nghĩ này đẩy tôi qua toa kế tiếp của các họa sĩ.    

Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là các bảng màu. Anh trưởng toa, Phạm Đình Thịnh giải thích cho tôi về “thú vui chơi với các màu sắc khác nhau”. Tôi liếc hình bảng màu của toa tàu này để cảm nhận cho riêng mình về sắc màu trong thế giới đồ họa của game.

Xung quanh họ là các bản vẽ, bút điện tử và màn hình vi tính. Bàn làm việc kiểu nghệ sĩ với những mảng màu và một chút bừa bộn... Mai Trang, họa sĩ phụ trách về hình ảnh ở đây giải thích rằng, người họa sĩ là người chịu trách niệm về phần hình ảnh, đồ họa của game dựa trên những ý tưởng của người thiết kế.

Đó có thể là nhân vật, bối cảnh, trang phục, diễn hoạt của nhân vật, làm sao tạo ra tác động thẩm mỹ cao làm người chơi say mê và cảm thấy thực sự thoải mái. 

Cuoc dan than vao nganh game

Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực nó là cả một quá trình nghiên cứu, phác thảo, lồng ghép, chỉnh sửa để cho ra kết quả mong muốn. Chỉ đạo nghệ thuật, người định hướng phong cách về mặt mỹ thuật cho game, sẽ đưa ra những lựa chọn phù hợp. 

Đó có thể là sự quay lại phong cách điểm ảnh (pixel art), hay đi theo phong cách hiện tại, đơn giản, thậm chí tối giản (minimalism), tả thực hay bán tả thực, hoặc theo phong các hoạt họa… 

Anh trưởng toa tâm đắc thêm vào: “Nếu mình muốn dựng một con thuyền, đừng vội vàng cố bắt mọi người đổ ra đi tìm gỗ, hay giao nhiệm vụ, công việc ngay, mà thay vào đó hãy dạy cho họ cách hiểu được sự mênh mông vô định của biển cả”.

Công việc của người họa sĩ ở đây cũng vậy, để ra được những phác thảo, người họa sĩ trước hết phải nghiên cứu đến yếu tố lịch sử, trang phục thời điểm trong cốt truyện… Nó yêu cầu người họa sĩ phải có nền tảng về lịch sử mỹ thuật, về văn minh, văn hóa...

Để tạo ra những nhân vật hay vật thể trong game, người họa sĩ phải hiểu về giải phẫu học (anatomy) người hay động vật, kiến trúc, các yếu tố về ánh sáng để bảo đảm sự hài hòa, cân đối và chuyển tải được nét mặt, sự biểu cảm, diễn hoạt của nhân vật. Ngoài kỹ năng kỹ thuật và kiến thức, sự sáng tạo và một bộ óc tưởng tượng sẽ làm nên sự khác biệt giữa các họa sĩ. 

Cuoc dan than vao nganh game

Cảnh tượng trên toa tàu này gợi tôi nhớ đến ước mơ tuổi thơ tôi là trở thành người làm phim hoạt hình. Tôi quay sang Trang hỏi người họa sĩ trong ngành game khác và giống người họa sĩ làm phim hoạt hình như thế nào? Cô vui vẻ chia sẻ: có một số điểm giống như ý tưởng (concept) về nhân vật, khung cảnh, yếu tố thẩm mỹ, kết cấu hình ảnh và chuyển động của nhân vật… 

Nhưng người làm game phải tạo ra các tài nguyên (assets) để dùng được trong các phần mềm, hệ thống xây dựng game. Những yếu tố này được chuẩn hóa theo nền tảng lập trình. Bên cạnh đó, đối với game, các tài nguyên này phải có tính tương tác với người chơi. Thấy tôi có vẻ còn mơ hồ, Trang chỉ tôi qua toa bên cạnh của những người lập trình viên.

Cuoc dan than vao nganh game

Hành trình của tôi lại tiếp tục đến thế giới của những đoạn mã (code). Không khí ở đây có vẻ trầm xuống. Các cậu con trai trông thật hiền hòa và ít nói. Các cô gái dường như rất được “cưng chiều” ở đây.

Thảo, trưởng phòng đào tạo lập trình viên, chào tôi thân thiện và giới thiệu về thế giới cô đang làm việc. Cô là người hướng dẫn cho các bạn lập trình mới cách viết các đoạn mã cho game chạy trơn tru, có thể dựa trên thư viện có sẵn hay tạo mới, tùy theo yêu cầu. Nó đòi hỏi người lập trình phải biết và thành thạo các ngôn ngữ lập trình như C++, Java, JavaScript…  

Cuoc dan than vao nganh game

Thảo biết tôi không phải là dân kỹ thuật nên đã giúp tôi liên tưởng, so sánh giữa việc làm một ứng dụng (app) và một game trên điện thoại. Trên điện thoại di động mà mỗi người đang dùng có nhiều ứng dụng khác nhau. Sự khác nhau giữa một ứng dụng và game di động trước hết là về phần đồ họa. Game được thiết kế theo các phong cách đồ họa đa dạng, trong khi các ứng dụng thì thiên về kiểu tiện dụng.

Về mặt âm thanh, game gồm nhiều loại âm thanh tạo nên cả một thế giới sống động như tiếng của nhân vật (tiếng gầm của sư tử, tiếng tru của chó sói...), âm thanh cho môi trường (tiếng chim hót trong rừng, tiếng sóng biển, tiếng gió thổi vi vu...). Đối với một ứng dụng, chủ yếu là thiết kế các âm thanh chức năng thông báo như báo lỗi, cảnh báo, thông báo.

Cuoc dan than vao nganh game

Về mặt thiết kế, game được thiết kế theo một luật chơi nhất định, thiết kế các độ khó qua các cấp độ khác nhau, thiết kế các kiểu chơi, cách chơi, hệ thống tính điểm hợp lý, hệ thống phần thưởng phù hợp với người chơi... trong khi ứng dụng được xây dựng theo từng phần với các tính năng sử dụng phù hợp. Phần khó và nổi trội của game là lập trình đồ họa, lập trình 3D (đối với những game 3D), kiểm tra va chạm vật lý, còn các ứng dụng thì cần nhiều về giải thuật, cấu trúc dữ liệu...

Thông tin nhân vật
Nam: Lê Thiện Khiêm (1984), trưởng phòng thiết kế; Nữ: Thanh Nhàn, chuyên viên thiết kế ở Gameloft Việt Nam.

Phạm Đình Thịnh (1985), trưởng phòng art, nhân vật nữ là Mai Trang, họa sĩ (1984) ở Gameloft Việt Nam. 

Thu Thảo (1986), trưởng phòng đào tạo lập trình viên Gameloft Việt Nam.

Nguyễn Việt Cường (1988), trưởng dự án (producer) nhóm phát triển game, Gameloft Việt Nam. 

Thách thức của người lập trình game là phải lập trình các hiệu ứng (effect), các hình ảnh chuyển động như hoạt hình (animation), mô tả không gian vật lý (physic simulation) và đồ họa (shader programming). Ngoài ra, sự thay đổi chóng mặt về công nghệ di động và game buộc lập trình game phải không ngừng cập nhật và 
thích ứng. 

Tôi quay lại thực tại và buột miệng: “Vậy làm sao đảm bảo game không bị lỗi nhỉ?”. Thảo chỉ tay vào phía sau mình và bảo tôi đến đó. Một toa dài với rất nhiều bạn trẻ ở đây. Phong cách họ hoàn toàn khác.

Hầu hết các bạn còn rất trẻ, sôi nổi. Họ vào vai chơi thử game và đùa nhau là đi bắt lỗi trong game. Nếu không đạt chuẩn, họ sẽ vỗ vai những người lập trình để yêu cầu chỉnh sửa. Quá trình thử nghiệm không chỉ dừng lại khi game được phát hành mà nó sẽ liên tục trong suốt vòng đời game để không ngừng cải tiến, nâng cấp và làm mới nó. Có như vậy mới giữ được sự hào hứng của người chơi. 

Trên con tàu này còn biết bao nhiêu toa lớn nhỏ khác nhau. Người lo phần âm thanh, người làm nghiên cứu và phát triển, người phân tích các chỉ số, người lấy phản hồi của khách hàng, người phụ trách thương mại điện tử, người kiểm soát và khai thác dữ liệu, người dịch thuật, quản lý thiết bị… Tất cả cùng kết nối, cùng làm việc với nhau với sứ mệnh là tạo ra những sản phẩm giải trí cho người chơi toàn cầu trên tất cả các nền tảng số. 
Tôi quay lại chỗ người lái tàu, anh Việt Cường, một thanh niên rất trẻ nhưng đầy bản lĩnh. Tôi gật đầu bảo anh: “Tôi xin giữ tấm vé và tiếp tục hành trình trên đoàn tàu này để cùng trải nghiệm sự thú vị nơi đây”. 

Nguyễn Nhã Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI