Cho phép 90% sản phẩm được tự công bố, nguy cơ người dùng lãnh đủ?

18/05/2018 - 06:00

PNO - Theo phân tích của chuyên gia an toàn thực phẩm (ATTP), nhiều “lỗ hổng” trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP (NĐ 15) sẽ tạo kẽ hở cho những đơn vị làm ăn không chân chính.

Không bắt buộc công bố chỉ tiêu chất lượng sản phẩm!?

NĐ 15 quy định tất các các sản phẩm (SP) đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có hai hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố SP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP (NĐ 15) thay thế  NĐ 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), cho phép doanh nghiệp(DN) tự công bố sản phẩm (SP), thay vì gửi bản hồ sơ công bố này tới các cơ quan nhà nước để xác nhận.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia an toàn thực phẩm (ATTP), nhiều “lỗ hổng” trong NĐ sẽ tạo kẽ hở cho những đơn vị làm ăn không chân chính.

Cụ thể, các nhóm SP phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường, bao gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; SP dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Còn các SP khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước do ủy ban nhân dân tỉnh  chỉ định.

Như vậy, có đến khoảng 90% SP được tự công bố. Sau khi công bố xong, DN được sản xuất và tự chịu trách nhiệm với SP của mình.

Tuy nhiên, BS.Trần Văn Ký – Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam, phân tích: NĐ 15 cho phép nhà sản xuất (NSX) được tự công bố SP nhưng trong quy định lại không bắt buộc NSX phải công bố chỉ tiêu chất lượng SP (hàm lượng dinh dưỡng SP) mà chỉ cần công bố chỉ tiêu an toàn của SP.

Như vậy, bất kỳ DN nào cũng có thể sản xuất được thực phẩm và cạnh tranh giá với những DN làm ăn chân chính khi họ chọn nguyên liệu giá rẻ, chất lượng kém để sản xuất SP và không quan tâm đến chỉ tiêu chất lượng SP khi luật không bắt buộc phải công bố.

“Ví dụ, chả lụa ngon ở hàm lượng đạm cao với thành phần chính là thịt nạc, nhưng khi không bắt buộc công bố hàm lượng dinh dưỡng thì thịt nạc dễ dàng bị thay thế bởi thịt dăm, mỡ, bột; phụ gia tạo mùi vị, độ dai, giòn…; dù hàm lượng dinh dưỡng bằng 0 vẫn được lưu hành.

Hay, một miếng thịt nạc bị hư được tẩy rửa hết vi sinh, độc chất so với một miếng thịt nạc tươi sẽ có gì khác nhau khi được dùng  sản xuất thực phẩm nếu không so sánh tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng?.

Lỗ hỏng này khiến các NSX chân chính khó cạnh tranh với những đơn vị sản xuất bát nháo và cuối cùng, người tiêu dùng (NTD) lãnh đủ”, BS. Ký lo ngại.

Cho phep 90% san pham duoc tu cong bo, nguy co nguoi dung lanh du?
Nhiều người tiêu dùng rất quan tâm đến chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng khi chọn mua sản phẩm.

Bên cạnh đó, NĐ 15 còn thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu. Trước đây, quy định kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các SP thuộc diện kiểm tra giảm, NĐ 15 quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do cơ quan hải quan chọn ngẫu nhiên và thực hiện việc kiểm tra hồ sơ.

Như vậy, có đến 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra nhà nước về ATTP. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này tạo thuận lợi tối đa cho DN, điều đó đồng nghĩa cơ quan quản lý nhà nước phải chấp nhận một tỉ lệ rủi ro nhất định.

Nhiều ý kiến lo ngại những qui định “thoáng” tại NĐ 15 sẽ tạo kẽ hở trong công tác kiểm soát ATTP. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), việc công bố các chỉ tiêu, hàm lượng dinh dưỡng phải căn cứ vào các quy chuẩn mà Bộ Y tế đã ban hành.

Nếu vi phạm công bố quá thấp hoặc quá cao, DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, bị xử lý nghiêm như: phạt tiền, thu hồi SP, ngừng sản xuất, bồi thường thiệt hại (nếu có)...

NĐ 15 quy định thế nào thì công tác kiểm kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước vẫn là quan trọng nhất. Cần tăng cường kiểm tra những đơn vị không công bố rõ ràng thông tin SP và xử phạt nặng để răn đe, nếu vi phạm các quy định về ATTP.

Song, theo BS. Ký, một khi luật không bắt buộc DN phải công bố chỉ tiêu chất lượng SP, DN không công bố thì có căn cứ gì để kiểm tra, chỉ kiểm tra chỉ tiêu an toàn mà theo quy định quốc tế, bất cứ SP nào cũng phải công bố chỉ tiêu an toàn.

“Theo tôi, để đảm bảo quyền lợi cho NTD và những NSX chân chính, cần thiết phải bổ sung công bố chỉ tiêu chất lượng SP để kiểm soát ATTP chặt chẽ hơn”, BS. Ký kiến nghị.

Quan trọng là kiểm soát chặt chẽ!

Trước những bất cập trên, nhiều lãnh đạo DN lớn cho rằng dù luật không bắt buộc họ vẫn công bố rõ chỉ tiêu chất lượng SP để NTD có cơ sở so sánh chất lượng SP và cũng là sự khẳng định về sự trung thực, uy tín, thương hiệu của mình.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho biết: thực tế, dù có ghi cụ thể hàm lượng thành phần cũng không chính xác, quan trọng là DN phải phân tích các chất dinh dưỡng trong SP thì NTD mới tin tưởng, yên tâm dùng SP. 

Ví dụ, nếu chỉ ghi “độ ngọt 10%” sẽ khác với ghi “độ ngọt 30% (không đường) vì NTD sẽ căn cứ và thông tin này và cảm nhận khi ăn sẽ biết vị ngọt từ đường hay vị ngọt tự nhiên từ trái cây. Nhà nước quy định thế nào thì lương tâm, uy tín của DN là quan trọng.

Dù luật có bắt buộc hay không bắt buộc công bố chỉ tiêu chất lượng SP, nhưng nếu SP không tốt cho sức khỏe thì chính DN sẽ phải trả giá, NTD sẽ tẩy chay SP vì NTD hiện nay rất thông minh, có nhiều thông tin để so sánh, đánh giá chất lượng SP và sẽ tẩy chay SP kém chất lượng, quay lưng với DN gian dối.

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Saigon Food, cho rằng: “Khi một NĐ mới ra sẽ luôn có hai mặt, đối với NĐ 15 không siết đầu vào thì sẽ phải kiểm soát chặt đầu ra bằng công tác hậu kiểm. Vậy nên, DN muốn giữ vững uy tín, thương hiệu của mình thì phải thực hiện chỉn chu, thậm chí tốt hơn. Tôi không lo ngại sự cạnh tranh ở những đơn vị sản xuất nhập nhèm, bởi NTD thừa khả năng nhận định, so sánh SP. Giữa một SP mập mờ thông tin và một SP có đầy đủ thông tin rõ ràng, chắc chắn NTD sẽ chọn SP ghi rõ chỉ tiêu chất lượng SP; thế nên chúng tôi vẫn tiếp tục công bố rõ thông tin này trên bao bì SP".

Đại diện Vinamit đưa ý kiến: khi dùng thành phần hóa hóa học để tạo màu, mùi, vị, độ dai giòn cho SP thì NSX phải công bố thành phần hóa học sử dụng là gì và hàm lượng bao nhiêu để NTD biết và quyết định dùng SP hay không.

Vì thực tế hiện nay có nhiều SP lạm dụng các chất hóa học dùng trong SP, trong khi nhiều nước trên thế giới đang trở về với những SP thuần hương, vị tự nhiên. DN nào muốn tồn tại thì phải học các giải pháp tiêu chuẩn của quốc tế, chứng minh được sự trung thực, trách nhiệm, thương hiệu của mình với NTD.

"Nhà nước nới lỏng cho DN bằng cách để DN tự chịu trách nhiệm khi đưa SP của mình ra thị trường; song, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tăng khung pháp lý, chế tài mạnh tay để răn đe những hành vi gây tổn hại đến sức khỏe con người, thậm chí phải truy tố hình sự”, ông Viên nói. 

Bảng thành phần dinh dưỡng có trên mỗi loại thực phẩm đóng gói, liệt kê hàm lượng của chất béo, béo tổng, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri, tổng số lượng chất bột, chất xơ thực phẩm, đường, đạm, vitamin và khoáng chất,....

Những thông tin này giúp NTD xác định được lượng calo và chất dinh dưỡng (chất béo, đường, đạm, vitamin và khoáng chất) có trong một khẩu phần thực phẩm, cho biết SP có tốt cho sức khỏe hay không.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI