Càng mạnh lên, Grab càng ép đối tác, người dùng

16/08/2017 - 00:05

PNO - Quyết định tăng mức chiết khấu đối với đối tác GrabBike khu vực Hà Nội thêm 5% (từ 15% lên 20%) đang gây ra bức xúc mạnh mẽ. Nhiều tài xế GrabBike bực bội phản đối bằng cách tắt ứng dụng, hoặc đặt cuốc xe ảo…

15% lên 20%, rồi sao nữa?...

“Xe ôm kiểu mới” hay còn gọi là “xe ôm công nghệ” GrabBike chính thức khai trương vào cuối tháng 11/2014, đến nay gần tròn 3 năm. Trong suốt khoảng thời gian này, dịch vụ GrabBike đã dần phát triển mạnh mẽ. Ban đầu, để kích thích tài xế gia nhập, Grab Việt Nam chỉ ấn định mức chiết khấu (Grab thu của tài xế xe ôm GrabBike từ tiền cước khách hàng chi trả) 15%.

Cang manh len, Grab cang ep doi tac, nguoi dung
Lượng người dùng đặt GrabBike thông qua ứng dụng ngày càng đông đảo.

Tuy nhiên gần đây, các tài xế GrabBike gia nhập mới, đã bị ấn định mức chiết khấu 20%, đồng thời công ty này cũng ra thông báo từ ngày 5/9 tới, đồng loạt các đối tác GrabBike hiện hữu tại Hà Nội và TP.HCM sẽ bị tăng chiết khấu lên 20% “nhằm đảm bảo một mức phí thống nhất, ngang bằng với mọi đối tác tài xế GrabBike tại cả hai thành phố, đồng thời nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ GrabBike…”, thông cáo phát đi từ bà Nguyễn Thị Thu An – Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam.

Song rất dễ nhận ra sự xảo biện “nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ GrabBike” vì rất chung chung mà không giải thích rõ khiến giới tài xế GrabBike băn khoăn. Tỉ lệ chiết khấu tăng thêm 5% là không nhỏ bởi đồng nghĩa với việc Grab có thêm nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ngày, thế nhưng các chính sách thưởng vẫn không có gì thay đổi và trên thực tế gánh nặng hoàn toàn đẩy về phía các tài xế. 

Chưa hết, trong hội nghị với đối tác GrabBike tại Hà Nội trong hai ngày 12-13/8/2017, đại diện phía Grab còn viện vào một lí do là hiện đối thủ cạnh tranh của Grab còn áp dụng mức chiết khấu lên đến 25%. Có nghĩa là, khả năng tăng tiếp mức chiết khấu đối với đối tác GrabBike của Grab Việt Nam hiện đang hoàn toàn để ngỏ.

Grab đang vin vào lí do “thống nhất” mức chiết khấu để tăng từ 15% lên 20%.

Trong tương lai, ai mà biết được, sẽ là một lí do nhằm “ngang bằng” mức chiết khấu với đối thủ cạnh tranh nên nâng tỉ lệ từ 20% lên 25%. 

Ngày 14/8 chúng tôi đã gửi email cho bà An đặt câu hỏi “Mức thu 20% đã là tối đa, hay còn tăng trong tương lai hay không?” thì không thấy bà này hồi âm, thay vào đó là một thông cáo khá chung chung được gửi đi thông qua công ty truyền thông như đã đề cập ở trên.

Hệ lụy đã nhãn tiền

Với việc Grab tăng mức chiết khấu đối với tài xế GrabBike từ 15% lên 20% và đưa ra thông tin mức chiết khấu của đối thủ cạnh tranh là 25%, cho thấy hệ lụy từ việc Grab mạnh lên ở thị trường Việt Nam đã nhãn tiền.

Riêng về mảng “xe ôm công nghệ”, hiện Việt Nam có GrabBike của Grab và UberMOTO của Uber, tuy nhiên dịch vụ GrabBike ra đời sớm và đang chiếm lĩnh thị trường. Con số xe GrabBike tại Việt Nam hiện nay là bao nhiêu chưa bao giờ được Grab chính thức công bố nhưng theo một số thông tin, đến cuối năm 2016, lượng GrabBike ở Hà Nội và TP.HCM đã hơn 20.000 xe.

Với lượng gia nhập mới mỗi ngày hàng trăm xe ở Hà Nội và TPHCM, đến nay đội ngũ GrabBike được cho là có số lượng “khủng”, minh chứng rõ nhất là màu áo, nón bảo hiểm GrabBike nhan nhản trên các đường phố tại TP.HCM và Hà Nội.

Cang manh len, Grab cang ep doi tac, nguoi dung
Càng mạnh lên, Grab sẽ càng ép đối tác, người dùng. 

Grab đang vin vào lí do “thống nhất” mức chiết khấu để tăng từ 15% lên 20%. Trong tương lai, ai mà biết được, sẽ là một lí do nhằm “ngang bằng” mức chiết khấu với đối thủ cạnh tranh nên nâng tỉ lệ từ 20% lên 25%. Một khi GrabBike tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng sử dụng nhiều, Grab gần như “một mình một chợ”, “nắm đằng chuôi” trong mối quan hệ với đối tác tài xế xe ôm thì việc xoay chuyển mọi chính sách là trong tầm tay. Khi đó, giới tài xế GrabBike có bức xúc, không hài lòng, không hợp tác nữa thì đã rơi vào tình thế “không mợ thì chợ cũng đông” rồi.

Về phía người tiêu dùng, một khi Grab ngày càng mạnh lên và GrabBike thống lĩnh thị trường, thì hệ lụy tăng giá cước là một khả năng. Đây là toan tính nói chung của các nhà cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế thị trường hiện nay: khi mới bắt đầu, để mời gọi đối tác và để người tiêu dùng quen với thương hiệu và dịch vụ thì đưa ra chính sách ưu đãi cao, mức phí/cước rẻ; đến khi đã mạnh lên và chiếm lĩnh đa phần thị trường, thì bắt đầu “giở dói” ép đối tác và người tiêu dùng.

Grab Việt Nam đang cho thấy khuynh hướng như vậy, giống như thời kì đầu mới vào Việt Nam của taxi Uber khi được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận cũng đã giở lắm chiêu chính sách “ép dầu ép mỡ” các tài xế.   

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI