Bát nháo thị trường dược mỹ phẩm: Kiểm đâu, sai đó

16/07/2018 - 08:37

PNO - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg về tăng cường kiểm tra, giám sát hàng giả, kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền.

Trong đó nêu rõ, sẽ xử lý người đứng đầu nếu không khắc phục tình trạng bát nháo này. Những ngày gần đây, lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM liên tục ra quân kiểm tra nhưng  đụng đến đâu gặp sai phạm đến đó. 

Thời của hàng Thái giả hàng hiệu

Nếu như trước đây, khi mua mỹ phẩm hàng hiệu, người tiêu dùng có thể bị mua nhầm hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng hiện nay, nhiều loại mỹ phẩm nhái hàng hiệu lại có nguồn gốc từ Thái Lan.

Tại sạp Cô Bê (chợ Thái Bình, Q.1, TP.HCM), chủ sạp giới thiệu với chúng tôi loại mỹ phẩm làm trắng da, tẩy tế bào chết của thương hiệu The Face Shop (Hàn Quốc).

Theo hướng dẫn, chỉ cần bôi mỹ phẩm này lên da, sau đó thoa nhẹ thì lớp tế bào chết sẽ bong tróc nhẹ nhàng, không gây đau đớn. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là loại kem này chỉ có giá 35.000đ/tuýp 300ml.

“Hàng Thái Lan nhái mới có giá này, chứ hàng The Face Shop thật làm gì có giá đó” - chủ sạp khẳng định. Quan sát kỹ mới phát hiện những dòng chữ Hàn in trên vỏ sản phẩm không được tinh tế bằng sản phẩm thật. Mặc dù là hàng nhập khẩu và bày bán tại chợ, nhưng trên vỏ sản phẩm không hề có nhãn phụ - theo Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM thì đây là dấu hiệu chứng tỏ hàng nhập lậu. 

Bat nhao thi truong duoc my pham: Kiem dau, sai do
Cơ quan chức năng thu giữ sản phẩm sai phạm trong đợt kiểm tra mới đây tại TP.HCM.

Cũng theo chủ sạp Cô Bê, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là sử dụng hàng hiệu nhưng giá không quá đắt. Trước đây, phần lớn mỹ phẩm nhái thương hiệu lớn đều có xuất xứ từ Trung Quốc thì nay không hiểu sao thị trường lại chủ yếu hàng Thái Lan nhái.

Tâm lý khách hàng khi nghe người bán thừa nhận hàng Trung Quốc thì họ sẽ e ngại, sợ chứa thành phần độc hại, nhưng khi nghe của Thái Lan, khách lại vui vẻ sử dụng và cho rằng an toàn hơn. 

Tại khu mỹ phẩm chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), chúng tôi hoa mắt với hàng trăm chủng loại kem dưỡng da, mỹ phẩm trang điểm thuộc các thương hiệu từ Nhật, Úc nhưng lại được tiểu thương khẳng định hàng Thái Lan. Riêng mỹ phẩm trang điểm (phấn phủ, phấn mắt, son môi…) thì hàng Trung Quốc vẫn đứng đầu vì họ có “công nghệ” sản xuất mỹ phẩm trang điểm bám dính lâu nhưng giá thành rẻ.

Chị tiểu thương đưa chúng tôi xem một số sản phẩm của Nhật, Mỹ như: Shiseido, Estée Lauder, Clé de Peau Beauté… rồi khuyên chúng tôi cứ yên tâm lấy về bán vì khách sẽ nghĩ hàng hiệu chứ không nghĩ hàng Thái Lan.

Thực chất, theo chị này tiết lộ thì loại có dòng chữ made in Japan vẫn là hàng Thái Lan; giá sản phẩm nhỉnh hơn khoảng 10% so với loại ghi rõ made in Thailand, hình thức trông có vẻ sang hơn. 

Không riêng mỹ phẩm, hiện thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm. Hiện TPCN được bày bán khắp nơi, từ nhà thuốc tây, hiệu thuốc Đông y, siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Vinmart… đến các kênh bán hàng online. Chủng loại khá đa dạng từ sữa, trà giảm cân, trà thảo dược đến bột dinh dưỡng.

Tại nhà thuốc Hải Huy (đường Bùi Văn Thủ, H.Hóc Môn, TP.HCM), nhân viên giới thiệu loại viên uống giảm cân Best Slim USA (Mỹ), giá 700.000đ/hộp. Mặc dù sản phẩm bán tại nhà thuốc nhưng trên nhãn phụ không hề có thông tin của nhà nhập khẩu, phân phối, chỉ có hướng dẫn cách sử dụng, chống chỉ định.

Khi chúng tôi thắc mắc, chị chủ tiệm ỡm ờ: “Chắc thông tin đã bị chị xé rồi. Nhưng đây là sản phẩm của Mỹ nên em cứ yên tâm”. Trong khi đó, quan sát chỗ khui vỏ hộp thì không hề thấy dấu hiệu nào bị xé bỏ, hộp vẫn còn nguyên.

Nên công khai trên báo, đài để người dân biết

Liên tục những ngày vừa qua, tổ công tác 334 (Bộ Công thương) phối hợp với Chi cục QLTT TP.HCM đã ra quân tổng kiểm tra trên 70 cơ sở, điểm kinh doanh mỹ phẩm, TPCN, thuốc y học cổ truyền đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm.

Tại nhà thuốc Y học dân tộc tư nhân Vĩnh Xuân (313 Nguyễn Trãi, P.7, Q.5) chuyên bán các loại cao đơn hoàn tán ngoại nhập và nội địa, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm là TPCN do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Theo số liệu từ Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm TPCN đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên cả nước đang bán TPCN.

Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.

Tại cửa hàng Mai Châu Supply (406 Nguyễn Trãi, P.8, Q.5), đoàn kiểm tra thu giữ hàng ngàn sản phẩm các loại sơn móng tay, mỹ phẩm, dầu gội… Đại diện cửa hàng không trưng ra được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến sản phẩm bày bán trong cửa hàng. Bên cạnh đó, hàng giả tại cửa hàng này cũng rất nhiều.

Khi được hỏi về nơi cung cấp, đại diện Mai Châu lúc đầu cho biết mua ở chợ Kim Biên, sau đó lại bảo mua trên mạng… Điều đáng nói, cửa hàng này đã từng bị QLTT kiểm tra, xử phạt vào năm 2017 nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.

Khi đoàn kiểm tra nhiều cửa hàng tại chợ sỉ thuốc Tây ở Q.10, cũng đã thu giữ 14 thùng TPCN; chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Minh Sang.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế nói: “Đã đến lúc chúng ta cần nhanh chóng xây dựng quy chế riêng về quản lý TPCN, tạo cơ sở pháp lý để loại trừ sự nhập nhèm của nhà sản xuất, kinh doanh TPCN chất lượng thấp. Không thể để tiếp diễn mãi tình trạng bát nháo, vàng thau lẫn lộn như hiện nay và phải tiệm cận một nền sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản phẩm tốt (GMP) trong tương lai gần”.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM nhìn nhận, việc triển khai kiểm tra của QLTT luôn thường xuyên, nhưng có những thời điểm cần triển khai quyết liệt, tập trung để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả. “Tuy nhiên, địa bàn TP.HCM rộng, việc kinh doanh cũng phức tạp nên để kiểm tra sâu sát hết các điểm kinh doanh là không dễ”.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT (Bộ Công thương) cho rằng, việc kinh doanh, buôn bán hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế, môi trường đầu tư; uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Tôi đề nghị khi cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc sai phạm về kinh doanh hàng gian hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì nên công khai trên báo, đài để người dân được biết” - ông Hùng nói. 

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định xử phạt hành chính 5 công ty với tổng số tiền phạt là 298 triệu đồng; buộc các cơ sở tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm; cải chính thông tin theo quy định. Cụ thể:

1. Công ty TNHH thực phẩm VINA (315 Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú, TP.HCM) bị phạt 85 triệu đồng vì có hai hành vi sai phạm: viên nang Mát gan thông mật, viên nang Bổ thận, viên nang Đau nhức toàn thân - thần kinh tọa, viên nang Bao tử đại tràng… quảng cáo trên website danglai.com.vn mà không xin phép, thẩm duyệt nội dung; gây hiểu lầm là thuốc. 

2. Công ty TNHH SX-TM Đông dược Thiên Phúc (808 Cách Mạng Tháng Tám, P.4, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) sản xuất trà túi lọc Thiên Phúc nhưng không xin phép. 
3. Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Hoa Sen (số 18 lô 10B khu đô thị Trung Yên, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) quảng cáo viên uống dưỡng tóc Green Hair Hoa Sen gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

4. Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế USA (61A1 khu đô thị Đại Kim, Định Công, P.Định Công, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) sản xuất và buôn bán sản phẩm Lactomin New nhưng không có giấy công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. 

5. Công ty TNHH dược mỹ phẩm Quyên Lara Việt Nam (số 54 ngõ 25B phố Cát Linh, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) với hai sản phẩm Thảo dược tăng cân và Trà thảo dược giảm cân tan mỡ bị ba sai phạm: nơi sản xuất không giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy công bố phù hợp quy chuẩn an toàn thực phẩm nhưng vẫn tiến hành sản xuất và đem bán ra thị trường.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI