Ân Nam Gourmet thiếu tôn trọng khách hàng

14/05/2018 - 11:45

PNO - Sáng thứ Bảy, ngày 12/5, tôi đưa con gái nhỏ đi ăn sáng tại Ân Nam Gourmet (16-18 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé,Q.1,TP.HCM). Khi tôi đeo túi xách bước qua cửa, có tiếng kêu phát ra từ bộ phận cảm biến, nhưng anh bảo vệ không nói gì.

Sau khi dùng điểm tâm ở khu vực nhà hàng lầu 1, chúng tôi rời đi. Khi trở ra cửa, tiếng báo động từ bộ phận cảm biến lại phát lên. Lập tức, từ bảo vệ đến hai nhân viên, kể cả chị lao công, đều kéo ra. 

Tôi trình bày diễn tiến, còn diễn giải thêm rằng, túi xách tôi có nhiều thẻ từ, có thể dẫn tới phản ứng từ tính khiến cảm biến kêu. Nhưng họ không chấp nhận, một mực đòi lục soát túi xách của tôi với ánh mắt và thái độ nghi ngờ, không một lời xin phép trước khi đặt vấn đề muốn kiểm tra túi xách của khách hàng. 

An Nam Gourmet thieu ton trong khach hang

Tôi đề nghị các nhân viên trở lại lầu 1, xem hóa đơn thanh toán và mời nhân viên phục vụ điểm tâm xuống để đối chứng. Họ cũng không đồng ý. Sau cùng, có một nhân viên khác đến, chấp thuận lý lẽ của tôi về việc quản lý Ân Nam Gourmet cần kiểm tra độ chính xác của kỹ thuật cảm biến ở khu vực cửa ra vào. Chúng tôi được phép rời đi. Dĩ nhiên, chả một lời xin lỗi nào được đưa ra. 

Xin nói thêm, ngoài việc kiểm tra độ chính xác của máy móc thì Ân Nam Gourmet nên kiểm soát lối ứng xử của một bộ phận nhân viên, nhất là thái độ tôn trọng tối thiểu dành cho khách hàng, vốn là thước đo văn hóa thương nghiệp.

Trong trường hợp này, chúng tôi sẵn sàng hợp tác nếu nhận được thái độ lịch sự, văn minh chứ không phải là kiểu ngờ vực, yêu cầu, chưa kể nhiều nhân viên ào tới, bao lấy chúng tôi như thể đối phó, xử trí với kẻ gian. 

Từ chuyện này, tôi chợt nhớ câu chuyện từng xảy ra với tôi, ở Nhật. Vào một ngày trời lạnh, sau giờ học, tôi vào siêu thị để mua một đôi găng tay. Sau một hồi lựa chọn, tôi vẫn không tìm được loại chất liệu và màu sắc ưng ý nên ra về. Ra tới nhà xe, một nhân viên có tuổi chạy theo và đòi lục soát ba-lô của tôi vì cho rằng, tôi chưa tính tiền đôi găng tay. Tôi trình bày bằng tiếng Anh, bà ấy lại nói tiếng Nhật. 

Sau một hồi, quản lý siêu thị đến, tôi trao đổi về sự nghi ngờ của nhân viên và đề nghị trở lại quầy găng tay. Mọi việc sáng tỏ ngay lập tức, người quản lý xin lỗi tôi rồi tất bật chạy đi. Khi tôi vừa ra tới cửa thì toàn bộ nhân viên của siêu thị cùng người quản lý xếp hàng, đồng loạt cúi đầu xin lỗi tôi. 

Riêng người quản lý vẫn cố gắng bày tỏ sự ân hận, cả trong lời nói lẫn ánh mắt khi tôi nói, tôi cảm thấy bị tổn thương. Lúc trở lại lớp học, hai người bạn Nhật nghe kể chuyện này liền đề nghị cùng tôi quay lại siêu thị để “làm căng”, nhưng tôi cảm ơn và từ chối bởi với tôi, thế là đã đủ cho một thái độ hành xử. 

Trở lại câu chuyện vừa xảy ra tại Ân Nam Gourmet, tôi nghĩ, nguồn thực phẩm sạch, cách bày biện rất văn minh phải cần đi cùng thái độ phục vụ, ứng xử tương xứng. Thái độ của nhóm nhân viên trên đã cho thấy sự kém cỏi, thiếu chuyên nghiệp của Ân Nam Gourmet, thể hiện thái độ thiếu tôn trọng khách ta của một thương hiệu có vẻ rất Tây. 

Trương Ái Trân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI