Amazon 'thách thức' Alibaba khi tấn công vào thị trường Việt Nam

13/03/2018 - 15:36

PNO - Tập đoàn Amazon chính thức ra mắt dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam với mục tiêu đưa đối thủ Trung Quốc là Alibaba Group Holding vào cuộc chiến khốc liệt tại một trong những thị trường trực tuyến phát triển nhanh nhất...

Công ty này đã hợp tác với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), có 140 thành viên, là một trong những nhóm doanh nghiệp trực tuyến lớn nhất trong nước.

Đây sẽ là lần đầu tiên VECOM tham gia vào ngành thương mại điện tử. Quan hệ đối tác này sẽ giúp Amazon tăng cường các sản phẩm có sẵn trên nền tảng và cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương bán và xuất hàng hoá của họ thông qua nền tảng này.

Amazon 'thach thuc' Alibaba khi tan cong vao thi truong Viet Nam
Amazon thách thức Alibaba khi tấn công vào thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Hiệp hội đã có cuộc gặp với đại diện của Amazon vào năm ngoái để thảo luận về kế hoạch mở rộng của Tập đoàn Mỹ này tại Việt Nam.

Amazon dự kiến ​​sẽ tiết lộ chi tiết kế hoạch của mình vào ngày 14 tháng 3 tại Diễn đàn Doanh nghiệp Trực tuyến Việt Nam 2018 được tổ chức tại Hà Nội. Tập đoàn thương mại điện tử đầu tư vào Việt Nam sau khi đã tiếp cận thị trường Singapore vào năm ngoái.

Amazon đã đi sau các đối thủ Trung Quốc trong việc đầu tư tại thị trường Việt Nam. Alibaba chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào năm ngoái và tuyên bố đã đạt được hàng chục ngàn thành viên kinh doanh chỉ sau nửa năm. Theo khảo sát mới nhất của các cơ quan chức năng ở Việt Nam, có khoảng 200 công ty Việt Nam đang bán các mặt hàng trên Amazon.

Tập đoàn Trung Quốc này cũng đã tăng cường quyền sở hữu của mình trong Tập đoàn Lazada từ 51% lên 83% vào tháng 6 năm ngoái. Lazada là công ty thương mại điện tử hoạt động phổ biến ở Đông Nam Á, hiện là nhà bán lẻ điện tử lớn nhất tại Việt Nam, kiểm soát khoảng 30% thị trường mua sắm trực tuyến cả nước.

Động thái này cho phép Alibaba nhanh chóng xâm nhập vào thị trường thương mại điện tử của Việt Nam và đưa sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng địa phương thông qua mô hình từ doanh nghiệp trực tiếp đến với khách hàng.

Theo báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thương mại điện tử tại Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn cầu. Năm 2016, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam tăng 23% lên 5 tỷ USD, chiếm 3% tổng doanh thu bán lẻ trong nước. Tốc độ tăng trưởng được ước tính là 25% so với năm 2017, và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong ba năm tới.

Doanh thu hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam dự kiến ​​đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ. Trong năm 2017, hơn 90% nguồn đầu tư vào thương mại điện tử Việt Nam bắt nguồn từ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Các tên tuổi nổi tiếng trên thị trường bao gồm Lazada, Tiki, Vatgia, Hotdeal, Shopee, Nguyenkim, Adayroi, Thegioididong, Sendo, FPT Shop và Careerlink.

Vân Anh (theo Nikkei)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI