Amazon gây sốc khi áp dụng chương trình 'trả thưởng để nghỉ việc'

22/05/2018 - 16:10

PNO - Tại Amazon, có một giải pháp cho những nhân viên không còn muốn làm việc ở đó nữa - chính là: trả tiền cho họ nghỉ việc.

Nhân sự luôn là một vấn đề chủ chốt của một doanh nghiệp. Có bao giờ bạn nghĩ rằng sẽ được “trả thưởng” để nghỉ việc không? Amazon đã làm vậy!

Tuy nhiên, việc này không phải vì bạn không làm tốt công việc, mà để giúp bạn thật sự nhận thấy rằng mình có yêu thích công việc hiện tại hay không?

Amazon gay soc khi ap dung chuong trinh 'tra thuong de nghi viec'
Bên trong trụ sở Amazon

Tại Amazon, có một giải pháp cho những nhân viên không còn muốn làm việc ở đó nữa - chính là: trả tiền cho họ nghỉ việc. Mỗi năm một lần, công ty đề nghị thanh toán các cộng tác viên toàn thời gian tại các trụ sở của Amazon với mức có thể lên đến 5.000 USD/người, để họ rời khỏi công ty.

Tất cả nhân viên sẽ đủ điều kiện sau 1 năm làm việc, nhưng kèm theo một cảnh báo: Những người chấp nhận đề nghị này sẽ không bao giờ có thể trở lại làm việc tại Amazon nữa. 

"Chúng tôi muốn những người làm việc tại Amazon là những người thật sự muốn ở đây", phát ngôn viên của Amazon, Melanie Etches cho biết lý do của chương trình. "Về lâu dài, việc ở lại tại một nơi nào đó mà bạn không yêu thích làm ảnh hưởng đến các nhân viên còn lại cũng như cả công ty." 

Công ty cung cấp 2.000 USD cho các nhân viên đã làm việc 1 năm và đề nghị tăng 1.000 USD cho mỗi năm cống hiến sau đó, tối đa là 5.000 USD.  

Chương trình này, được gọi là “Pay to Quit”, lần đầu tiên được thực hiện bởi nhà bán lẻ giày trực tuyến Zappos, hãng mà Amazon đã mua lại vào năm 2009. Tuy áp dụng chương trình này, nhưng Amazon tuyên bố rằng họ thực sự không muốn các nhân viên chấp nhận lời đề nghị. Trên thực tế, ghi chú nổi bật trên đơn áp dụng chương trình lại ghi là "Xin đừng chấp nhận đề nghị này", theo ý của ông Jeff Bezos - người sáng lập và giám đốc điều hành.

Amazon gay soc khi ap dung chuong trinh 'tra thuong de nghi viec'
Ông Jeff Bezos - người sáng lập và CEO Amazon.

Vậy tại sao lại áp dụng chương trình “Pay to Quit”? 

"Mục tiêu của chương trình là khuyến khích mọi người dành một chút thời gian và suy nghĩ về những gì họ thực sự muốn", ông Bezos viết trong một lá thư gửi cổ đông vào năm 2014. Và theo ghi nhận của Amazon, rất ít người chấp nhận đề nghị của chương trình. 

Xem xét trả thưởng với mức rất cao đánh vào thu nhập của nhân viên, khuyến khích nhân viên bỏ việc có thể giống như một chiến lược kinh doanh phản khoa học. Nhưng theo Michael Burchell, chuyên gia văn hóa nơi làm việc và tác giả cuốn sách "Nơi làm việc tuyệt vời: Cách xây dựng, giữ gìn và vì sao nó lại có vấn đề", việc phản khoa học này lại thực sự giúp tăng cường sự gắn kết của nhân viên và hiệu quả về chi phí trong thời gian dài.

Ông Burchell cho rằng sự gắn bó của nhân viên có xu hướng: cam kết ở lại và tự giác nỗ lực. Trong khi Pay to Quit có thể không nhất thiết làm cho nhân viên làm việc chăm chỉ hơn, nhưng, nó giải quyết vấn đề cam kết ở lại. 

Amazon gay soc khi ap dung chuong trinh 'tra thuong de nghi viec'
Nhân viên tại Amazon.

Burchell nói: "Nếu bạn chọn không lấy tiền và chọn ở lại, điều đó có nghĩa là bạn đã thực sự cam kết với công ty và cam kết với công việc của mình". "Nó giúp tạo ra thoả thuận ràng buộc ngầm giữa nhà tuyển dụng và người lao động, hay như là một hợp đồng tâm lý." 

Trong thực tế, các nhân viên từ chối lời đề nghị thường có tâm lý thể hiện sự gắn kết để có thể có những đề xuất khác với công ty, Burchell nói. Điều này làm cho họ gắn kết hơn, hiệu quả hơn và cuối cùng nhau làm tăng lợi nhuận của Amazon. 

Một nghiên cứu của Gallup cho thấy, các công ty có mức độ nhân viên cam kết gắn bó lâu dài có hiệu suất làm việc cao hơn 21% so với các công ty khác. Trong khi nghiên cứu từ trường Kenan-Flagler của UNC nhận thấy rằng các công ty có nhân viên gắn kết lâu dài có doanh thu trong 3 năm cao gấp 2.3 lần so với các công ty có nhân viên cống hiến ở mức độ trung bình. 

Mặt khác, cũng theo Burchell, những người lao động lười nhát thường có xu hướng dễ chấp nhận lời đề nghị này, và những loại nhân viên này gây tổn thất cho công ty một số tiền đáng kể.

Theo Gallup, với một nhân viên lười biếng, một người không hài lòng và không có hiệu quả trong công việc, chi phí công ty dành cho họ vào khoảng 3,400 USD cho mỗi 10,000 USD tiền lương, tầm 34%. Điều đó có nghĩa là một nhân viên thảnh thơi kiếm được 70.000 USD mỗi năm thì công ty của họ mất 23,800 USD chi phí.

"Bằng cách áp dụng chương trình này, Amazon có thể loại bỏ các nhân viên lười nhát", Burchell nói. Mặc dù công ty có thể phải bỏ ra nhiều tiền hơn để thay thế và đào tạo lại một người nào đó trong thời gian ngắn hạn; tuy nhiên, người được thay mới vào có thể mang lại hiệu suất làm việc cao hơn.

"Chương trình thật sự có giá trị về tài chính đối với doanh nghiệp trong thời gian dài".

Vân Anh (theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI