30% của Grab và sự thụ động của cơ quan chức năng

10/04/2018 - 07:00

PNO - Grab Việt Nam bị yêu cầu báo cáo thương vụ sáp nhập Uber. Tuy nhiên Grab đã có công văn giải thích với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng rằng “không phải thông báo” theo luật định vì thị phần sau sáp nhập dưới 30%.

Song con số thị phần dưới 30% do Grab đưa ra, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, chưa có căn cứ chứng minh. Và tiếp theo, cục khuyến nghị Grab cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kĩ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, là cơ quan chức năng quản lí về lĩnh vực cạnh tranh và chống độc quyền, lại không thể độc lập xác định thị phần của đối tượng bị xem xét (ở đây là Grab Việt Nam sau khi sáp nhập Uber) mà lại chờ chính đối tượng bị xem xét báo cáo, xác định thị phần của mình?

30% cua Grab va su thu dong cua co quan chuc nang
Con số thị phần dưới 30% do Grab đưa ra, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, chưa có căn cứ chứng minh. 

Trong trường hợp như Grab liệu có ai muốn mình trở thành đối tượng vi phạm luật cạnh tranh và chống độc quyền, và không lẽ lại đi “lạy ông con ở bụi này”?

Về thị phần của Grab hay Uber tại Việt Nam trước đây có nhiều cách để phân định mà cho đến nay chưa ngã ngũ từ phía các cơ quan quản lí cho đến doanh nghiệp. Grab luôn muốn mình được công nhân là doanh nghiệp công nghệ, đưa ra phương tiện kết nối hành khách với tài xế, để tránh bị quản như một doanh nghiệp dịch vụ vận tải.

Trường hợp xác định Grab là loại hình doanh nghiệp như vậy thì sau thương vụ sáp nhập Grab đã chiếm thị phần gần như tuyệt đối tại Việt Nam vì hiện nay các ứng dụng đặt xe Việt gần như không đáng kể.

Trường hợp nếu nhìn nhận Grab là doanh nghiệp taxi như loại hình taxi truyền thống, thì con số dưới 30% thị phần của Grab sau khi thâu tóm Uber có thể khả dĩ. Song nếu như thế thì chẳng khác nào Grab “gậy ông đập lưng ông” và từ nay về sau phải chịu bị áp từ chính sách thuế cho đến quản lí, điều kiện kinh doanh… như taxi truyền thống.

Trường hợp thứ ba, Grab được xem là loại hình taxi công nghệ, thì sau khi thâu tóm Uber, Grab vẫn là doanh nghiệp giành được “miếng bánh” lớn trong thị phần taxi công nghệ nói chung. Bởi thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam trong bốn năm trở lại đây gần như nằm trọn trong tay Grab và Uber.

Nhưng cho dù Grab sau sáp nhập là doanh nghiệp thuộc loại hình nào đi nữa thì trong vụ việc xác định Grab có vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế và chống độc quyền tại Việt Nam hay không vẫn là nhiệm vụ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Một cục quản lí chức năng, sao chỉ có thể ngồi chờ báo cáo để xem xét và phán quyết, vì sao không chủ động tìm hiểu, xem xét và đánh giá từ các dấu hiệu để kịp thời đưa ra các biện pháp tạm thời để xử lí?

Tạm không bàn đến tỉ lệ thị phần do Grab có xác định đúng phương pháp hay không và Grab với thương vụ thâu tóm có vi phạm luật cạnh tranh hay không. Trước hết cứ nhìn vào cách giải quyết vấn đề của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong vụ việc này, dư luận cảm thấy một sự nửa vời, mà không biết Cục này đang thực sự bảo vệ ai.

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI