Dân công hỏa tuyến - Những người hùng thầm lặng

06/05/2014 - 15:23

PNO - PN - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có những con người thầm lặng, không trực tiếp cầm súng ra trận, không danh hiệu và huy chương ngày chiến thắng… nhưng họ là một phần không thể thiếu, tạo nên khúc khải hoàn ca...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dan cong hỏa tuyén - Nhũng nguòi hùng thàm lạng
Đoàn dân công thồ hàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Gùi gạo 300km đường rừng

Mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ đến gần, ông Trịnh Quang Thềm (Hợp Lý, Triệu Sơn, Thanh Hóa) lại bồi hồi khác thường. Người đội trưởng Đội dân công hỏa tuyến xã Hợp Lý ngày nào nay đã bước qua tuổi tám mươi, nhưng những ký ức về một thời cõng gạo vượt rừng, vượt thác… vẫn còn nguyên vẹn. Trong câu chuyện của ông, ngoài những ký ức hào hùng của chiến thắng, của lòng nhiệt huyết tuổi thanh xuân; còn là những giọt mồ hôi, nước mắt và máu của đồng đội.

Từ năm 1950 - 1953, Thanh Hóa là địa phương còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi chiến dịch Điện Biên Phủ được phát động, người người, nhà nhà vẫn dành từng lon gạo để đưa ra tiền tuyến. Chàng thanh niên Trịnh Quang Thềm năm ấy vừa tròn 21 tuổi đăng ký tham gia vào đội dân công hỏa tuyến. “Ngày được tuyển chọn, tôi vừa hồi hộp, vừa phấn khích. Mẹ tôi thì ngược lại, bà thức trắng nhiều đêm vì lo lắng. Trước ngày tôi lên đường, mẹ ứa nước mắt bảo, nhà chẳng có gì, mẹ chỉ may được cho con hai chiếc quần ngắn và một tấm áo cộc để làm hành trang”, ông Thềm xúc động nhớ lại những ngày đầu tham gia chiến dịch.

Trịnh Quang Thềm được phân làm đội trưởng của Đội dân công hỏa tuyến xã Hợp Lý. Việc chuyển lương thực lên Điện Biên Phủ được tổ chức dưới nhiều hình thức, nhóm chuyên chở gạo bằng xe thồ, nhóm chuyên dắt bò, dắt trâu… Còn đơn vị do Trịnh Quang Thềm phụ trách thì chuyên gùi gạo. Phương tiện của họ không có gì ngoài đôi chân trần và chiếc bồ chứa 20 - 25kg gạo trên lưng. Quãng đường vận chuyển gạo của ông và đồng đội thường bắt đầu từ Ngọc Lặc tới Quan Hóa (Thanh Hóa) rồi tiếp tục đưa lên Tuần Giáo (Lai Châu). “Chặng đường Ngọc Lặc - Quan Hóa, chúng tôi đi nhiều lắm, đếm không xuể, nhưng đưa lên tới Lai Châu thì tổng cộng có bảy lần. Với một tuyến “dài hơi” như thế, anh chị em phải đi tới gần 300km đường rừng. Kết thúc chiến dịch, tổng số gạo chúng tôi đã vận chuyển được lên Điện Biên là 35 tấn”, ông Thềm kể lại.

Dan cong hỏa tuyén - Nhũng nguòi hùng thàm lạng
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ

“Hạt gạo là một hạt vàng”

Ngay trong lần tải gạo đầu tiên, đơn vị của ông Trịnh Quang Thềm đã bị máy bay địch phát hiện. Ông nhớ lại: “Hôm ấy, chúng tôi ra tới cầu Hòa Bình, vào khoảng 16g30 thì máy bay địch bất ngờ xuất hiện và bắn phá dữ dội. Toàn đơn vị dạt lên đồi trú ẩn. Chừng 30 phút sau, thấy tình hình có vẻ yên, chúng tôi định tiếp tục hành trình thì máy bay địch bất ngờ quay lại và bắn liên tục trong vòng một tiếng. Lần đầu tiên đối mặt với chiến trường khốc liệt, thực sự là cú sốc với anh chị em trong đoàn. Do trú ẩn kịp nên chúng tôi chỉ mất vài bồ gạo”. Rút kinh nghiệm từ chuyến đi đầu, đơn vị ông Thềm chuyển hẳn việc tải gạo vào ban đêm để tránh máy bay địch.

Xuyên rừng trong đêm, những đoạn dốc cheo leo chỉ vừa một người đi vẫn chưa phải là điều khủng khiếp nhất. Không ít đoàn dân công đã phải đổi cả tính mạng để chuyển gạo qua suối dữ, thác ghềnh. Ông Thềm ngậm ngùi gạt nước mắt khi kể về đồng đội đã hy sinh: “Khi chúng tôi vào địa phận Hòa Bình thì nhận được tin anh Nguyễn Xuân Khu, đội trưởng của đơn vị đi trước đã bị lũ cuốn trôi. Sau khi đã đưa từng người trong đoàn và toàn bộ số gạo sang sông an toàn anh kiệt sức nên không kịp trở vào bờ…”.

Đi xuyên rừng, đơn vị của ông Thềm cũng có phen thất kinh khi gặp lũ cuốn ở Suối Rút (Hòa Bình) trong lần tải gạo thứ năm lên Tuần Giáo. Vào khoảng 19g, một trận mưa rừng ào ạt trút xuống khiến nước ở Suối Rút dâng cuồn cuộn. “Nam giới trai tráng vượt qua đã khó, huống chi cả đơn vị có tới 100 chị em chân yếu tay mềm”, ông Thềm nhớ lại. Trong lúc đang loay hoay thì Nguyễn Mạnh San, một dân công trong đội nảy sinh ý tưởng vượt suối để lấy tre kết thành bè. Khoảng chục thanh tre được cột tròn lại, một đầu San kéo bè qua suối, đầu còn lại đồng đội bám chặt vào để không bị nước cuốn trôi. Cứ như thế, trong một đêm, San đã đưa tất thảy 45 lượt người sang bờ an toàn. Khi thần chết đã lùi lại phía sau, họ trấn tĩnh nhau bằng một câu hò: “Hạt gạo là một hạt vàng/Khi gánh trên đàng đừng để gạo rơi”.

Dan cong hỏa tuyén - Nhũng nguòi hùng thàm lạng
Ông Trịnh Quang Thềm, đội trưởng dân công hỏa tuyến

Tinh thần thép của nữ dân công

Trong đội dân công ông Thềm phụ trách có tới 100 nữ, lúc bấy giờ hầu hết chỉ ngấp nghé đôi mươi. “Chị em khổ nhất là khi “đến kỳ” mà không có “đồ dùng”. Đơn vị lại không có chế độ để hỗ trợ. Tôi là đội trưởng nên nhiều khi chị em “kêu” thì chỉ biết… động viên”, ông Thềm kể lại câu chuyện “tế nhị” mà trước đây chẳng mấy ai dám nói.

Khó khăn là vậy, nhưng những nữ dân công tải gạo vẫn vượt qua hàng ngàn cây số đường rừng. Hình ảnh của cô dân công Trịnh Thị Thanh thực sự là điển hình cho tinh thần thép mà ông Thềm không khỏi nể phục: “Chị Thanh là người chỉ huy nhóm dân công nữ trong đơn vị. Chị hơn tôi một tuổi nhưng về độ quả quyết, tinh thần dũng cảm thì có lẽ hơn tôi nhiều lần. Tôi nhớ lần ở Suối Rút, nhiều chị em lo ngại nước to nên xin nghỉ lại. Chị lập tức phản đối: “Đơn vị đã chuẩn bị lực lượng rồi thì cả đoàn cứ bám. Có gì tôi xin chịu trách nhiệm”. Anh em trong đơn vị vẫn thường nhận xét, khi chị Thanh đã ra lệnh thì có cái cốt cách như một… nữ tướng. Chị em cứ thế mà răm rắp nghe theo”. Bà Thanh cũng thường chia sẻ với ông Thềm, phụ nữ thường yếu mềm nên khi làm chỉ huy, chỉ cần bà mềm lòng thì tinh thần của chị em sẽ “oải” theo. Vì thế, một mặt nhờ đội trưởng đối xử linh động, mềm dẻo với chị em, mặt khác bà lại chủ động để mình đóng… vai ác.

Sau những tháng ngày tham gia chiến dịch Điện Biên, những dân công hỏa tuyến lại trở về với cuộc sống của người lao động bình thường, người làm nông, người đánh cá... Họ không hề có bất cứ huân huy chương, danh hiệu nào dù nhiều người trong số họ đã ngã xuống lặng thầm. Nhưng bản hùng ca của cả dân tộc đã được dệt bằng biết bao nốt nhạc như thế.

HUYỀN ANH 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI