'Mặc áo cho tượng' - chuyện thật như đùa ở Mỹ

08/09/2017 - 09:22

PNO - Ý tưởng đưa tượng đài Đinh Tiên Hoàng ở thành phố Ninh Bình "vào nhà" để tránh hư hại tưởng như là chuyện đùa, nhưng tại Mỹ, việc 'mặc áo' cho các bức tượng ngoài trời thật sự được tính đến một cách nghiêm túc.

Liên quan tới việc tượng đài Đinh Tiên Hoàng ở trung tâm thành phố Ninh Bình chưa hoàn thành đã xuống cấp, UBND thành phố và các bên liên quan cho rằng nguyên nhân khiến công trình 1.543 tỷ đồng hư hại là do…. mưa nắng thất thường.

Phản hồi về sự việc này, nhiều độc giả bày tỏ bức xúc, đặt vấn đề về chất lượng thi công công trình không đảm bảo. 

Đặc biệt, có độc giả còn đề nghị, đưa tượng đài "vào nhà" để tránh hư hại do thời tiết. 

Trên thực tế, tại Mỹ, ý kiến này đã được các nhà khoa học và giới chức quản lý nêu ra một cách bài bản, nhằm bảo vệ các tác phẩm, tượng đài ngoài trời khỏi tác động của thiên nhiên, hay của môi trường ô nhiễm – nhất là với mưa acid.

'Mac ao cho tuong' - chuyen that nhu dua o My
Bức tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng của nước Mỹ có kích thước quá lớn, nên rất khó để bảo vệ.

Mưa acid mang theo các chất hóa học do ô nhiễm khói bụi từ các phương tiện giao thông, quá trình đốt cháy than đá cùng các nguyên nhân ô nhiễm khác có thể gây hại cho môi trường nhưng ít ai biết, mưa acid có thể bào mòn cả đá và kim loại.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến những bức tượng đặt ngoài trời đối diện với nguy cơ bị thiệt hại nặng.

Ở Mỹ, các bức tượng là một phần không thể thiếu của lịch sử văn hóa. Trên cả nước Mỹ có đến 50.000 tượng và tất cả đều phải hứng chịu những trận mưa lớn nhỏ, kể cả mưa acid.

Ông Arthur Beale, Giám đốc nghiên cứu tại Bảo tàng nghệ thuật ở Boston giải thích rằng mưa, sương hay tuyết đều có thể tạo độ ẩm.

Khi lượng acid tích tụ đủ nhiều, nó sẽ gây ra các phản ứng với kim loại như đồng hoặc phản ứng với cả đá hoa cương. Khi ấy, bức tượng sẽ có dấu hiệu phân hủy. Bề mặt tượng bắt đầu bị bào mòn.

Ông Arthur Beale cho biết có 3 cách để bảo vệ những bức tượng khỏi sự khắc nghiệt của môi trường do ô nhiễm gây ra.

Thứ nhất là di chuyển tượng vào trong nhà. Thứ hai là trang bị mái hoặc vòm che. Thứ ba là có thể bọc lớp “áo khoác” cho tượng bằng một loại chất dẻo hoặc sáp.

Một số tượng có kích thước quá lớn thì không thẻ áp dụng phương pháp nào trong 3 phương pháp trên cả. Ví dụ như tượng Nữ thần tự do với kích thước quá lớn thì không thể đưa vào nơi nào có mái che đủ lớn, hoặc cũng chẳng thể bọc sáp vì chi phí rất tốn kém.

Hiện giờ, các nhà khoa học vẫn không ngừng nỗ lực tìm cách bảo vệ tượng ngoài trời. Nhà khoa học vật lý Susan I. Sherwood làm việc tại Trung tâm dịch vụ Công viên quốc gia đang thực hiện dự án Công viên quân đội quốc gia Gettysburg ở Pennsylvania.

Bà Susan cùng các cộng sự nghiên cứu ra khi mua acid ở mức pH từ 4.0 thì khả năng tượng đá và kim loại bị ăn mòn cao hơn. pH càng thấp, chỉ tính acid càng cao thì tượng càng dễ bị hư hao.

Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra bề mặt tượng càng phức tạp thì tượng càng dễ bị xuống cấp vì nguyên tắc bào mòn sẽ bào mòn những phần nhô ra nhanh hơn bào mòn mặt phẳng.

Một nỗ lực khác trong việc bảo vệ tượng là chương trình SOS (Save Our Sculpture – Bảo vệ tượng điêu khắc của chúng ta). Giám đốc chương trình Susan Nichols giải thích tổ chức tình nguyện này sẽ làm việc lên danh sách các địa điểm, điều kiện và lịch sử của các bức tượng ở Mỹ.

Thông tin này sẽ được lưu trữ trên hệ thống máy tính, giúp các nhà sử học, nghệ nhân và các nhà bảo tồn sử dụng để theo dõi, phục chế tượng kịp thời.

Ở nhiều trường học, nhà trường kết hợp dạy lịch sử và nghệ thuật cho học sinh bằng cách khuyến khích có ý thức bảo tồn những bức tượng mang đậm tính văn hóa của quốc gia.

Thiên Như (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI