Cám ơn những buốt giá

29/12/2018 - 10:00

PNO - Cám ơn những ngọt ngào yêu thương. Cám ơn những đắng cay giá buốt của người của đời. Bảo bối của sự yên lành, nên chăng mình nên có?

Tiệm tóc những ngày cuối năm tấp nập khách. Cô chủ bình thường đon đả nói cười, hôm nay kiệm lời hẳn. Tịnh không nghe cô ấy kể từ chuyện trong xóm đến con chó ngoài ngõ, rồi giàn mướp mới ra trái trên sân thượng như mọi khi. Những ngày này, đôi khi tiệm chỉ nhận những khách quen hay khách sang, còn khách lạ, trông lùi xùi, bình dân họ không mấy thiết tha.

Thế giới đàn bà đôi khi cũng thật phù phiếm. Tôi nhớ mãi lời cô em hóm hỉnh dặn: “Đi mua sắm, làm đẹp cho dù không có tiền cũng phải luôn ăn vận thật đẹp, sang trọng, như vậy người ta mới đón tiếp mình tử tế”. Ngẫm nghĩ, nào chỉ có đàn bà, thời nào, ở đâu chẳng có người “trông mặt mà bắt hình dong”. 

Cam on nhung buot gia
Ảnh minh họa

“Chị cần gì vậy chị?” - cô bé thợ, hơi cao giọng với người đàn bà lừng khừng đặt chân nơi bậu cửa. Tất cả thợ cũng như khách trong tiệm đều giật mình vì ngữ điệu trong câu nói của cô bé. Bao nhiêu ánh mắt đều hướng về vóc dáng mảnh mai gọn gàng trong chiếc quần tây màu đen và chiếc áo sơ-mi xanh nền nã. Chị thong thả, không trả lời vội, tháo nón, găng tay, khẩu trang, nhỏ nhẹ: “Chị muốn gặp cô chủ. Chị muốn nhờ cô ấy tư vấn cho chị một kiểu tóc phù hợp”. Một giọng nói thật đẹp, một khuôn mặt bình lặng như nước hồ thu. Không dưng tôi cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm cảm mến với người đàn bà xa lạ.

Chị ngồi thẳng trên ghế, tháo dây cột tóc, mái tóc đổ xuống, đen, dài nhưng xơ xác. Không có dấu ấn nào của sự chăm chút trên mái tóc đã thấp thoáng sợi bạc ấy. Tôi hình dung đến những cái cột búi qua quýt cho tiện nấu ăn lau nhà. Tôi hình dung đến những ngón tay gầy guộc đếm đi đếm lại số tiền đắn đo gửi biếu mẹ chồng mẹ ruột ngày lễ tết, đóng tiền học cho con, mua thêm chút đồ ăn cho bữa tối... Biết bao hy sinh, thiệt thòi một cách tự nguyện thoáng hiện ra trong tâm trí tôi. Chưa bao giờ như lúc này, tôi thấy xung quanh mình rất nhiều dáng dấp như chị: mẹ tôi, bạn tôi, thi thoảng tôi cũng thấy chính mình trong đó. 

Ở đàn bà con gái, khát vọng cho đi và yêu thương tận tụy phải chăng là bản năng? Tôi có đọc rất nhiều những lời lẽ tự nhận là “ích kỷ” của đàn bà khắp nhân gian trên mạng xã hội, trong những cuốn sách. Không hiểu sao, dù họ có tuôn lời cay đắng tôi vẫn không thấy họ sống cho mình. Tôi chỉ thấy nhu cầu được vỗ về yêu thương và được cho đi thiết tha. Tôi chỉ thấy nỗi cô đơn và vị tha vô bờ nơi họ.

Cam on nhung buot gia
Ảnh minh họa

“Anh và chị bỏ nhau rồi”. Câu trả lời nhẹ như hơi thở khi cô thợ đùa với chị rằng, cắt ngắn tóc và duỗi chị sẽ trông trẻ ra, chồng sẽ khen. Lạ một điều tôi có cảm giác nó tuôn ra từ chị nhẹ như những câu chào nhau buổi sáng. Người đàn bà này phải sở hữu cái gì đặc biệt lắm, tựa hồ như có thứ vũ khí hay bảo bối nào đó giúp chị đi qua giông bão mà tâm an đến nhường ấy. 

“Chị cám ơn anh ấy. Anh đã cho chị những đứa con và cả một thời tuổi trẻ”.Tôi giật mình. Phải lâu lắm rồi mới nghe sự ngỡ ngàng tương tự. Ngỡ ngàng như ngày nhỏ đi học, chân sáo tung tăng mắt nhắm mắt mở, giẫm phải chùm trinh nữ. Ngồi xuống, lịm người khi phát hiện con đường làng vòng vèo đến trường đến chán mỗi ngày lại có chùm hoa hay ho biết nhắm mắt mở mắt như vậy. Cám ơn người vì những thứ người đã từng mang đến cho mình. Dễ dàng vậy nhưng mấy ai làm được? Những riết róng cào cấu hậm hực khi không còn cái của mình hoặc không đạt được cái mình muốn, đã bịt mắt chúng ta lâu quá rồi phải không? 

Một cơn mưa bất chợt ướt áo - nên chăng phải cám ơn vì đã nhắc mình ngay trong lúc nắng giòn vẫn cẩn thận bỏ cái áo mưa vào cốp xe thay vì lầm bầm ca thán. Một người bạn lỡ hẹn, cũng nên chăng cám ơn vì có những giây phút ngồi một mình hiếm hoi trong cuộc sống chật ních những mối quan hệ cần kết nối. Cám ơn những ngọt ngào yêu thương. Cám ơn những đắng cay giá buốt của người của đời. Bảo bối của sự yên lành, nên chăng mình nên có?

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI