Áp lực điểm số từ phụ huynh: Những đứa trẻ bị ép chết tức tưởi

13/04/2018 - 12:30

PNO - Cuộc ra đi quá đau lòng của cậu học trò với các nguyên nhân rõ ràng, không bao giờ muộn để những nhà giáo, phụ huynh lùi lại mà suy xét.

Bạn có đang ép chết con mình vì áp lực điểm số, học hành không? Kiểm tra lại đi, hay bạn cũng như bao cha mẹ đang bấn loạn trong cuộc đua “vì tương lai con em” và lo sợ một ngày đứa con ngoan trò giỏi để lại cho mình lá thư tuyệt mệnh?

Sân khấu phụ huynh

Trong thư tuyệt mệnh, em H.T.C. (quê ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) - học sinh nội trú Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) - nêu lý do tìm đến cái chết: áp lực học tập, điểm số và áp lực gia đình luôn muốn con học lớp đầu khối… Bung vỡ của những áp lực, giằng xé đến buông xuôi, trước lúc C. lùi lại vài bước, lấy đà để gieo mình xuống mấy tầng lầu, em đã cười và khóc.

Ap luc diem so tu phu huynh: Nhung dua tre bi ep chet tuc tuoi
Áp lực học hành luôn đè nặng lên trẻ em

Đã quá trễ để nói về sự kiệt quệ của một tâm trí không còn sức chịu đựng. Có lẽ, cũng đã muộn để nói về những chỉ dấu phát lộ trước khi C. chọn cái chết, đã bị bỏ qua. Nhưng, cuộc ra đi quá đau lòng của cậu học trò với các nguyên nhân rõ ràng, không bao giờ muộn để những nhà giáo, phụ huynh lùi lại mà suy xét.

Bởi, cùng ngày C. tự vẫn, X.Đ. - nam sinh Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - đã leo ra lan can tầng 3, nhảy xuống. Trước đó hai ngày, em Nguyễn Thế Anh - học sinh một trường nội trú - cũng nhảy cầu Sài Gòn vì vi phạm nội quy, bị kỷ luật thôi học. Tin rằng đâu đó, còn rất nhiều em vẫn đang loay hoay, bế tắc, đơn độc quẫy đạp giữa muôn vàn áp lực từ điểm số, bệnh thành tích của trường lớp và kỳ vọng của gia đình.

Một bà mẹ kể: chuẩn bị cho tiết dự giờ, cô giáo yêu cầu con trai chị phải mang thêm một chiếc áo (cũng là đồng phục có gắn tên con chị) khi đi học. Trong niềm tự hào ảo tưởng về buổi dự giờ mà con trai sẽ rất nổi bật, chị mang chiếc áo vốn đã sạch đi giặt, ngâm nước xả thơm rồi là ủi ngay ngắn. Hôm sau, chị chết sững khi biết chiếc áo ấy là mang cho một học trò giỏi ở lớp bên mặc, để ngồi vào vị trí con trai chị; còn con trai chị thì tạm thời… giấu mình ở lớp bên.

Một câu chuyện khác, do giáo viên kể lại: có một học trò, hễ hôm nào điểm số rớt xuống vị trí thứ hai là sẽ no đòn hoặc hứng cơn mưa mắng chửi từ cha mẹ. Một lần, bị điểm thấp, cô học trò tự ý sửa điểm, mang về cho phụ huynh. Sau đó, đối chiếu với bảng điểm do trường gửi về, sợ bố mẹ đánh phạt, cô học trò lấp liếm bằng cách biến mình thành nguyên đơn trong vụ kiện thầy giáo cho điểm không thống nhất.

Cố đáp ứng yêu cầu của nhà trường, của phụ huynh, những đứa trẻ đơn độc trong cuộc chiến hiếm khi dẫn đến thành công như kỳ vọng, phần nhiều hoặc trở thành những đứa trẻ dối trá, giỏi đối phó trong sợ hãi, hoặc “rơi tự do” trong cảm giác mệt mỏi, chán chường. Chúng lăn long lóc đến với chứng trầm cảm - một “đại dịch” ngấm ngầm, lặn sâu giữa một xã hội quá chú trọng thành tích, sự hào nhoáng của thành công.

Ở thời internet không còn là phương tiện, mà là lối sống, thành tựu lộng lẫy của người khác luôn “đập vào mặt” chúng ta, khiến không ít đấng sinh thành lóa mắt. Rồi, lý lẽ của “hiệu ứng cá thể thứ 100” (nếu vài cá thể học được kỹ năng nào đó đồng nghĩa với những cá thể còn lại cũng phải học được) trở thành áp lực đè nặng lên cuộc đời con em; buộc chúng phải trình diễn cuộc đời trên sân khấu do cha mẹ vẽ ra.

Mà sân khấu ấy, không chỉ là thế giới chúng phải sống, chúng còn phải nhìn nhận nó bằng đôi mắt của phụ huynh. Sự quan tâm duy nhất của người làm cha mẹ, không gì khác ngoài cảm giác thỏa mãn, tự hào dựa vào ý kiến, đánh giá của người ngoài trước những vai diễn mình áp cho con cái.

Tại nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, vấn nạn học sinh trầm cảm, tự vẫn được đúc kết bằng những số liệu từ các nghiên cứu cụ thể, cho thấy, kết thúc đợt nghỉ hè cũng là “mùa tự vẫn” của học sinh khi phải trở lại với thành tích, thi cử, điểm số. Các quốc gia này coi phòng, chống trầm cảm, tự vẫn chốn học đường là một trong những chương trình lớn phải làm với rất nhiều phương pháp.

Thông điệp cao nhất là: hãy để con được hạnh phúc với lựa chọn của mình. Nuôi dạy một đứa trẻ thành người trưởng thành, tự lập, có trách nhiệm với cuộc sống, có niềm cảm kích và say mê, hạnh phúc với bất cứ công việc gì chúng mong muốn, được pháp luật cho phép - đã là điều phi thường và thành công của người làm cha mẹ. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI