Nhớ Tết xưa, nhớ tiếng Nội…

03/02/2019 - 12:22

PNO - Nội có một thói quen rất lạ, đó là cứ mỗi sáng mùng 1 nội sẽ lên xông đất và đánh thức cả nhà dậy, lì xì cho các cháu.

"Công ơi!". Đó là tiếng gọi quen thuộc của nội khi mới đi đến đầu ngõ, mà con ngõ thì khá dài nhưng không hiểu sao lúc nào nội cũng thích gọi tên con thật to, thật trìu mến. Có lẽ nội quen với cu Long bé bỏng ngày nào cho dù có lớn lên thì vẫn là cu Long bé nhỏ đó của nội.    

Nho Tet xua, nho tieng Noi…

Ảnh: Quốc Phong

 

Sáng mùng Một, ngoài đường rất yên ắng, có lẽ ai cũng mệt nhoài khi thức cả đêm đón Giao thừa nhưng nội vẫn dạy rất sớm, nội là người hay đi chùa, vậy nên nội luôn lấy quẻ và bùa hộ mệnh cho con, cháu. Nội đi thẳng vào nhà khi mẹ vừa mới dậy và đang chải đầu, nội vén màn vào giường con và em trai thủ thỉ: “dậy thôi các con, dậy nội lì xì cho nào, nội đọc quẻ cho xem năm nay có tốt không?”. Con và em trai oằn èo mãi chưa dạy được, thầm nghĩ trong đầu sao nội dậy sớm thế. Thế là hai anh em dạy gấp chăn màn rồi vào ngồi hai bên nách của nội, người nội to, tay nội rộng ôm cả hai vào lòng, miệng nội còn đang nhai trầu bì bõm, môi nội đỏ au mỗi khi nội cười.

Nội là người phụ nữ rất truyền thống, đầu luôn quấn khăn mỏ quạ, mấy bộ quần áo mặc cả năm ngày tết với nội cũng không khác gì, có chăng là nội tạm được nghỉ ngơi sau những ngày ra đồng, đi chợ vất vả. Đôi tay nội dày ráp, nứt nanh như vết chân chim xoa xoa lên má trẻ thơ mà cảm nhận được từng nếp vân tay. Như thường lệ, nội lấy lì xì ra cho hai đứa, căn dặn các cháu năm nay cố gắng học tập để làm mở mang dòng họ, vì nội biết các con của nội không ai học hành đến nơi đến chốn, nội chỉ mong đời các cháu học hành đầy đủ trước là ấm cái thân sau là rạng danh tổ tiên.

Trong lúc nội ngồi đọc quẻ cho các cháu, bố và mẹ nhanh chóng đi làm cơm cúng, mẹ không mê tín lắm nên ngày đầu năm vẫn quét nhà cửa rất sạch sẽ, một đống rác to đùng được mẹ mang đi cho dù không ít người coi đó là lộc đầu năm. Con hỏi nội, tại sao năm nào nội cũng là người đầu tiên lên nhà con thế? Nội không bất ngờ về câu hỏi của con, bảo đơn giản là nội muốn là người đầu tiên được gặp các con nội, được ôm các cháu nội, đó là tình mẫu tử tình thân mà không cần bất cứ kiêng kỵ gì về tuổi tác. Nội cười mà nụ cười mãn nguyện, nước cau đỏ nội nuốt liên tục, nội hôn lên trán các cháu mà đỏ lừ cả trán bởi nước cau. Hai đứa trẻ chỉ biết cười sặc sụa.

Nho Tet xua, nho tieng Noi…
 

Cây đào giữa sân nở đầy hoa thơm ngát, các dải đèn lấp lánh đầy màu sắc sinh động như cuộc sống giữa đất trời. Nội dẫn con ra cầu hoa, cây cầu nhà bắc qua mương trồng toàn hoa đủ sắc mầu, nội lý giải về sự tích của từng loài hoa, ý nghĩa của hoa trong cuộc sống và khuyên con hãy sống như bông hoa ti-gôn tuy nhỏ bé, hoang dại nhưng thắm nồng, sức sống mãnh liệt. Đó như thói quen hằng năm của nội cho dù năm nào con cũng đã thuộc lòng. Lúc sau, bố mang mâm cơm lên bàn thờ, thắp nén nhang tổ tiên trong không khí gia đình ấm áp, tết vui nhất chính là người thân ở bên nhau, được đoàn viên cùng nhau tận hưởng mùa xuân ngấm khắp đất trời.

Ấy vậy mà câu chuyện như thế mới diễn ra năm trước thôi, vì năm nay nội đã đi rất xa rồi. Liệu sang mùng 1 năm nay còn có tiếng gọi vang vảng từ đầu ngõ vào nữa hay không? Liệu còn nội vén màn lên gọi hai cháu dạy và mừng bao lì xì nữa hay không? Chắc không còn nữa rồi, chỉ có hình bóng của nội với đôi môi đỏ au của cau, đôi răng đều tắp đen xì và nụ cười trên khuôn mặt khô ráp, tất cả chỉ là hình bóng hoặc chăng là hình của nội trên bàn thờ tổ tiên, nội đã bỏ con đi sau một giấc ngủ không dậy nữa, một giấc ngủ ngàn thu.

Tết đang về gần lắm rồi nội ơi! Mọi thứ đều đã được chuẩn bị đầy đủ, cây đào, cây quất, đèn trang trí, giò lụa, bánh chưng xanh nội từng dạy con gấp mà quay đi quay lại chỉ thiếu mỗi nội. Tiếng loa của thôn mấy hôm nay bắt đầu phát nhạc tết, lời ca không còn rộn ràng như bao năm khác, có chút gì đó đượm buồn, đượm nhớ, à, còn chùm cau trên cây nữa, nó đang chín và con rất muốn hái cho nội ăn để đôi môi nội thắm đỏ thỉnh thoảng lại phì phò nước cau ra tay con.

Nhớ tết, nhớ tiếng nội, nhớ chưa đầy một năm mà nhớ chơi vơi. Tết thì vẫn đến như lẽ tự nhiên của đất trời và người cũng ra đi tự nhiên theo quy luật của tạo hóa, cho dù ở nơi đâu con biết nội vẫn luôn nhớ về chúng con và chúng con cũng vậy.

Tết này, con nhớ nội!

Nguyễn Văn Công 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI