Mất hàng triệu USD/năm vì tranh nhái

09/04/2018 - 08:16

PNO - Hoạt động mua bán tranh nhái ở nước ta hiện nay không hề được kiểm soát, mạnh ai nấy làm, trong khi Nhà nước không thu được tiền.

Nhái có chi và Nhà nước có thu

Nhiều người cho rằng, sự tồn tại và phát triển của tranh nhái là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường mỹ thuật Việt Nam đi vào tử lộ. Thế nhưng, từ lâu, dân trong nghề đã xem tranh nhái như một phần tất yếu của cung - cầu trong xã hội. Việc hưởng thụ bản gốc có những giá trị đặc biệt của nó; nhưng không phải ai cũng có cơ hội đó, nên sinh ra các bản phiên, bản nhái. Thậm chí, theo lời một chủ gallery tại TP.HCM, ở một mặt nào đó, tranh nhái còn là cách để phổ cập văn hóa nghệ thuật tới tầng lớp bình dân.

Mat hang trieu USD/nam vi tranh nhai

Họa sĩ Thành Chương với bức tranh Trừu tượng của mình, bị ký là tranh của Tạ Tỵ

Tranh nhái ở đâu cũng có. Song ở các nước, hoạt động mua bán diễn ra công khai, dưới sự quản lý của nhà nước. Nhái cũng phải theo luật. Nhái có chi và nhà nước có thu.

Theo họa sĩ Phạm Hà Hải, với tranh chép lại, khổ chép phải nhỏ hoặc lớn hơn bản gốc, phải quy định một số ký hiệu để nhận biết đó là tranh chép, trả phí tác quyền và phải đóng thuế khi bán tranh. Rất tiếc, ở một thị trường còn nhiều kẽ hở như Việt Nam, hoạt động này đang bị thả nổi. Tình trạng không minh bạch - tranh nhái, tranh giả tràn lan, khiến các tác phẩm “made in Vietnam” rớt giá thê thảm trên các sàn đấu giá quốc tế.

Nhiều họa sĩ phẫn nộ khi hết lần này tới lần khác bị “cầm nhầm” tác phẩm đến mức mới đây, cánh họa sĩ miền Bắc còn họp nhau bàn cách chống hàng giả. “Một đơn vị giống như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, là ước mơ của giới mỹ thuật. Chẳng có ai bảo vệ chúng tôi cả” - một họa sĩ nói. Bà Linh Cao, chủ gallery 42 Tràng Tiền (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tại sao không minh bạch rồi thu thuế?”. Theo bà, nếu “gò” vào luật, vào thuế, nhà nước lẫn thị trường đều được lợi.

Những lợi ích có thể nhìn thấy?

Nộp thuế là trách nhiệm của công dân nhưng cũng là cách để bảo hộ tác giả lẫn người mua. Khi giá cả công khai, việc định giá, bảo tàng, bảo hiểm, ngân hàng, các quỹ đầu tư… có thể cùng tham gia. Khi đó, tác phẩm có thể được cầm cố, có tính thanh khoản, bị siết nợ… thậm chí tính vào tài sản giải chấp, phá sản, thanh lý.

Mat hang trieu USD/nam vi tranh nhai
Tranh thật của hoạ sĩ Phạm Hải An (trái) và tranh giả (phải)

Kinh doanh nghệ thuật là loại kinh doanh đặc biệt. Hiện chưa có thống kê chính xác về nguồn tiền mà nhà nước có thể thu được từ các giao dịch tranh dạng này. Nhưng không làm thì sẽ không có. Giao dịch tranh hiện nay là những giao dịch ngầm và rất mạnh mẽ. Nếu công khai, minh bạch hoạt động, Nhà nước có thể thu về ước tính hàng triệu USD mỗi năm, thậm chí hơn rất nhiều.

“Ngoài lợi ích kinh tế thông qua các giao dịch công khai, mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung còn có khả năng thu hút các hoạt động xã hội khác, như một thứ “quyền lực mềm”, mang lại nhiều giá trị không đo đếm được bằng tiền bạc” - nhà nghiên cứu Phạm Long bày tỏ. 

Nhà báo Lý Đợi

Việt Nam hiện nay chưa thể thu thuế được, vì thị trường còn manh mún, nhiều lỗ hổng, hệ thống chế tài và quan thuế còn chưa quan tâm, hiểu cặn kẽ lĩnh vực này. Thu thuế, nghĩa là những thứ liên quan như định giá, thế chấp, bảo hiểm, hải quan… phải đồng bộ.

Muốn siết vào luật thì phải công bằng và cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Người đóng thuế phải được hưởng quyền lợi cụ thể và được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, khung hình phạt đã có, nhưng nếu mất một bức tranh 20 triệu đồng, vẫn đành chịu thua. Ngay giữa Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mà người ta còn đem cả mấy chục bức tranh giả vào triển lãm, bắt được rồi cũng huề cả làng.

Việt Nam hiện đã có nhà đấu giá, tiếp theo là cần có các tổ chức thẩm định, xét nghiệm, giới nghiên cứu chuẩn hồ sơ và danh mục tác phẩm, giới phê bình phải khách quan và độc lập hơn. Chúng ta phải tạo được môi trường lành mạnh và trong sạch thì mới thu hút được giới đầu tư, các quỹ tiền tệ, bảo hiểm, ngân hàng… vào cuộc. Khi một tác phẩm luân chuyển trong một thị trường có thể nắm bắt được, quản lý được, có đủ chế tài, khi ấy, thuế vào cuộc sẽ đúng lúc nhất.

Bà Linh Cao (chủ gallery): “Muốn có thu, phải đầu tư”

Trước khi thu thuế, Nhà nước phải đầu tư vào thị trường. Thời gian qua, Nhà nước cũng đã có những quan tâm, nhưng dường như chưa có hoạt động nào cụ thể. Chúng ta hoàn toàn có thể ra một điều luật, trong đó quy định mỗi giao dịch tranh sẽ trích lại cho Nhà nước bao nhiêu phần trăm. Ta cũng có thể mở một trung tâm bản quyền tranh, dùng con dấu để chứng minh giao dịch giữa hai bên. Giao dịch này sẽ công khai, được đăng trên web. Tranh được đi từ bóng tối ra ánh sáng và được bảo hộ. 

Châu Âu, Mỹ đã làm thế lâu rồi. Nước ta bây giờ, người bán và mua tranh không muốn trích cho ai cái gì cả, nên các giao dịch tranh hầu hết đều ngầm. Một khi công khai, mỗi lần tranh được chuyển nhượng, ta nhìn thấy được đường đi của nó. Con dấu sẽ ràng buộc những người tham gia giao dịch tranh vào pháp luật. Người mua cũng như người bán đều yên tâm.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI