“Văn hoá già làng”

11/09/2013 - 15:53

PNO - Những năm gần đây, xã hội Việt Nam nổi lên những vấn đề gay gắt về sự suy giảm các hệ thống giá trị xã hội: văn hoá, đạo đức, tập quán, truyền thống… trong đó có một lớp người tưởng có thể nằm ngoài các va đập dữ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Văn hoá nhân loại nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng có một nét đẹp: kính trọng người già, thậm chí có thể nâng vấn đề này lên thành cả một lý thuyết xã hội học, đạo đức học: “văn hoá già làng”.

Tình yêu không tuổi nhưng cách yêu thì có

“Văn hoá già làng” về đại thể, đưa người cao tuổi vào vị trí cao nhất trong thang bậc giá trị của tế bào xã hội - gia đình. Cơ sở của văn hoá này chủ yếu dựa vào những điều kiện sau: kinh nghiệm sống, sự từng trải, sự hiểu đời - gọi chung là văn hoá sống; công lao sinh thành và nuôi dạy con cái; quyền lực kinh tế. Khi trong quan hệ gia đình thiếu hụt một trong những cơ sở này, vị trí “già làng” sẽ không còn là tối cao, lúc đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, ứng xử hợp đạo đức, từ đó hình thành những mối giao tiếp thế hệ dựa trên những thoả hiệp. Nếu những thoả hiệp đó được cả hai phía chấp nhận, được kéo dài cho đến lúc chết thì đó là hạnh phúc viên mãn, nhưng khi những thoả hiệp này không còn có thể duy trì, dung hợp được nữa thì sẽ là bắt đầu của một sự khủng khiếp: xung đột thế hệ. Khi các quyền lực kinh tế không còn nữa, khi con cái không còn phụ thuộc vào cha mẹ về mặt kinh tế thì cũng có nghĩa “quyền tối thượng” của cha mẹ đã không còn đầy đủ nữa.

“Van hoa gia lang”

Tuy nhiên, việc mất đi một quyền tối thượng không đồng thời làm nảy sinh xung đột. Tình cha nghĩa mẹ và con cái là một thứ tình cảm máu thịt thiêng liêng không dễ gì xoá bỏ dù các quan hệ kinh tế đã hết. Nhưng cũng vì vậy, cả hai bên đều cần phải điều chỉnh. Thay cho quan hệ “ra lệnh - thi hành” thì nay phải là một quan hệ khác: thoả hiệp. Từ đây, mỗi bên đều có những quyền nhất định trong việc tìm chọn các phương thức tồn tại của mình. Về đại thể, người già thường nhìn lại phía sau, còn người trẻ thì nhìn về phía trước. Nguyên tắc của sự thoả hiệp là nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau. Không có lý gì thế hệ già lại cứ bắt thế hệ trẻ phải sống theo cách của mình. Ngay cả tình yêu - dù là tươi mới như mùa xuân, nhưng mỗi lứa tuổi đều có sự thống khổ riêng của nó.

Không ai cấm người già yêu và được yêu, nhưng không thể buộc họ phải yêu theo cách của lớp trẻ và ngược lại, không thể buộc lớp trẻ yêu theo cách người già. Đã có quá nhiều bi kịch gia đình với những sự xung đột thế hệ xoay quanh cái chủ đề muôn thuở này.

Bi kịch của gia đình bạn tôi

Tôi chơi thân với một người bạn tuổi đã thất tuần, nhưng khác tôi - còn yêu và thích được yêu, còn ông thì không còn yêu ai nữa ngoài những đứa con gái của mình. Các con của ông đều thành đạt, có việc làm và thu nhập cao, ổn định. Dù đã không còn quyền lực kinh tế - một trong ba cơ sở của “quyền tối thượng” tạo nên “văn hoá già làng”, ông không hề tỏ ra là “biết” để phải tự điều chỉnh. Nhân danh tình cha con và kinh nghiệm, vốn sống và những suy nghĩ thuộc thế hệ của mình, ông cố gắng phủ tình yêu của ông lên các con, nhưng đó là một thứ tình yêu khắc nghiệt và đầy ngộ nhận. Ông gán cho các con những danh vị tôn quý dù những gán ghép đó không hề dựa trên cơ sở có thể lượng hoá: số đo thẩm mỹ, trình độ học vấn, chức vụ, nghề nghiệp, tài sản của các con mình.

Với những nhìn nhận theo kiểu “ở nhà nhất mẹ nhì con”, ông nghi ngờ tất cả các chàng trai đến với các con ông. Lúc thì ông đánh giá, cái thằng kia nó chỉ yêu cái ví của con thôi. Lúc thì ông bảo: nó chỉ yêu cái chức vụ của con. Cứ thế, ông dựng nên xung quanh các con của mình những vòng kim cô khó có thể gỡ, nếu họ không muốn tạo ra những xung đột thế hệ. Năm tháng qua đi, những bông hoa héo tàn, các con ông nay đã ngoại tam tứ tuần, nhưng ông cứ tin rằng họ vẫn còn mơn mởn… Ông cho rằng mình đã đúng, mình thương yêu con, nhưng ông đâu biết nỗi đau của các con. Ở trong họ đã hình thành, đã âm ỉ nuôi cả một cuộc chiến tranh. Một ngày nào đó, có thể các con ông sẽ trút lên nấm mồ cha mình nỗi oán hận. Vì ông mà họ đã trở thành những “bà cô” hiu quạnh lẻ loi giữa dòng đời hừng hực nhựa sống.

Đó chính là cuộc xung đột thế hệ ở dạng ngầm, cuộc chiến tranh lạnh…
Có một dạng xung đột thế hệ khác, dữ dội hơn, tàn khốc và đau xót hơn vì nó bùng nổ công khai bởi không đạt được sự thoả hiệp. Đó là khi giới hạn của sự âm thầm chịu đựng đã hết. Lúc đó, hết cả đạo lý, lòng hiếu thảo, sự yêu thương và quyền lực của kẻ sinh thành.

Đồng cảm mới có thể “đồng đường”

Vì những điều kiện kinh tế và tập quán văn hoá truyền thống do lịch sử để lại ở Việt Nam hiện nay, khi mà các thế hệ vẫn sống chung dưới một mái nhà, nguy cơ xung đột thế hệ chủ yếu chỉ xoay quanh lĩnh vực tình yêu hôn nhân. Trái tim có những lý lẽ riêng của nó. Không thể bỏ mặc con cái tự quyết định tình yêu và hôn nhân, nhưng sự can thiệp thô bạo vào lĩnh vực hết sức nhạy cảm này chỉ đem lại phản ứng tiêu cực, thậm chí sẽ gieo mầm hoạ vào trong trái tim người con dâu hoặc con rể của mình. Không thể tuyệt đối hoá quyền lực của “già làng” mà chỉ có thể thoả hiệp trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Đó là cái van an toàn để tránh xung đột thế hệ.

“Văn hoá già làng” vẫn có sức sống tiềm tàng của nó trong văn hoá truyền thống, trong trái tim mỗi người. Nhìn nhận những cơ sở hình thành văn hoá đó cũng là để tự điều chỉnh trong bối cảnh chúng ta đã và đang phát triển một nền kinh tế mở, với vô số các cơ hội cho phép con cái sớm có thể tự lập về kinh tế. Hy vọng rằng, khi các quyền lực kinh tế đã hết thì nó sẽ không đồng thời mở ra nguy cơ của sự xung đột thế hệ - như đã và đang xảy ra khá phổ biến ở những nước đang phát triển.
 


TS HOÀNG BÌNH
Theo SGTT.VN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI