Xuyên đêm 'lùng' virus khiến 80 người bị mắc kẹt ở Bệnh viện Từ Dũ

02/06/2018 - 21:20

PNO - Ban đầu, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ nhận định những trường hợp này có thể nhiễm virus cúm hoặc sốt xuất huyết. Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được mời sang hội chẩn.

Xuyen dem 'lung' virus khien 80 nguoi bi mac ket o Benh vien Tu Du
Khu M Bệnh viện Từ Dũ - nơi phát hiện 23 ca mắc cúm A/H1N1 - chùm ca bệnh cúm đầu tiên trong năm 2018 tại TP.HCM

Xét nghiệm xuyên đêm để kịp ra kết quả sớm nhất

"Tình hình bệnh lúc đó diễn tiến quá nhanh. Đến 12g trưa ngày 1/6 có khoảng 7 trường hợp, lúc 15g lên 15 ca và đến 19g vọt tới 23 ca gồm cả bệnh nhân nữ, thân nhân và nhân viên y tế. Để có con số thống kê, các bác sĩ quyết định khảo sát tình hình sức khỏe của cả nhân viên y tế đã trở về. Kết quả có khoảng 5 trường hợp có triệu chứng sốt cao, đau nhức người", bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), nhớ lại.

Trước khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ khá lo lắng vì không biết những bệnh nhân mắc phải loại virus gì, chỉ sợ là loại cúm gia cầm H5N7 rất nguy hiểm. Kiểm tra, phân tích dữ liệu, dần dần bệnh viện phát hiện ca sốt đầu tiên vào sáng 1/6 là một phụ nữ ở Tiền Giang.

Người này được xếp lịch mổ nội soi cắt tử cung vào ngày 2/6 nên nằm ở khoa Nội soi để chờ mổ. Tuy nhiên, vào sáng 1/6, bệnh nhân lên cơn sốt cao nên lịch mổ phải hoãn lại. Sau khi người phụ nữ này được cho xuất viện thì đến buổi trưa, hàng loạt các bệnh nhân nữ khác có cùng triệu chứng như sốt cao (38 – 39 độ C), đau nhức người, ho, mệt mỏi…

Xuyen dem 'lung' virus khien 80 nguoi bi mac ket o Benh vien Tu Du
Bác sĩ 2 bệnh viện đã cố gắng hết sức để trong thời gian ngắn nhất tìm cho ra chủng virus gây bệnh cho các bệnh nhân nữ

Ban đầu, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ nhận định những trường hợp này có thể nhiễm virus cúm hoặc sốt xuất huyết. Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được mời sang hội chẩn.

21g ngày 1/6, các mẫu máu được lấy từ 18 người trong tổng số 23 người có cùng triệu chứng được mang về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử.

Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, ngay trong đêm 1/6, những nhân viên y tế, bệnh nhân và cả thân nhân đều được yêu cầu mang khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Những bệnh nhân sau khi mổ nội soi tại lầu 5 khu M cũng được yêu cầu chuyển về lại nơi này để theo dõi, không nằm ở các khu vực khác để tránh lây nhiễm bệnh.

Kết quả xét nghiệm được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chuyển đến vào đầu buổi sáng 2/6 đã khiến các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ thở phào nhẹ nhõm, đó là nhiễm cúm A/H1N1, chứ không phải bệnh nguy hiểm cúm A/H5N7.

Xuyen dem 'lung' virus khien 80 nguoi bi mac ket o Benh vien Tu Du
Một bệnh nhân nữ phải mang khẩu trang vẫn còn ở khoa Nội soi sáng 2/6

Lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ khẳng định đến ngày 2/6, bệnh viện đã khống chế được tình hình dịch bệnh và đưa ra khuyến cáo những bệnh nhân không nên quá lo lắng vì cúm A/H1N1 đã đưa vào dạng cúm mùa và đa phần lành tính, tự khỏi sau 1 tuần.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, kết quả xét nghiệm sinh học phân tử, trung bình phải mất từ 7 – 8 giờ, nhưng tất cả nhân viên y tế bệnh viện được huy động làm việc xuyên đêm để sáng sớm ngày 2/6 tìm cho ra chủng virus gây bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ.

Và khi nhận được kết quả xét nghiệm là cúm A/H1N1, các bác sĩ đã an tâm hơn.

Chủng virus cúm tại Bệnh viện Từ Dũ là loại virus đại dịch cúm 2009

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết chủng virus được xác định gây bệnh cho 23 người tại khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ là chủng cúm A/H1N1 – chủng virus đại dịch cúm năm 2009: “Cúm A/H1N1 xuất hiện từ năm 2009, gây đại dịch cho toàn thế giới. Sau đó khi cộng đồng đã "quen" với chủng cúm này thì loại virus này trở thành cúm mùa, lưu hành quanh năm ở Việt Nam.

Ở phương Tây, cúm này xuất hiện nhiều vào mùa đông, mùa hè thì ít hơn. Đa phần người bị bệnh cúm là chỉ sốt, ho trong vòng 1 tuần rồi tự hết. Chỉ có một số trường hợp là đối tượng nguy cơ cao, dễ trở nặng”.

Những đối tượng nguy cơ cao, diễn tiến nặng, bị viêm phổi phải nhập viện, đó là: người già (trên 65 tuổi), người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, phụ nữ có thai… 

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi khẳng định trong số 23 trường hợp mắc virus cúm A/H1N1 tại khoa Nội soi, không có trường hợp nào là thai phụ. Đây là khu vực bệnh nhân nữ nằm chờ mổ hoặc sau mổ các bệnh như: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, thai ngoài tử cung…

Bác sĩ Nhi cho biết phụ nữ mang thai dưới 12 tuần tuổi nên tránh bị nhiễm các loại siêu vi. Còn Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cúm A, sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn người bình thường vì 2 cơ thể sống đều phải chống chọi lại bệnh. Cơ thể mang thai thường có phần sút giảm khả năng miễn dịch. Virus cúm lại được chứng minh có thể gây đột biến gene dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ”

Theo bác sĩ Châu, những năm gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới không ghi nhận ca tử vong nào do mắc cúm A/H1N1. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có vài ca lẻ tẻ bị viêm phổi sau khi mắc cúm phải nhập viện điều trị. 

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cũng khẳng định 23 ca mắc cúm tại Bệnh viện Từ Dũ là dạng cúm A/H1N1 thông thường, chứ không chủng nguy hiểm đặc biệt. Đây là chùm ca bệnh cúm đầu tiên trong năm 2018 và trước đó tại TP.HCM không có ca nào tử vong do mắc cúm A/H1N1.

Theo thông tin chúng tôi có được, các bệnh nhân bị cúm tại Bệnh viện Từ Dũ được điều trị bằng thuốc Tamiflu. Các trường hợp sốt có chỉ định xuất viện sẽ được theo dõi cách ly tại địa phương, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM sẽ tiếp tục giám sát.

Xuyen dem 'lung' virus khien 80 nguoi bi mac ket o Benh vien Tu Du

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết người bị bệnh cúm và cả người nhà nên tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang. Những trường hợp không đeo khẩu trang thì việc ho, hắt hơi sẽ khiến người xung quanh bị nhiễm virus cúm trong vòng 1 mét.

Người bị cúm được khuyến khích tự cách ly ở nhà, hạn chế đến nơi đông người, kể cả bệnh viện để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Thông thường bệnh tự khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, khi cảm thấy khó thở, ho nhiều, mệt mỏi… nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. Một số bệnh nhân bị cúm sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc Tamiflu – loại thuốc này hiện nay được cấp miễn phí.

Lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ cho biết ngoài việc hủy các trường hợp mổ nội soi chờ khử khuẩn, toàn bộ khu vực khoa Nội soi (ở lầu 5, khu M) sẽ được phun xịt khử khuẩn trước khi nhận bệnh nhân mới.

Bệnh viện sẽ tiến hành tổng vệ sinh khử khuẩn toàn bộ bệnh phòng tại khu vực xảy ra chùm ca bệnh, đồng thời tăng tần suất khử khuẩn thông thường đối với các khu vực còn lại của bệnh viện.

Xuyen dem 'lung' virus khien 80 nguoi bi mac ket o Benh vien Tu Du
Thân nhân các bệnh nhân nữ ở lại khoa Nội soi trưa 2/6

Các trường hợp hoãn mổ nội soi là các trường hợp đã có mặt tại khoa Nội soi vào ngày 1/6 để chuẩn bị cho ca mổ ngày 2/6 và ngày 4/6. Những ca mổ cho các bệnh nhân này được hoãn lại đến sau 2 tuần để qua thời điểm ủ bệnh cúm do virus cúm A/H1N1.

Những bệnh nhân đang được theo dõi tại khoa Nội soi sẽ được cho xuất viện về nhà trước ngày 4/6. Trong sáng 4/6 sẽ tiến hành khử khuẩn toàn bộ khoa Nội soi để chiều cùng ngày đón bệnh nhân.

Xuyen dem 'lung' virus khien 80 nguoi bi mac ket o Benh vien Tu Du
 

Các triệu chứng của cúm có thể gồm: sốt, ớn lạnh, nhức đầu, nhức cơ, chóng mặt, chán ăn, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy mũi; buồn nôn hoặc nôn, có thể gây viêm tai, tiêu chảy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm 1 liều vắc xin cúm mỗi năm 1 lần. Vắc xin cúm sản xuất đã được cập nhật để phù hợp hơn với chủng virus lưu hành.

Tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, không gây bất kỳ biến cố bất lợi cho phôi thai và không ảnh hưởng đến người mẹ. 

Bệnh cúm thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nhưng các triệu chứng của cúm thường có chiều hướng phát triển nhanh (thường 1-4 ngày sau khi bệnh nhân nhiễm phải virus cúm) và thường nghiêm trọng hơn so với triệu chứng hắt hơi và nghẹt mũi đặc trưng của bệnh cảm.

Bệnh cúm thường xuất hiện trong các giai đoạn chuyển mùa. Hầu hết bệnh sẽ hồi phục, hết sốt trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cúm có thể diễn biến nặng hoặc tử vong ở nhóm có nguy cơ cao.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI