Uống gừng buổi tối như thuốc độc?

14/08/2018 - 18:00

PNO - Sau khi ăn trứng vịt lộn vào buổi tối, tôi thường nhai vài lát gừng cho dễ tiêu. Nhưng gần đây, tôi thấy trên mạng, nhiều người loan truyền thông tin: uống gừng ban đêm như uống thạch tín, thuốc độc.

* Nhiều báo điện tử còn có bài viết: “Tuyệt đối không nên ăn gừng vào ban đêm”, “Không muốn chết đừng ăn gừng vào buổi tối”, “Dùng gừng vào buổi tối cực độc, tại sao?”... Vậy thực hư của việc uống gừng vào buổi tối như thế nào?

Hạ Anh (TP.HCM)

Theo bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y học Dân tộc TP.HCM, gừng là vị thuốc được sử dụng rất phổ biến trong Đông y. Gừng có tác dụng đối với các kinh phế, tỳ, vị, thận và đại tràng, làm ấm, chống cảm lạnh…

Gừng có tác dụng tốt trong y học: kháng sinh, chống viêm, giảm đau, chống nôn, chống co thắt cơ trơn... Khoảng 70% đơn thuốc Đông y có vị gừng. Lâu nay, gừng vẫn được sử dụng vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, hoàn toàn không có chuyện uống gừng vào buổi tối như uống độc dược. Gừng tươi có tính ấm, vị cay. Gừng khô có tính nóng.

Uong gung buoi toi nhu thuoc doc?
 

Còn thể tạng người bệnh, theo Đông y được chia ba nhóm: nóng (nhiệt), lạnh (hàn) và trung gian (không nóng, không lạnh). Nếu người thuộc nhóm nóng khi dùng gừng liều cao, chắc chắn sẽ gây triệu chứng nóng bứt rứt, khô miệng, khát nước, tiểu nóng, tiêu bón, nên khi sử dụng chỉ nên dùng liều thấp 2-3g/ngày thì hoàn toàn không độc hại, kể cả uống vào buổi tối.  

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - khẳng định: “Thông tin nói ăn, uống gừng vào buổi tối độc như thạch tín, có hại cho sức khỏe là sai. Gừng có ba loại: sinh khương (gừng tươi), can khương (gừng khô), thán khương (gừng nướng).  Trong đó, gừng tươi phù hợp với mọi đối tượng và có thể uống bất cứ giờ nào. Đặc biệt, gừng này không bị nóng như nhiều người nghĩ nếu uống đúng liều lượng. Gừng chỉ lưu ý khi sử dụng buổi tối là riêng những đối tượng nóng trong người mà uống gừng khô hoặc gừng nướng thì sẽ làm cơ thể nóng, gây khó ngủ, chứ không gây hại sức khỏe, hay tích tụ độc tố. Câu truyền miệng: “Ăn gừng buổi sáng tốt như nhân sâm. Ăn gừng buổi tối độc như thạch tín” chỉ là cách so sánh nên ăn, uống gừng vào buổi nào thì tốt nhất - chứ không phải uống gừng vào buổi tối là cấm kỵ, là như uống thuốc độc”. 

Để giúp tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh trong mùa mưa, hay giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ hướng dẫn: “Mỗi người có thể uống gừng mỗi ngày - đạt hiệu quả cao nhất thì nên uống vào mỗi sáng theo nguyên tắc: uống 1 tuần, nghỉ 1 tuần; uống 10 ngày nghỉ 10 ngày, rồi uống tiếp. Gừng gọt vỏ, giã nhuyễn, nấu sôi rồi lấy nước uống”. Lưu ý tương tác thuốc: những trường hợp đang uống thuốc chống đông máu, hạ huyết áp, hạ đường... cần theo dõi hoặc dùng liều thấp nhất.

Thùy Dương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI