Úc có thể trở thành quốc gia đầu tiên thế giới loại bỏ ung thư cổ tử cung?

11/03/2018 - 09:30

PNO - Hiệp hội Papillomavirus (virus HPV) quốc tế thông báo Úc có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không còn ung thư cổ tử cung.

Thành công vang dội

Từ năm 2005 đến năm 2015, tỷ lệ phụ nữ Úc dưới 24 tuổi nhiễm virus HPV (nguyên nhân gây nên 99,9% trường hợp ung thư cổ tử cung) đã giảm từ 22,7% xuống còn 1,1%. Song song đó, tỷ lệ chích ngừa HPV cũng tăng cao từ năm 2015, góp phần tạo nên một hiệu ứng “bảo vệ bầy đàn” chống lại bệnh ung thư này, bởi đây là loại virus lây truyền qua đường tình dục. 

Uc co the tro thanh quoc gia dau tien the gioi loai bo ung thu co tu cung?
 

Theo kết quả nghiên cứu mới, những nỗ lực của Úc trong việc phân phát vắc-xin HPV (human papillomavirus) miễn phí trong các trường học đã đạt được thành công vang dội.

Năm 2007, chính phủ Úc bắt đầu cung cấp vắc-xin HPV cho các bé gái 12-13 tuổi, vắc xin này cũng được cung cấp cho các bé trai từ năm 2013.

Các bé gái và bé trai ở ngoài độ tuổi nói trên nhưng dưới 19 tuổi cũng được tiêm vắc-xin miễn phí.

Thế giới không bắt kịp Úc

Theo Hiệp hội Các chuyên gia Sức khỏe sinh sản Mỹ, vắc-xin HPV không được cung cấp miễn phí ở quốc gia này. Dù được bảo hiểm hỗ trợ, người dân vẫn phải chi 450 đô la Mỹ (hơn 10 triệu đồng) cho toàn bộ phác đồ tiêm chủng.

Dựa trên dữ liệu được công bố vào năm 2016, có 78,6% bé gái 15 tuổi và 72,9% bé trai 15 tuổi ở Úc được tiêm vắc-xin HPV. Trong khi đó, tại Mỹ chỉ có 50% bé gái 13-17 tuổi và 38% bé trai 13-17 tuổi được tiêm vắc-xin này.

Tỷ lệ nói trên còn tệ hơn ở những nước đang phát triển, nơi tỷ lệ nhiễm virus HPV vẫn còn cao.

Uc co the tro thanh quoc gia dau tien the gioi loai bo ung thu co tu cung?

Joe Tooma, Giám đốc điều hành của Quỹ Ung thư cổ tử cung Úc, cho biết: "2/3 số phụ nữ trên thế giới không được tiếp cận với những gì phụ nữ Úc có được. Nếu chúng ta không làm được điều gì đó thì ung thư cổ tử cung vẫn sẽ là một trong những loại ung thư giết người nhiều nhất ở các nước đang phát triển”.

Tiêm vắc-xin HPV tại các trường học cũng đã chứng minh được hiệu quả trong một chương trình thử nghiệm tại Bhutan. Việc cung cấp miễn phí vắc-xin này ở các nước đang phát triển có thể là một giải pháp tốn kém, nhưng những gì Úc đã đạt được cho thấy rằng điều đó có thể giảm bớt gánh nặng mà ung thư cổ cung gây ra trong tương lai.

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI