Sán lá gan quay trở lại

24/03/2018 - 06:53

PNO - Một số bệnh như giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan, lao ngoài phổi… từng bị lãng quên, hiện đang có xu hướng quay lại với số ca mắc bệnh gia tăng đáng kể.

Điều đáng nói, không chỉ bệnh nhân mà nhiều bác sĩ cũng dễ để lọt căn bệnh “không ngờ” này.

Chẩn đoán nhầm u gan do nhiễm sán

Cách đây nửa năm, ông Đặng Xuân S., (66 tuổi, tỉnh Nam Định) thường xuyên bị những cơn đau tức hạ sườn hành hạ. Ông bị triệu chứng đắng miệng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa… khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi. Do nghĩ tuổi cao, cơ thể suy nhược nên ông ra sức tẩm bổ nhưng kết quả không biến chuyển.

Ông đến bệnh viện tỉnh kiểm tra thì “chết đứng” khi  được chẩn đoán là u gan. Tuy nhiên, sau khi chụp cắt lớp, ông S. được xác định bị nhiễm sán lá gan và chuyển xuống Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương điều trị. Tại đây, nghe các bác sĩ phân tích nguyên nhân dẫn đến việc mắc căn bệnh chẳng ngờ này, ông mới giật mình vì hay ăn đồ tươi sống như gỏi cá, rau sống…

San la gan quay tro lai
Hình ảnh các ổ ấu trùng sán dây làm tổ trong não của bệnh nhân Trần Thị M.

Cùng điều trị với bệnh nhân Đặng Xuân S. còn có bà Trần Thị M. (tỉnh Thanh Hóa), bị nhiễm sán não. Bà M. cho biết, triệu chứng ban đầu là cơ thể choáng váng, người gầy rộc. Mỗi lần đi lại, bà không đứng vững phải có người dìu.

Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang ký sinh trùng sán dây của bà M. có kết quả dương tính, khi chụp cắt lớp ở não thấy nhiều khối u nhỏ, thực chất đây là các ổ do ấu trùng sán tá túc. Hiện nay, bà M. vẫn đang phải tiếp tục điều trị, mỗi đợt kéo dài từ 15 - 17 ngày. 

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) - cho biết, trường hợp ông S., bà M. không phải cá biệt. Bệnh do ký sinh trùng gây ra thường khó phát hiện nên không chỉ người bệnh mà ngay cả nhiều bác sĩ cũng nhầm lẫn.

Viện từng tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân tại Thanh Hóa, đã phải cắt bỏ thùy gan trái mở rộng, cắt túi mật và nạo vét hạch cuống gan vì xác định có khối u ác trong gan. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân lại được thông báo đây không phải khối u ác mà do sán lá gan làm tổ.  

San la gan quay tro lai
 

Bệnh tăng đột biến 

Theo thống kê của khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, trong khoảng 3 năm trở lại đây số ca nhiễm liên quan đến ký sinh trùng tăng đột biến, lên tới 226%. Cụ thể, trong năm 2016 số lượng ca nhiễm là 7.678 và đến hết năm 2017, con số này đã tăng lên đến khoảng 17.369. 

Tuy không thống kê cụ thể, song tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Truyền nhiễm tăng trên 50% sau 5 năm từ 2013, trong đó, một số bệnh từng bị “lãng quên” như giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan, lao ngoài phổi... đang có xu hướng gia tăng. 

Bác sĩ Trần Huy Thọ khẳng định, những bệnh liên quan đến ký sinh trùng không gây nguy hiểm nhiều đến tính mạng. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh sán lá gan sẽ được điều trị tại viện trong khoảng 10 này, sau đó sẽ có liệu trình theo dõi cụ thể từ 1 tuần đến 1 năm là có thể khỏi bệnh.

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là các bệnh viện tuyến dưới do chưa có phương tiện chẩn đoán chuyên sâu, nên khả năng phát hiện, điều trị có thể chưa được rõ ràng. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân thường chủ quan khi phát hiện các triệu chứng bệnh, dẫn đến việc điều trị muộn và để lại di chứng nặng nề. Nhiều trường hợp mắc sán lá gan, khi nhập viện khối áp xe gan quá lớn đã bị vỡ. Nếu không cấp cứu kịp có thể bị nhiễm trùng và tử vong. 

San la gan quay tro lai
 

Nguy cơ bệnh từ thói quen sinh hoạt

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Huy Thọ cảnh báo: hầu hết bệnh do ký sinh trùng gây ra đều do thói quen ăn uống của người dân. Nhiều nơi, do phong tục tập quán nên người dân thường ăn rau sống; nấu chưa kỹ thực vật thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần; ăn tiết canh, nem chạo... Đây là nhóm thực phẩm có nguy cơ cao truyền bệnh sán lá gan. 

Bên cạnh đó, không chỉ là bệnh từ miệng, thói quen nuôi thú cưng tại các gia đình hiện nay cũng là con đường lây nhiễm bệnh phổ biến. Theo các chuyên gia, giun đũa chó và ký sinh trùng sán chó là hai loại ký sinh trùng dễ gặp nhất khi nuôi chó, mèo. Các loại giun này sống ký sinh trong ruột non của chó, mèo, chúng thường đẻ trứng và theo phân ra ngoài. Do đó, thói quen ôm hôn thú cưng, dọn phân chó mèo nhưng không vệ sinh tay sạch sẽ rất dễ khiến người nuôi nhiễm các loại ấu trùng giun này.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI