Nôn - nguy hiểm hơn ta tưởng

10/12/2017 - 05:00

PNO - Nôn, theo thiết kế gốc là phản xạ sinh tồn tống thải chất hại ra khỏi dạ dày. Do đó, nôn ói dễ bị nhầm là vấn đề nội bộ của ống tiêu hóa. Thật ra, nôn ói còn được nhào nặn từ nhiều bàn tay khác.

Nôn, theo thiết kế gốc là phản xạ sinh tồn tống thải chất hại ra khỏi dạ dày. Do đó, nôn ói dễ bị nhầm là vấn đề nội bộ của ống tiêu hóa. Thật ra, nôn ói còn được nhào nặn từ nhiều bàn tay khác.

Dạ dày - nguồn cơn số một

Nguồn phát nôn có “hộ tịch” tiêu hóa hầu hết từ dạ dày. Đó là các kích thích niêm mạc dạ dày (viêm, loét, u), chất gây khó chịu cho dạ dày (thực phẩm độc, độc tố vi khuẩn, thuốc trị bệnh, hóa chất, chất bất dung nạp…). Xa hơn, nôn ói đến từ hiệu ứng dội ngược khi ống tiêu hóa bị tắc nghẽn (hẹp môn vị, xoắn lồng, liệt ruột, bệnh hirschsprung…).

Bên cạnh đó, nôn nhận chỉ đạo từ trung tâm nôn hành não. “Sở chỉ huy” này có thể nhận kích hoạt từ đường tiêu hóa, vỏ não, vùng tiền đình hoặc từ vùng thụ thể khác. Đây là xuất nguồn của những cơn nôn ói không thật sự xuất phát từ yêu cầu tống thải của dạ dày. Nôm na đây là những vụ “ấn nút nhầm”. 

Nguồn cơn cũng khá dày: hội chứng tăng áp lực nội sọ (chấn thương, xuất huyết não, viêm não - màng não, đau nửa đầu, u não…), rối loạn thăng bằng - tai (say tàu xe, viêm mê đạo, viêm tai giữa, bệnh Meniere…), rối loạn điện giải, viêm mật, tụy, cường giáp, tiểu đường, suy thận… Xáo trộn hormon “đỡ đầu” những cơn nôn thốc của bà bầu ốm nghén.

Non -  nguy hiem hon ta tuong
 

“Nham hiểm” hơn ta tưởng

Xuất nguồn “năm cha bảy mẹ” khiến nôn ói đôi khi “nham hiểm” hơn vẻ ngoài. Chúng có thể hiền lành như mấy ông nhậu “cho chó ăn chè”, mấy cô nữ sinh say tàu xe, nhưng cũng có khi đáng sợ như hồi chuông báo nguy, thậm chí báo tử, của một khối máu tụ trên não hay tình trạng toan huyết của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối.

Vì vậy, “đối xử với nôn ói” cho phải lẽ cũng là vấn đề lớn. Nếu nôn là hành động sống còn nhằm tống thải chất độc thì ngăn chúng tương đương với “tự sát”. Chỉ chặn nôn ói khi đảm bảo chất độc đã ra khỏi cơ thể. Công thức an toàn: tối thiểu hai lần nôn rồi chặn gì thì chặn.

Những cơn nôn quá thể ảnh hưởng sức khỏe: say xe, ốm nghén, viêm loét dạ dày, đặc biệt trong hóa trị ung thư. Những cơn nôn ói tác dụng phụ của phác đồ tiêu diệt tế bào ác tính có khi dữ dội khiến người bệnh rã rời, suy kiệt, thậm chí sợ hãi từ chối điều trị. Không gì tức tưởi hơn khi nôn ói lại có thể phá hỏng cơ hội sống của người bệnh.

Có thể tử vong vì nôn

Non -  nguy hiem hon ta tuong
 

Nôn ói phá hỏng đường thu nạp thức ăn qua miệng, uy hiếp người bệnh nặng, suy kiệt, trẻ con, người già. Trường hợp không thể chặn, người bệnh buộc phải chuyển sang “ăn” bằng sonde, tĩnh mạch. Nôn ói đổ bỏ một lượng lớn nước và chất điện giải, nếu nặng, gây mất nước và rối loạn điện giải trầm trọng, chết người như chơi, đặc biệt với trẻ con, người mắc sẵn bệnh chuyển hóa.

Dịch nôn ký gửi theo dịch vị là mối họa lớn với niêm mạc thực quản vốn mong manh hơn nhiều so với ông anh lớn dạ dày. Luồng nôn mạnh mang theo dịch vị có khả năng làm rách cả thực quản. Nôn tạo ra áp suất lớn lên khoang bụng, khoang ngực, xui xẻo có khi bất thần khởi tạo cơn đau tim, đột quỵ…

Trẻ con, người già vốn non nớt hoặc chậm chạp trong việc phối hợp đóng mở nắp thanh quản, có thể dẫn chất nôn xộc vào khí quản, phổi gây suy hô hấp, tử vong nếu không cứu kịp.

Nôn, lắm khi “nói vậy mà không phải vậy” với cách mà nó đại diện cho căn bệnh nào đó và với cả tác hại mà nôn trực tiếp gây ra. Nếu bạn từng cẩn thận đề phòng với cơn ho, cơn đi ngoài thì cũng nên đặt cơn nôn ói vào danh sách cảnh giác, chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong kế hoạch phòng và trị bệnh. 

 Bác sĩ Đỗ Trình Thoại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI