Những tai nạn thường gặp ở trẻ

24/03/2018 - 17:30

PNO - Thời tiết nắng nóng, trẻ em cũng như người lớn thường tìm nhiều cách để trốn nóng và chống nóng.

Tuy nhiên, nhiều trẻ không ý thức hành vi của mình có thể gây nguy hiểm: tắm ở ao hồ, tự cắm quạt, uống nhầm hóa chất dẫn đến đuối nước, bị điện giật, bị bỏng… là những tai nạn thường xảy ra ở trẻ.

Nhằm cảnh báo và nâng cao ý thức trong cộng đồng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã tổ chức chuyên đề: “Dự phòng và xử trí sơ cứu các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em”.  

Nhung tai nan thuong gap o tre
Bé gái bị tai nạn đinh cắm vào đầu khi chơi cùng bạn

Đuối nước 

Đây là tai nạn thường gặp nhất ở trẻ trong mùa nóng. Những ngày qua đã có nhiều trẻ tử vong vì đuối nước, trong đó có bé trai 8 tuổi bị đuối nước ở hồ bơi tại Q.9, TP.HCM. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, BV thường xuyên phải cấp cứu những trường hợp đuối nước ở trẻ em, cao điểm là mùa nắng nóng, mùa hè.

Không chỉ sông, suối, ao hồ, ngay cả những vật chứa nước trong nhà nếu không có nắp đậy, cũng gây nguy hiểm cho trẻ. Trẻ vốn nghịch ngợm và mê nước, do đó, nếu người lớn không để mắt, giám sát kỹ, bé sẽ đối diện với nguy cơ đuối nước. 

Cách sơ cứu đuối nước đúng cho trẻ là cần khẩn trương, đúng kỹ thuật. Việc đầu tiên là ngay lập tức đưa trẻ ra khỏi nước, sơ cứu để giải phóng đường thở, cung cấp ô-xy cho nạn nhân. 

Ngay khi đưa được nạn nhân lên bờ, đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu trẻ tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim, đồng thời hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim và phối hợp thổi ngạt theo tỷ lệ 30/2: tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỷ lệ 15:1. 

Lưu ý: khi thổi ngạt cho trẻ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng, dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế. Không nên vác hay dốc ngược trẻ, vì đây là cách sơ cứu sai, làm mất thời gian vàng cứu trẻ. 

Nhung tai nan thuong gap o tre
 

Uống nhầm hóa chất

Nhiều gia đình thường để hóa chất, xăng dầu trong những chai nước suối, vừa tầm tay của trẻ, nên khi khát nước, hoặc vì tò mò bé có thể uống phải. Đã từng có trường hợp trẻ khát nước, nhìn thấy chai nước rửa nữ trang đựng trong chai nước suối (gia đình làm nghề kinh doanh vàng bạc) nên đã uống một hơi và bị nôn, rơi vào trạng thái lơ mơ.

Khi trẻ uống, ăn nhầm hóa chất, cần nhanh chóng xử lý ngộ độc ngay. Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 hướng dẫn: “Trước tiên cần xem trẻ có suy hô hấp hay không. Nếu có thì kích thích cho bé nôn để cho ra những hóa chất đã nuốt vào. Tuy nhiên, hành động này phải thật cẩn thận, vì có thể làm trẻ sặc vào phổi, khiến tình trạng càng nghiêm trọng hơn. Ngay sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất”. 

Lưu ý: tuyệt đối không được kích thích cho trẻ nôn với những trường hợp ngộ độc chất ăn mòn như a-xít vì sẽ làm tình trạng bỏng lan rộng hơn. Khi đến BV, cần mang theo “tang vật” - vật nghi ngờ gây nên tình trạng ngộ độc cho trẻ. Không nên đưa đến thầy lang cho uống lá cây, rễ cây… để giải độc, sẽ làm chậm trễ việc cứu chữa cho  trẻ.

Phụ huynh cần lưu ý: những hóa chất nguy hiểm phải chứa trong chai lọ chuyên dụng, ở nơi riêng biệt, không để gần kệ bếp hay trong tầm tay trẻ.

Bị bỏng

Với bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh, nên bị bỏng là tai nạn các bé dễ gặp phải. Có bé bị bỏng điện, có bé bị bỏng do nước sôi. 

Nếu bé bị bỏng do nước sôi, nước canh nóng hay chạm phải pô xe máy, trước tiên cần làm mát vết bỏng trong nước lạnh. Nhẹ nhàng ngâm vết thương của bé trong chậu nước sạch, hoặc mở vòi nước để xả nhẹ lên vết bỏng. Ngâm vết thương trong nước lạnh ít nhất 10 phút, điều này sẽ giúp bé giảm đau và sưng phồng. Nếu bị bỏng do hóa chất thì khi xối nước cần cẩn thận để tránh lan ra các vị trí da lành. 

Sau khi ngâm vết bỏng trong nước lạnh, nếu trong nhà có dầu mù u hãy thoa lên vết bỏng rồi băng vết thương bằng miếng vải sạch. Tuy nhiên, nếu vết bỏng nặng, sâu, hoặc to hơn bàn tay thì phải đưa trẻ đến BV ngay. Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, đổ nước mắm… lên vết bỏng. 

Lưu ý: không cho trẻ lại gần bếp lửa, nước sôi, dụng cụ chứa đang nóng và để xa tầm tay của bé.

Bị điện giật

Nhung tai nan thuong gap o tre
 

Ổ điện luôn có sức hút với trẻ vì bản tính tò mò. Hơn nữa, trong mùa nắng nóng, trẻ thường bắt chước người lớn, tự cắm điện cho quạt máy, dẫn đến bị điện giật. Với tai nạn này, cha mẹ cần bình tĩnh xử trí, nếu không có thể khiến cả bé và người cứu gặp nguy hiểm.

Người cứu không được chạm trực tiếp vào trẻ nếu bé vẫn còn trong nguồn điện. Trước tiên, cắt ngay nguồn điện, hoặc tìm cách lấy nguồn điện ra khỏi người bé.

Lưu ý: người sơ cứu phải đứng trên vật liệu cách điện khô như mang dép nhựa, miếng gỗ và dùng vật liệu không dẫn điện như gỗ, vải khô để tách bé và nguồn điện.

Ngay sau đó, kiểm tra hơi thở của trẻ, để bé nằm nghiêng một bên (tránh nuốt phải nước dãi chảy ra gây hít sặc phổi) và co một đầu gối lên. Tư thế này giúp trẻ thở dễ hơn và không bị nghẹn. Sau khi sơ cấp cứu, nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế.

Nhung tai nan thuong gap o tre
 

Té ngã, vật sắc nhọn đâm

Trẻ thường đùa giỡn, chạy nhảy, nghịch phá, đánh nhau… do hiếu động. Những đồ vật, dụng cụ trong nhà như dao, kéo, đinh… rất có thể trở thành “thủ phạm” gây tai nạn cho trẻ, hoặc các bé chơi cùng có thể gây tổn thương cho nhau. Rất nhiều trẻ ngã khi leo trèo, bị đinh đâm vào chân, kéo đâm vào mắt… Thậm chí, BV Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận trường hợp bé mới 19 tháng tuổi ở Bình Dương bị đinh đâm vào đầu khi chơi cùng với bé trai 3 tuổi. 

Bác sĩ Đặng Xuân Vinh, Phó khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo: khi thấy trẻ bị tai nạn này tuyệt đối không tìm cách rút vật sắc nhọn ra khỏi vết thương. Trước tiên, hãy rửa sạch, sát trùng vết thương cho trẻ bằng ô-xy già hoặc nước muối, băng cố định tại chỗ bằng vải để cầm máu rồi đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

“Đầu của trẻ thường rất mềm, dễ tổn thương, vật nhọn dễ cắm sâu vào nên phụ huynh cần trông chừng trẻ cẩn thận. Không để trẻ chơi gần các vật sắc nhọn, bé có thể xô đẩy té ngã hoặc tò mò khám phá gây nguy hiểm đến bản thân và mọi người xung quanh” - bác sĩ Vinh lưu ý. 

Song Khánh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI