Nhờ 'quy trình vàng', nhiều bệnh nhân được cứu sống

28/02/2017 - 17:54

PNO - Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho rằng: “Trong cấp cứu không thể lúc nào cũng áp dụng một quy trình chuẩn. Chuẩn nhất là làm sao cứu được người. Đó là y lệnh cao nhất”.

Sự gia tăng đột ngột những ca cấp cứu trong những tháng đầu năm 2017 đã khiến các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy không khỏi lo ngại. Bệnh viện Chợ  Rẫy là bệnh viện tuyến cuối ở phía Nam trong tiếp nhận các ca cấp cứu vô cùng nguy hiểm và cấp bách.

Một số liệu được công bố vào ngày 28/2 cho thấy có sư gia tăng một cách bất thường các ca tai nạn mà số phận của bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong.  

Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết nếu như cả năm 2016, bệnh viện chỉ có 15 trường hợp cấp cứu  phải thực hiện quy trình báo động đỏ (cấp cứu khẩn cấp có sự hỗ trợ của các chuyên khoa) thì chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017 là tháng 1 và tháng 2, bệnh viện đã thực hiện đến 8 ca báo động đỏ.

Nho 'quy trinh vang', nhieu benh nhan duoc cuu song
Một trường hợp được cứu sống nhờ báo động đỏ tại BV Chợ Rẫy

Rất may mắn, quy trình báo động đỏ được áp dụng nhuẫn nhuyễn đã cho kết quả ngoạn mục: năm 2016 cứu 10/15 ca cấp cứu; năm 2017 cứu 7/8 ca cấp cứu. Những trường hợp này, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Việt thì: “Nếu cấp cứu chậm thì có thể đã chết hết”.

Còn theo bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 250 lượt bệnh nhân cấp cứu thì sang năm 2017, mỗi ngày có đến 350 bệnh nhân cấp cứu. Trong đó, 10% phải chuyển mổ cấp cứu theo quy trình báo động đỏ. Đa phần các trường hợp này bị đa chấn thương ở ngực, bụng, tứ chi; các trường hợp xuất huyết nội; tổn thương mạch máu não, tổn thương ở tim…

Nho 'quy trinh vang', nhieu benh nhan duoc cuu song
Những trường hợp phải nhập viện cấp cứu tại BV Chợ Rẫy nếu không cứu kịp thời thì tử vong rất cao

Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết để tận dụng thời gian vàng trong cấp cứu, có những quy trình, thủ tục thông thường như: các xét nghiệm, siêu âm hay thậm chí là gây mê…phải bị bỏ qua. Bởi nếu thực hiện theo đúng quy trình chuẩn thì bệnh nhân nắm chắc cái chết.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho rằng:  “Trong cấp cứu không thể lúc nào cũng áp dụng một quy trình chuẩn. Chuẩn nhất là làm sao cứu được người. Đó là y lệnh cao nhất”.

Trong thời gian sắp tới, để tận dụng thời gian vàng cấp cứu, ngoài phòng mổ bên trong phòng cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xây dựng thêm phòng mổ tại một số chuyên khoa về tim mạch, lồng ngực…

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI