Nhập viện cấp cứu, rửa dạ dày vì ăn mật cá trắm chữa bệnh

17/07/2018 - 08:47

PNO - Sau 1 giờ ăn mật cá trắm chữa bệnh, anh Đ.V.D (37 tuổi, ở Tuyên Quang) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bụng đau quằn quai, đi ngoài liên tục, nôn ra dịch vàng nâu.

Ngày 17/7, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.D. (37 tuổi, ở Tuyên Quang) bị ngộ độc mật cá trắm.

Theo người nhà bệnh nhân, anh D. nấu canh mật cá trắm ăn trưa. 1 tiếng sau, bệnh nhân bị đau bụng quanh rốn, nôn nhiều ra thức ăn kèm theo đại tiện phân lỏng liên tục. 

Nhap vien cap cuu, rua da day vi an mat ca tram chua benh
Ngộ nhận mật cá trắm chữa bệnh, người đàn ông phải nhập viện cấp cứu vì nôn ói, đau bụng quằn quại

Các bác sĩ nhanh chóng rửa dạ dày cấp cứu cho bệnh nhân. Hiện anh được chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi tiếp.

Đây không phải lần đầu anh D. ăn mật cá trắm. Những lần trước, anh D. ăn nhưng không có dấu hiệu bất thường nên thường xuyên sử dụng sản phẩm này như một vị thuốc.

Mật cá trắm vẫn được truyền miệng như một bài thuốc tiên để trị hen suyễn, đau lưng, suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định độc tố trong mật cá trắm chính là steroid. Vì mật cá trắm chứa lượng lớn chất này nên gây rối loạn chuyển hoá các bộ phận của cơ thể và gây độc, đặc biệt đối với thận và gan.

Sau khi uống hoặc ăn mật cá trắm 2 - 3 giờ, các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy rất nhiều. Tiếp theo đó là tiểu tiện ít, phù nề do suy thận cấp.

Với những trường hợp nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và tử vong. Do đó, các bác sĩ cảnh báo, đây là một bài thuốc truyền miệng nguy hiểm chết người không nên dùng mật cá trắm để chữa bệnh, dù dùng bất cứ cách nào.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI