Người nhà không đủ tiền, bác sĩ Chợ Rẫy vẫn cứu bệnh nhân với chi phí 300 triệu đồng

21/05/2018 - 11:52

PNO - Biết người nhà lưỡng lự do không đủ chi phí, các bác sĩ thuyết phục rằng "mạng sống là quan trọng nhất". Khi nghe nói chỉ còn khoảng 60 phút nữa để cứu người, họ đã gật đầu.

Chị Lê Thị Quỳnh Giao (31 tuổi, đang nuôi 3 con nhỏ sau khi ly dị), được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM lúc 12h30 ngày 18/5, đã hôn mê, phải có người bóp bóng cung cấp oxy. Thời gian sống của chị được ước tính chỉ còn khoảng 60 phút.

Trước đó, chị được đưa vào 2 bệnh viện ở quận 7 với chẩn đoán là viêm cơ tim cấp. Người nhà từng từ chối điều trị bằng kỹ thuật đặt máy tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO vì được yêu cầu phải có khoảng 500 triệu đồng.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với hy vọng còn nước còn tát. Để cứu bệnh nhân, một lần nữa, phương pháp y khoa tốt nhất vẫn chỉ có thể là đặt máy ECMO.

Nguoi nha khong du tien, bac si Cho Ray van cuu benh nhan voi chi phi 300 trieu dong
Chị Quỳnh Giao được đặt máy ECMO với thời gian nhanh kỷ lục 15 phút

Biết người nhà lưỡng lự do không đủ chi phí, các bác sĩ thuyết phục rằng "mạng sống là quan trọng nhất". Khi nghe nói chỉ còn khoảng 1 giờ nữa để cứu người, người nhà chị Giao gật đầu. Một lần nữa, chuyện chỉ có ở Bệnh viện Chợ Rẫy lặp lại: cứu người trước, chuyện khác tính sau.

Hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO với tim và phổi nhân tạo được y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thiết lập cho bệnh nhân Lê Thị Quỳnh Giao chỉ trong 15 phút – thời gian nhanh nhất kể từ lúc họ trang bị hệ thống ECMO.

"Thời gian này tương đương với thời gian thiết lập của các bệnh viện ở nước Đức – nơi xuất xứ của hệ thống ECMO. Trước đó, để thiết lập hệ thống ECMO phải cần ít nhất từ 30-45 phút", bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy bật mí.

Nguoi nha khong du tien, bac si Cho Ray van cuu benh nhan voi chi phi 300 trieu dong
Hệ thống ECMO đã cứu sống chị Giao dù chi phí lên đến khoảng 300 triệu đồng

Quãng thời gian được rút ngắn hết cỡ đã giúp bệnh nhân kịp thời hồi phục. 15 phút sau khi đặt máy ECMO, chị Lê Thị Quỳnh Giao bắt đầu hồi tỉnh, có thể cử động nhẹ tay chân và nói chuyện được, dù quả tim thật chỉ còn 20% chức năng.

3 ngày sau, tình hình bệnh nhân khá dần hơn, có thể xuất viện sau 2 ngày nữa. Tuy vậy, vấn đề viện phí với khoảng 300 triệu đồng khiến người nhà vô cùng lúng túng vì cố gắng hết cỡ họ cũng chỉ đóng được 70 triệu đồng. Chị Giao mong được sự sẻ chia từ các nhà hảo tâm để có thể về với gia đình.

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho biết đặt máy ECMO để tạo hệ thống tuần hoài bên ngoài cơ thể có thể cứu sống bệnh nhân bị viêm cơ tim (tỷ lệ thành công là 70%) và suy phổi với tỷ lệ rất cao. Nếu không sử dụng ECMO, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80%.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI