Máy hút tai, rửa mũi tưởng tốt thành hại

18/05/2018 - 08:30

PNO - Thoạt nghe cứ tưởng dùng máy vệ sinh tai và bình rửa mũi sẽ lấy đi chất bẩn và phòng ngừa được các bệnh viêm nhiễm tai, mũi, họng cho trẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo, lạm dụng những dụng cụ này có thể khiến bệnh thêm nặng.

Biến chứng nặng hơn

Trên thị trường đang rộ lên sản phẩm vệ sinh tai với giá phải chăng, được nhiều bà mẹ ưa chuộng. Chỉ cần bỏ ra 60.000-200.000 đồng là sắm được chiếc máy hút ráy tai. Máy thiết kế nhỏ gọn, cầm tay, nguồn gốc được giới thiệu xách tay từ Nhật, Pháp, Mỹ, giá cả chênh lệch tùy theo số đầu hút đi kèm. 

Bên cạnh máy hút ráy tai, bình rửa mũi cũng đang được các mẹ săn lùng. Đó là chiếc bình nhựa dung tích 250ml, chứa nước muối sinh lý hoặc nước biển. Cách sử dụng là bóp để tạo áp lực đẩy dòng nước vào sâu trong mũi, rửa trôi chất nhầy, bụi bẩn. 

Những sản phẩm trên được người bán khuyến khích dùng cho cả trẻ em và người lớn, dùng thường xuyên ngăn ngừa được bệnh viêm tai giữa, viêm hô hấp trên. Đặc biệt, nếu chịu khó rửa mũi, hút tai mỗi ngày trẻ sẽ chẳng cần dùng kháng sinh khi khò khè, chảy mũi, chỉ 2-3 ngày sau bệnh tự khỏi.

May hut tai, rua mui tuong tot thanh hai
Lạm dụng máy rửa mũi, hút ráy tai có thể khiến bệnh biến chứng thêm nặng

Quảng cáo là như vậy nhưng thực tế không ít cha mẹ một phen hú vía vì cho con sử dụng các sản phẩm này. Như trường hợp chị P.T.P., ngụ tại Q.10, TP.HCM. Con gái chị 2 tuổi, rất hay bị viêm hô hấp trên, có tháng phải đi bác sĩ khám bệnh, lấy thuốc uống tới hai lần. Sợ con uống thuốc nhiều hại gan, hại thận, chị P. lên mạng tìm cách phòng ngừa bệnh đường hô hấp cho trẻ em.

Chị thấy nhiều mẹ mua chiếc bình rửa mũi, vì thấy khá thuyết phục với thông tin miêu tả về hiệu quả của sản phẩm. Chị P. đặt mua trên mạng chiếc bình xuất xứ Nhật với giá 200.000 đồng. Một ngày sau, chiếc bình rửa mũi được giao tới nhà, chị P. hí hửng sử dụng ngay. Ai ngờ, chị vừa bóp cho nước biển xông vào mũi thì bé sặc sụa, ho tới mức ói ra hết.

Trường hợp của con trai chị N.T.D., ngụ tại Q.Tân Phú cũng chỉ vì ỷ y chiếc bình rửa mũi mà bệnh biến chứng nặng lúc nào không hay. Con trai chị 13 tuổi, bị viêm xoang. Được giới thiệu, chị đặt mua bình rửa mũi với hy vọng vệ sinh mũi mỗi ngày sẽ giảm được bệnh cho con. Đỡ đâu chưa thấy, sau đó con trai kêu đau tai, tai chảy mủ. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán viêm xoang biến chứng thành viêm tai giữa.

Chị D. khá bất ngờ, hỏi bác sĩ vì sao bơm rửa mũi mỗi ngày mà bệnh thành nặng thế. Bác sĩ giải thích, bơm nước muối vào rửa mũi là dùng áp lực, khi nước đẩy vào trong mũi, trước khi chảy ngược ra cũng bị đẩy luôn vào các bộ phận thông với mũi như họng, tai. Vì thế, dịch nhầy, vi khuẩn từ mũi cũng theo đó lan ra, khiến người bệnh có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn bình thường.

Tại khu khám tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, anh P.Đ.T. đang bế con trai 12 tháng tuổi chờ khám. Theo anh T., được người bạn tặng chiếc máy hút ráy tai, nên mỗi ngày sau khi tắm cho con, vợ anh đều dùng hút ráy tai cho bé. Hôm qua, phát hiện tai bé sưng đỏ, có mùi hôi, sáng sớm nay vợ chồng anh vội vàng đưa con đi khám bệnh. 

Không dùng với trẻ dưới 5 tuổi

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Như - Phó khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - lượng trẻ em đến khám vì các bệnh viêm nhiễm đang gia tăng hơn bình thường khoảng 15%, dự tính sẽ còn tăng lên tới 30% nếu thời tiết vẫn “đỏng đảnh” như hiện tại. Trong số những bé tới khám, bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp chịu hậu quả do cha mẹ vệ sinh tai, mũi không đúng cách.

Với bình xịt rửa mũi, bác sĩ Như khuyến cáo, trẻ không có biểu hiện bất thường, đang khỏe mạnh thì không nên dùng. “Bệnh viện đã từng tiếp nhận những bé bị sặc do rửa mũi. Nhẹ thì trẻ nôn ói, nặng có thể biến chứng gây viêm phổi, viêm phế quản”, bác sĩ Như chia sẻ.

Đối với những trẻ lớn hơn, có tiền căn viêm xoang, phải rất thận trọng khi xịt rửa mũi bằng bình. Vì dung dịch dùng rửa mũi dù nước muối hay nước biển cũng là hóa chất đưa vào cơ thể. Chưa kể một số loại nước muối được pha thêm yếu tố vi lượng như đồng, mangan, kẽm, lưu huỳnh đều có tác dụng phụ riêng. Bởi thế, nếu phải rửa mũi để hỗ trợ điều trị, trẻ cần được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn cụ thể rửa thế nào, bao nhiêu lần trong bao nhiêu ngày.

Về máy hút ráy tai, bác sĩ Như khuyến cáo chỉ nên dùng cho trẻ từ 15 tuổi trở lên và người lớn. Bởi ở độ tuổi này, trẻ cảm giác được nếu đau hoặc thấy không thoải mái. Đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi, tuyệt đối không nên dùng, bởi cha mẹ không đánh giá được ống tai của bé, trong khi máy lại có rất nhiều loại đầu hút. Nếu dùng đầu hút không phù hợp, trẻ có thể bị viêm ống tai ngoài, thậm chí chấn thương màng nhĩ.

Nhiều cha mẹ quan niệm dùng máy sẽ ngăn ngừa tái phát ở những bé tiền căn viêm tai giữa là không đúng. Máy chỉ có thể tác động, làm sạch ống tai ngoài. Những bé viêm tai giữa mạn tính, khi xuất hiện triệu chứng hắt xì, khò khè từ 2-3 ngày thì nên đi khám ngay. Triệu chứng chảy mũi, ho mà lâu hơn 10 ngày cha mẹ cần cho bé kiểm tra tai, đề phòng viêm tai giữa tái lại. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI